Lời cảm tạ của tôi đối với Hoa Kỳ
Trong dịp Lễ Tạ ơn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những ân huệ đã nhận được từ nước Mỹ. Điều đầu tiên tôi nợ đất nước vĩ đại này có lẽ là chính sự tồn tại của tôi. Khi lớn lên vào những năm 1960 ở New Zealand, người ta đã thừa nhận một điều rằng tự do và cuộc sống mà chúng tôi có được là nhờ người Mỹ [“Yanks”].
Vào năm 1942, hàng chục ngàn thanh niên New Zealand và Úc đã ở Bắc Phi chiến đấu với quân đội Đức Quốc xã và Phát-xít Ý. Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã hành quân không dừng qua Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Philippines thất thủ; Hồng Kông, Singapore, Đông Ấn thuộc Hà Lan, New Guinea, tất cả đều bị xâm chiếm trong vòng vài tháng, hàng ngàn quân Anh, Hà Lan, và lính thuộc địa bị bắt giữ trong giai đoạn này.
Không lực Nhật ném bom xuống Darwin ở Bắc Úc. Tàu ngầm Nhật Bản được báo cáo đã hiện diện ở các cảng ở New Zealand. Năm 1942, 22 tù binh New Zealand bị quân Nhật chặt đầu trên đảo Tarawa. Năm 1943, các tù nhân Nhật Bản đã bạo loạn tại một trại tù binh ở thị trấn Featherston nhỏ bé của Đảo Bắc (North Island) của chúng tôi. Hơn 30 người Nhật Bản và một lính gác New Zealand đã thiệt mạng trước khi trật tự được lập lại. Có tin đồn rằng người Nhật đã in tiền sẵn để sử dụng khi xâm chiếm đất nước chúng tôi.
Lúc đó bố mẹ tôi còn rất trẻ, nhưng tôi chắc rằng ông bà tôi biết cuộc xâm lược của Nhật Bản tàn bạo như thế nào. Tất cả mọi người đều đã nghe nói về vụ Cưỡng Bức ở Nam Kinh năm 1937, theo một số nguồn tin, Quân đội Nhật Bản đã “tàn sát ước tính khoảng 150,000 nam ‘tù nhân chiến tranh’ tàn sát thêm 50,000 nam thường dân và hãm hiếp ít nhất 20,000 phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lứa tuổi, nhiều người trong số họ đã bị tàn tật hoặc bị sát hại trong quá trình này”.
Cuộc chiến ở Bắc Phi đã rất khó khăn cho quân đội của chúng tôi. Sự sống còn của nước Anh rất mong manh. Người dân bị đói và hứng chịu những trận đánh bom chết người hàng đêm. Hầu như toàn bộ Âu Châu bị chiếm đóng. Vào đầu năm 1942, sự tự do thật xa vời mờ mịt.
Trẻ em ngày nay bị ác mộng vì “sự nóng lên toàn cầu” trong tưởng tượng. Tôi khó có thể tưởng tượng được cảm giác của bố mẹ tôi như thế nào khi nằm trên giường ở New Zealand và tự hỏi khi nào quân đội Nhật Bản sẽ hành quân vào trường của họ để vây bắt họ.
Và rồi quân Mỹ [Yanks] đã đến.
Trong một loạt các trận chiến đẫm máu diễn ra trên khắp Thái Bình Dương từ 1942 đến 1945 – tại Biển Coral, Midway, Guadalcanal, Tarawa, Saipan, Guam, và ngay trước cửa ngõ ra vào Nhật Bản, Okinawa – người Mỹ đã buộc quân đội Nhật Bản quay trở về quê hương của họ.
Bạn có thể hiểu được cảm giác nhẹ nhõm của người dân ở Úc và New Zealand không? Bạn có thể tưởng tượng được sự khích lệ đem lại cho những chiến binh của chúng tôi khi đang chiến đấu trên các nẻo đường xuyên qua nước Ý mà biết rằng gia đình của họ ở nhà đã được an toàn?
Hàng ngàn chàng trai trẻ người Mỹ đã hy sinh ở Thái Bình Dương để gia đình tôi được sống tự do.
Đó là điều rất đặc biệt đối với tôi.
Và nó cũng rất đặc biệt đối với hầu hết người New Zealand và người Úc. Bất kỳ người Mỹ nào bước chân vào bất kỳ quán rượu nào ở Úc hoặc New Zealand trong thập niên 50 hoặc 60 sẽ không bao giờ phải trả tiền cho ly bia. Người Mỹ [Yanks] đã được yêu mến. Chúng tôi hiểu những gì người Mỹ đã làm cho chúng tôi và chúng tôi vô cùng biết ơn.
Tôi nhớ khi còn nhỏ đã nghe một người bạn của cha tôi bày tỏ rằng ông ấy ngưỡng mộ Jackie Kennedy đến mức nào – bởi vì “bà ấy đã kết hôn với người ấy”.
Jack (tên gọi thân mật của John) Kennedy là một anh hùng đối với chúng tôi. Không phải vì những phẩm chất của riêng ông mà bởi vì ông là Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới.
Và chúng tôi, những người bản địa sinh ra ở phía Nam không phải là những người duy nhất cảm kích nước Mỹ. Những người láng giềng kế bên của chúng tôi là những người New Zealand Hà Lan, những người đã bị người Nhật đánh đuổi khỏi Đông Ấn. Ở phía bên kia, người hàng xóm Ba Lan Stefan của chúng tôi đã từng là một nô lệ lao động trong một nhà máy của Đức Quốc xã. Qua hàng rào giữa hai nhà, anh ấy đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện thật ấn tượng. Gia đình người Latvia ở cách vài số nhà cũng đã có được tự do nhờ có những người lính Mỹ.
Tôi đã có khoảng 500 bài diễn văn trên khắp đất nước tuyệt vời này trong 10 năm qua.
Trong hầu hết mọi dịp, tôi đều giải thích cho khán giả hiểu tại sao tôi, với tư cách là một người New Zealand, lại quan tâm nhiều đến đất nước này như vậy.
Lý do đầu tiên tôi đưa ra đơn giản là lòng biết ơn.
Tôi nói với khán giả rằng đất nước của tôi đã được cứu khỏi cuộc xâm lược trong Đệ Nhị Thế Chiến nhờ sự hy sinh to lớn của “những người cha, người ông, và người chú của họ trong các trận chiến ở Biển Coral, Midway, và Guadalcanal”.
Tôi thường nhận được những tràng pháo tay cho câu thoại đó, nhưng đó không phải là lý do tại sao tôi tiếp tục lặp lại nó.
Một trong những bài diễn văn quan trọng đầu tiên của tôi là tại Hội nghị Đảng trà Florida ở Jacksonville vào năm 2011 hoặc 2012.
Sau bài diễn thuyết, tôi đang dọn dẹp bàn sách của mình thì một gã trông rất bặm trợn khó tính bước đến gần tôi. Anh ta đội một chiếc mũ lưỡi trai và để râu. Anh ấy trông giống như một tài xế xe chở hàng hoặc thậm chí là một tay chạy xe gắn máy – và rồi anh ta òa khóc như một đứa trẻ.
Anh ấy nhìn tôi và nói, “Chú tôi đã thiệt mạng khi chiến đấu tại Guadalcanal, và chưa ai nói lời cảm ơn nào cho đến bây giờ”.
Tôi xin thú thực với các bạn – tôi đã khóc. Cả hai chúng tôi cùng khóc, bắt tay nhau rồi chia tay.
Đây là lời cảm tạ của tôi đối với Hoa Kỳ.
Ông Trevor Loudon là một tác giả, nhà làm phim và diễn giả đại chúng đến từ New Zealand. Trong hơn 30 năm, ông đã nghiên cứu các phong trào cánh tả, chủ nghĩa Marx, phong trào khủng bố, và ảnh hưởng của chúng đối với nền chính trị chính thống.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: