Lợi suất trái phiếu thấp có nghĩa là tăng trưởng yếu
Các ngân hàng trung ương nên biết rằng quý vị không thể [cùng lúc] có các mức lãi suất âm với lợi suất trái phiếu thấp và tăng trưởng mạnh. [Mà chỉ có thể chọn] hoặc mục tiêu này hay mục tiêu kia.
Các ngân hàng trung ương đã chọn [chính sách] lợi suất trái phiếu thấp bằng mọi giá, bất chấp toàn bộ bằng chứng về sự đình trệ phía trước. Chính sách lợi suất trái phiếu thấp này tạo ra những vấn đề to lớn và những động lực [kích thích] sai trái.
Không có gì ngạc nhiên khi các thị trường phục hồi mạnh mẽ, do được lĩnh vực công nghệ thúc đẩy, sau khi sụt giảm bởi những sự lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các hiệu quả của gói kích thích [chi tiêu] ngày càng ngắn, và nó thể hiện khá rõ ràng trong các số liệu thấp về sản xuất công nghiệp và thước đo kỳ vọng của cuộc khảo sát của ZEW. Kết quả tương tự cũng có thể được nhận ra qua chỉ số đang suy yếu của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) ở Hoa Kỳ. Chỉ số của nhà quản trị về mua sắm dịch vụ ISM (PMI) của Hoa Kỳ đứng ở mức 60.1, thấp hơn kỳ vọng (63.5) vào tháng 06/2021, chính xác ở đúng trong lĩnh vực mà sự phục hồi nên là mạnh nhất.
Điều thú vị là thị trường Âu Châu đã giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Âu Châu gửi đi thông điệp về [chính sách] dung hòa cuối cùng, một sự thay đổi trong mục tiêu lạm phát cho phép ngân hàng trung ương vượt quá giới hạn 2% chứ không cần phải thay đổi chính sách. Tất cả những sự việc này cho chúng ta biết điều gì?
Thứ nhất, hiệu ứng giả của các gói kích thích [chi tiêu] có tác động ngắn hơn. Hàng ngàn tỷ dollar được chi tiêu tạo ra một hiệu ứng tích cực nhỏ kéo dài trong vòng chưa đầy ba tháng nhưng để lại một dấu ấn nợ nần khổng lồ phía sau.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương ngày càng trở thành con tin của các chính phủ đơn giản là sẽ không [chịu] kiềm chế chi tiêu thâm hụt và sẽ không thực hiện các cải cách về cấu trúc. Tính độc lập của các cơ quan quản lý tiền tệ từ lâu đã bị nghi ngờ, nhưng giờ đây người ta đã thấy rõ rằng các chính phủ đang sử dụng các chính sách nới lỏng như một công cụ để từ bỏ các cải cách cấu trúc, [chứ] không phải [chỉ] để câu giờ. Không một nền kinh tế phát triển nào có thể chịu nổi sự gia tăng nhẹ của lợi suất trái phiếu chính phủ, và với lạm phát cao [kèm theo tăng trưởng] đình trệ ở các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ không thể tái tạo, điều này đồng nghĩa với việc sự đình trệ tương lai cùng với các mức giá cả cao hơn, một điềm xấu cho nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, và đáng lo ngại hơn, những người tham gia thị trường đều biết điều này và chấp nhận các mức độ rủi ro tăng dần khi biết rằng các ngân hàng trung ương sẽ không làm giảm [lạm phát], dẫn đến một môi trường mong manh hơn và các mức tự mãn cực độ.
[Giá cổ phiếu của] các lĩnh vực được gọi là giá trị đã bị giảm trên thị trường chứng khoán, cho thấy sự phục hồi đã phản ánh vào giá và rủi ro phía trước là biên lợi nhuận suy yếu và tăng trưởng kém, trong khi (cổ phiếu của) của những ngành hưởng lợi truyền thống từ “lãi suất thấp mãi mãi” đã tăng vọt lên các mức cao mới.
Bất chấp những lo ngại của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm về con số nợ gia tăng của các doanh nghiệp gặp khó khăn, các nhà đầu tư đang tự mãn thái quá khi tìm kiếm lợi suất [trái phiếu] và họ đang mua trái phiếu rác (junk bonds) với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm bất chấp số vụ phá sản ngày càng tăng.
Các ngân hàng trung ương biện minh cho những hành động này dựa trên quan điểm rằng lạm phát là nhất thời nhưng lại bỏ qua những rủi ro về giá cả tăng cao ngay cả khi tốc độ tăng giá đó chậm lại. Nếu giá thực phẩm và năng lượng tăng 30% rồi giảm 5%, thì đó không phải là “nhất thời” đối với những người tiêu dùng đang phải chịu mức tăng giá nêu trên trong những thứ họ mua hàng ngày, một vấn đề đã xảy ra vào năm 2020 và 2019. Bị ảnh hưởng tiêu cực nhất là tầng lớp thu nhập trung bình-thấp và người nghèo, vì họ không được hưởng tác động của sự giàu có từ việc tăng giá tài sản.
Lạm phát dai dẳng và các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng sai lầm không phải là công cụ để tăng trưởng, mà là gây ra đình trệ và nợ nần.
Cho đến nay, các ngân hàng trung ương tin rằng các chính sách của họ đang có tác dụng vì thị trường cổ phiếu và trái phiếu vẫn mạnh mẽ. Điều đó giống như việc cho một người nghiện rượu vodka nhiều hơn vì anh ta chưa tử vong vì xơ gan. Lợi suất trái phiếu thấp và các mức nợ có lợi tức âm cao không báo hiệu thành công về tiền tệ mà là bằng chứng về sự mất kết nối sâu sắc giữa các thị trường và nền kinh tế thực.
Các ngân hàng trung ương đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục với các chính sách cực lỏng bất kể điều gì xảy ra với lạm phát trong ít nhất một năm rưỡi. Đối với người tiêu dùng, đó là khoảng thời gian suy yếu sức mua của tiền lương và tiền tiết kiệm. Thị trường có thể tiếp tục thưởng cho sự dư thừa và các rủi ro cao, nhưng đó là điều gì đó không nên phớt lờ, chứ đừng nói đến được cổ súy. Như vẫn thường xảy ra, rủi ro cực lớn sẽ bị quy là lỗi lầm [nguyên nhân] của cuộc khủng hoảng tiếp theo, nhưng nguyên nhân của rủi ro vô cùng lớn này—chính sách tiền tệ nới lỏng lâu năm—sẽ không dừng lại. Trên thực tế, nó sẽ được sử dụng như một giải pháp nếu có sự sụp đổ của thị trường.
Các ngân hàng trung ương nên phải giảm dần [việc nới lỏng tiền tệ] rồi, và nếu họ tin rằng lợi suất chính phủ thấp là hợp lý theo các nguyên tắc căn bản, hãy để thị trường chứng minh điều đó. Nếu lợi suất danh nghĩa và thực tế âm là hợp lý theo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành, thì tại sao các cơ quan quản lý tiền tệ lại cần phải mua 100% các đợt phát hành ròng? Thực tế đáng sợ hơn nhiều. Nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm bớt [việc nới lỏng tiền tệ], [thì] lợi suất [trái phiếu] chính phủ sẽ tăng vọt lên những mức có thể khiến nhiều chính phủ đang chi tiêu trong thâm hụt lung lay. Do đó, bằng cách giữ cho các mức lợi suất thấp một cách giả tạo, các ngân hàng trung ương cũng đang gieo mầm mống nợ nần cao hơn, năng suất thấp hơn, và tăng trưởng yếu hơn—công thức cho việc lấn át đầu tư tư nhân, dư thừa vốn, và đình trệ.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi bẫy ngân hàng trung ương” và “Cuộc sống trong thị trường tài chính.”
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: