Lời nhận xét của cô giáo thay đổi cuộc đời sự nghiệp một nhà văn
Câu chuyện được kể dưới đây của nhà văn Hoa Kỳ, đồng thời là diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng Robert Evans Wilson về chính cuộc đời ông chắc chắn sẽ thay đổi tư duy của mỗi chúng ta.
Từ nhỏ khát khao cháy bỏng nhất trong tôi là được trở thành một nhà văn. Những tưởng đam mê đó đã đủ để tôi có thể ngay lập tức bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nhưng cuộc sống không đơn giản như chúng ta tưởng. Cha tôi không khuyến khích con trai lập nghiệp bằng nghề viết lách. Ông cho rằng chỉ nên coi nó như một sở thích nhất thời và buộc tôi phải theo học ngành nghề có bằng cấp đàng hoàng để có thể xin được việc làm lương cao. Bất chấp sự phản đối của cha, cuối cùng tôi đã có trong tay tấm bằng Triết học, cái mà theo ông nhận xét sẽ chẳng mang đến cho tôi bất kể một kiến thức nghề nghiệp cụ thể nào.
Tốt nghiệp xong, sự nghiệp văn chương của tôi có vẻ còn trở nên xa vời hơn. Trong nhiều năm, tôi vừa đôn đáo chạy khắp nơi tìm việc, vừa liên tục viết truyện ngắn gửi đến các tòa soạn, đồng thời tôi phải tạm kiếm sống bằng công việc chạy bàn và pha chế đồ uống trong các nhà hàng. Không ngại vất vả, nhưng điều khiến tôi nản nhất là trong thời gian này tất cả các bài viết, truyện ngắn tôi dành trọn tâm huyết đều bị các tòa soạn từ chối.
Khoảng thời gian đó kéo dài chừng năm năm. Ngoại trừ một vài hợp đồng viết quảng cáo đơn lẻ, tôi chẳng tìm được việc gì đúng với sở trường của mình. Sốt ruột, buồn bã, chán nản, đã nhiều khi tôi nghĩ đến lúc phải từ bỏ đam mê, từ bỏ sáng tác… nhưng rồi điều bất ngờ đã xảy ra.
Một hôm, trong khi đang miên man suy nghĩ tìm giải pháp cho cuộc sống tương lai, tôi chợt nhớ tới những lời động viên của cô giáo dạy ngữ văn hồi lớp 9 của tôi, cô Lynn Andersen. Ngày đó, tụi học sinh chúng tôi thường được cô giao bài tập viết luận. Nhớ như in mỗi lần trả bài, tôi lại hồi hộp thích thú đọc những dòng cô khen được viết bằng bút mực đỏ phía góc trên mỗi bài viết. Rất nhiều bài luận của tôi được cô khen.
Nghĩ về chúng, hy vọng trở thành nhà văn lại trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi nghĩ, chí ít cũng có một người trên thế gian này đánh giá đúng khả năng tiềm ẩn của tôi. Bấy nhiêu đó cũng đủ tiếp sức, động viên tôi tiếp tục nỗ lực. Và thật kỳ diệu, không lâu sau tôi tìm được một công việc phù hợp, tốt hơn, đủ để tôi không phải làm trong nhà hàng, lại còn mua được nhà riêng. Từ đó bất cứ khi nào xuống tinh thần, tôi lại hồi tưởng đến những lời ngợi khen được viết bằng bút đỏ trên mỗi bài luận năm xưa.
Từ đó, mọi việc đột nhiên trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Tôi bán được cuốn sách đầu tiên; giành được một vài giải thưởng trong sáng tác, đặc biệt có ba trường đại học mời tôi dạy môn viết quảng cáo (copywriting) cho sinh viên chuyên ngành. Mỗi khi đóng góp của tôi được cộng đồng ghi nhận, trong tôi lại tràn ngập cảm xúc biết ơn số phận, biết ơn cô giáo và những lời khen được viết bằng bút đỏ đã chắp cánh cho tôi đạt được ước mơ. Tôi quyết định tìm số điện thoại và liên lạc với cô.
Đầu tiên tôi thật bất ngờ vì cô không nhớ ra tôi, thế mà trong tưởng tượng, tôi cứ tin rằng cô sẽ thật vui khi nhận được điện thoại của cậu học trò cưng năm nào. Thứ nữa, cô cho biết chưa từng viết nhiều lời khen ngợi học sinh nào. “Có chăng chỉ là một hoặc hai từ là cùng, đơn giản vì nhiều bài lắm.” Cô nhấn mạnh, cô chỉ phê: “được” hoặc “viết tốt”, chứ không nhiều hơn.
Điện thoại nói chuyện với cô xong, không tin ở tai mình, tôi leo lên gác xép, lục tung hộp đựng bài vở thời trung học (vâng, đúng vậy – tôi là người hay tích trữ những giấy tờ lẩm cẩm, đặc biệt là những gì tôi đã viết). Lục lọi mãi cuối cùng tôi cũng tìm thấy những bài luận cũ. Cô giáo đã đúng: không phải là những dòng khen ngợi. Hơn nữa, không phải là rất nhiều như tôi nhớ mà chỉ có hai bài. Có một điểm tôi nhớ không sai là chữ cô viết bằng bút mực đỏ, và lời phê của cô lên bài viết của tôi nhiều hơn một hoặc hai chữ. Một bài cô ghi: “Hay – ý tưởng độc đáo.” Bài kia cô phê: “Có khiếu hài hước!”.
Chỉ có vậy thôi, vỏn vẹn chín chữ đơn giản mà trong tâm trí tôi chúng được diễn hóa ra thành hàng trăm chữ. Chín chữ quý giá ấy đã theo tôi suốt 15 năm qua, động viên khích lệ tôi trong khó khăn, thúc đẩy tôi kiên định với ước mơ hoài bão của mình. Có thể nói, cuộc đời tôi được như ngày hôm nay là nhờ người thầy ấy – cô giáo Lynn Andersen.”
Robert Evans Wilson hiện là một trong những diễn giả dày dặn kinh nghiệm được giới doanh nhân Hoa Kỳ đánh giá như một nhà cố vấn chiến lược cho công việc kinh doanh cạnh tranh của họ. Từng đạt giải thưởng văn học và diễn giả có tầm ảnh hưởng, Robert Evans Wilson đã truyền cảm hứng và làm thay đổi cuộc đời của hàng ngàn khán giả từ trên 36 tiểu bang Hoa Kỳ và Canada. Từ năm 1997, ông là diễn giả được mời thường xuyên cho các tập đoàn và tổ chức có uy tín như AT&T, IBM, JC Penney, Rollins, Hải quân Hoa Kỳ, cũng như nhiều hiệp hội cấp quốc gia và của chính phủ.
Nhà văn Mark Twain đã từng tâm sự: “Một lời khen đúng lúc là nguồn sống cho tôi đến hai tháng”. Lời động viên giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nó giúp bạn xoá bỏ mọi khoảng cách đồng thời thể hiện sự quan tâm của bạn đối với mọi người xung quanh. Ngoài ra, nó còn giúp người nhận được lời động viên cảm thấy vui vẻ và tin tưởng vào những gì mình làm, từ đó cố gắng không ngừng để đạt được những mong muốn của họ. Vậy nên một khi cần động viên ai đó hãy bày tỏ ngay đừng chần chừ bạn nhé!