Loại Nga ra khỏi SWIFT có thể dẫn tới Nga xích lại gần Trung Quốc hơn
Hoa Kỳ đã đe dọa loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT, để ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine. Việc loại Nga ra khỏi SWIFT có thể phá hủy nền kinh tế Nga, khiến nước này xích lại gần Trung Quốc hơn.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), được thành lập vào năm 1973, là một nền tảng giao tiếp được các ngân hàng, công ty môi giới và các tổ chức tài chính sử dụng để xử lý các khoản thanh toán ở khắp các quốc gia. Mỗi năm, SWIFT truyền đi khoảng 10 tỷ thông điệp giữa 11,000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và các cơ quan phụ thuộc, xử lý hàng ngàn tỷ USD thanh toán.
Hệ thống SWIFT chịu sự điều chỉnh của luật pháp Bỉ và Châu Âu, và được giám sát bởi các ngân hàng trung ương G10. Do đó, SWIFT sẽ không bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Thịnh Đốn có thể gây áp lực buộc nền tảng này phải tuân thủ, như đã làm vào năm 2012, khi Hoa Kỳ muốn các ngân hàng Iran bị loại bỏ do các lệnh trừng phạt kinh tế.
Hoa Kỳ có ảnh hưởng to lớn đối với SWIFT vì gần 80% thương mại toàn cầu được giao dịch bằng USD và hầu hết số USD đó chuyển qua SWIFT, để được xử lý thanh toán trong các ngân hàng của Hoa Kỳ. Để thuyết phục SWIFT tuân thủ, Hoa Kỳ chỉ cần đe dọa loại bỏ các ngân hàng của chính mình khỏi hệ thống này.
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất yêu cầu loại bỏ Nga. Năm 2014, Vương quốc Anh đã đề nghị với các nhà lãnh đạo châu Âu loại Nga ra khỏi SWIFT. Và vào tháng 04/2021, Nghị viện Âu Châu đã thông qua nghị quyết ngăn chặn quyền truy cập của Nga vào SWIFT nếu quân đội của họ xâm lược Ukraine.
Khi Nga đối mặt với việc bị loại ra khỏi SWIFT vào năm 2014, Thủ tướng Dmitry Medvedev khi đó đã đe dọa rằng đó sẽ là “một lời tuyên chiến.” Lý do ông đưa ra lập trường gay gắt như vậy là vì nền kinh tế Nga sẽ bị tàn phá nếu không còn tiếp cận được với nền tảng tài chính quốc tế này. Nga gần như sẽ không thể tiến hành được hoạt động kinh doanh quốc tế vì sẽ không có cách nào để chuyển tiền qua biên giới.
Khi Iran bị loại khỏi SWIFT, quốc gia này đã gặp khó khăn, nhưng không phải là thảm họa, bởi vì quốc gia này chỉ tham gia phần nào vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Nga sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn do có tích hợp nhiều hơn với hệ thống này. Về cơ bản, Nga sẽ không thể bán dầu và khí đốt tự nhiên xuất cảng của mình. Đồng rúp sẽ giảm giá và Nga sẽ phải hứng chịu những dòng vốn chảy ra ồ ạt. Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin dự báo rằng việc mất quyền truy cập vào SWIFT có thể làm giảm 5% GDP của Nga.
Mặc dù phụ thuộc vào SWIFT, Nga cũng có một vài lựa chọn để giảm nhẹ đòn trừng phạt này nếu bị loại khỏi hệ thống. Khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2014, Hoa Kỳ đã đe dọa cắt Nga khỏi SWIFT. Do đó, Điện Kremlin đã kêu gọi phát triển một nền tảng liên lạc-tài chính trong nước. Hệ thống Chuyển Tin nhắn Tài chính (SPFS), tương đương với SWIFT của Nga, có hơn 400 ngân hàng thành viên trên khắp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, xử lý hơn 20% giao dịch trong nước.
Hệ thống này của Nga còn lâu mới thay thế được SWIFT. Trong khi SWIFT hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, thì SPFS chỉ hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu, trong giờ làm việc bình thường của Nga. Ngoài ra, kích thước tin nhắn nhỏ hơn nhiều. Về mặt lý thuyết, SPFS có thể được mở rộng và có thể mời thêm các ngoại quốc tham gia. Nhưng điều đó sẽ mất nhiều năm, và Nga có thể gặp phải sự gián đoạn kinh tế rất lớn trong thời gian đó.
Kể từ năm 2015, Trung Quốc cũng đã phát triển một giải pháp thay thế SWIFT, được gọi là Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS), mà họ hy vọng sẽ giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
CIPS có thể là một giải pháp khác cho Nga. Do tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc lớn hơn, đồng nhân dân tệ có thể là một lựa chọn khả thi hơn đồng rúp cho thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện tại đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2% trong các giao dịch tài chính quốc tế. Và CIPS chỉ bằng 0.3% quy mô của SWIFT. Hai hệ thống này có thể hợp tác lại; nhưng cho đến nay, đã có 23 ngân hàng Nga tham gia CIPS, trong khi chỉ có một ngân hàng Trung Quốc tham gia SPSF.
Một khả năng khác đối với Nga là đồng rúp kỹ thuật số, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2022. Lựa chọn này cũng có khiếm khuyết, bởi vì mặc dù đồng tiền này có thể dễ dàng di chuyển qua biên giới, nhưng sẽ yếu và không ổn định như đồng rúp vật chất hiện hữu. Các quốc gia nằm ngoài phạm vi của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Iran hoặc Venezuela, có thể chấp nhận một phần thanh toán nào đó bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD, nhưng ngay cả những quốc gia này cũng không muốn gặp rủi ro khi giao dịch bằng một loại tiền tệ không ổn định. Ngoài ra, luật pháp Hoa Kỳ không phân biệt tiền tệ vật chất và tiền tệ kỹ thuật số, khi tiến hành các biện pháp trừng phạt.
Theo ông Dmitry Dolgin, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ING tại Nga, “bất kỳ giao dịch chuyển khoản nào diễn ra trên thế giới liên quan đến USD đều được xử lý thông qua một ngân hàng của Hoa Kỳ tại một thời điểm nào đó.” Vào năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tìm cách giải quyết cả hai vấn đề về đồng USD và hệ thống SWIFT do Hoa Kỳ thống trị. Các lựa chọn mà hai nước này đã thảo luận bao gồm chống USD hóa, số hóa đồng nhân dân tệ và các hệ thống truyền tin nhắn và thực hiện thanh toán về tài chính thay thế, như CIPS.
Đến năm 2019, Nga đã bán phá giá khoảng một nửa số USD của mình và tăng lượng nhân dân tệ nắm giữ lên tới 15% quỹ dự trữ của mình. Nỗ lực để loại bỏ đồng USD khỏi giao dịch thương mại song phương, hai nước này đã cố gắng giảm con số xuống 46% vào năm 2020. Nga đã tăng nắm giữ đồng euro và đang mở rộng việc sử dụng đồng euro cho các giao dịch thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, ngay cả đồng euro cũng không thể thay thế đồng USD làm tiền tệ quốc tế chủ yếu, vì USD có ba lợi ích mà không có đồng tiền nào khác mang lại. Thứ nhất, đồng USD nhìn chung vẫn ổn định khi đối mặt với lạm phát. Tiếp theo, không quốc gia nào có thể phù hợp với quy mô tuyệt đối của thị trường Hoa Kỳ hoặc khối lượng tiền tệ của Hoa Kỳ. Và cuối cùng, thị trường tài chính Hoa Kỳ rất phát triển, thanh khoản cao, và minh bạch.
Vấn đề đối với Trung Quốc và Nga là chính phủ Hoa Kỳ có thể loại bỏ năng lực của bất kỳ thực thể nào trong việc tiếp cận quá trình bù trừ bằng đồng USD và kết toán bằng đồng USD. Hoa Kỳ có thể đưa vào danh sách đen các ngân hàng lớn của Nga và các quỹ quản lý tài sản quốc gia của Nga, về cơ bản khiến Nga không thể giao dịch kinh doanh bằng USD. Nga có thể bắt đầu sử dụng đồng euro, nhưng ngay cả các giao dịch bằng đồng euro cũng là phải thông qua SWIFT. Và, một lần nữa, Hoa Kỳ có ảnh hưởng đáng kể đối với SWIFT vì thanh toán bù trừ bằng USD chiếm 79.5% các giao dịch tiền tệ giữa các khu vực.
Nếu Hoa Kỳ có thể thuyết phục Âu Châu loại Nga ra khỏi SWIFT, thì những tác động đối với Nga sẽ rất tàn khốc. Ngoài khả năng kích hoạt một cuộc chiến, có lẽ sẽ có những thiệt hại lớn ngoài dự kiến. Đức sẽ chịu thiệt hại về kinh tế vì khối lượng hoạt động kinh doanh của họ với Nga. Các ngân hàng Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, khi họ xử lý phần lớn các giao dịch SWIFT. Âu Châu cũng sẽ bị ảnh hưởng vì phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga.
Nga là nhà cung cấp dầu mỏ số hai của Trung Quốc, đồng thời cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và than đá chính. Ngay cả khi Nga bị loại khỏi SWIFT, hai nước rất có thể sẽ vẫn tìm được cách tiếp tục giao thương. Điều này sẽ khiến Nga phụ thuộc kinh tế nhiều hơn vào Trung Quốc, đẩy nước này ngày càng sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “”A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: