Loài côn trùng bắt mồi có khả năng ngụy trang độc đáo thành hoa lan
Nếu bạn đã từng trông thấy thứ gì đó như bông hoa lan màu hồng xinh đẹp bắt đầu ‘di chuyển’ giữa những tán lá, có khả năng đó không phải hoa lan mà là một loài côn trùng với vẻ ngụy trang rất đặc biệt. Loài côn trùng này có tên bọ ngựa hoa lan.
Loài côn trùng thích ứng đặc biệt này, cũng được gọi là Hymenopus coronatus* hoặc bọ ngựa hoa, sống trong rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á từ Indonesia đến Philippines và Ấn Độ. Nhưng chúng đặc biệt xuất hiện nhiều ở bán đảo Malaysia.
Một nghiên cứu phát hiện rằng bọ ngựa hoa là chuyên gia bắt chước. Một chú bọ ngựa hoa đơn độc thu hút nhiều côn trùng như những bông hoa lan thật sự.
Làm thế nào mà bọ ngựa hoa lan có khả năng ngụy trang lạ thường như thế?
Đầu tiên, mỗi chân trong bốn cái chân của bọ ngựa có màu sắc và hình dạng tròn tương tự cánh hoa. Giống như các thành viên khác của gia đình bọ ngựa, chân trước của bọ ngựa hoa lan được xếp thẳng hàng với “răng” cho phép chúng bắt dính con mồi không đề phòng.
Con mồi của bọ ngựa bao gồm bướm và sâu bướm. Những con mồi này bị thu hút bởi màn ngụy trang như thật của bọ ngựa hoa lan. Loài bọ ngựa này cũng thu hút đến ruồi, ong và ong bắp cày tìm kiếm mật hoa.
Bọ ngựa hoa lan cũng gây chú ý do đặc điểm sexual dimorphism** của mình. Bọ ngựa cái khá lớn hơn con đực, có nhiều màu sắc hơn và ở một chỗ nhiều hơn. Đây là tất cả những đặc điểm cần thiết để thu hút cả con mồi và bạn tình. Bọ ngựa đực nhỏ hơn, trông nhàm chán hơn và di chuyển nhiều hơn để tạo điều kiện sinh sản.
Theo tạp chí Zoological Science (Tạm dịch: Khoa học động vật), ngoài vẻ bên ngoài giống hoa, bọ ngựa hoa lan cái “trẻ” phát ra các hóa chất là một phần của giao tiếp pheromone*** đối với ong mật phương Đông (Apis cerana****). Theo nghiên cứu được công bố, các nhà nghiên cứu “phát hiện thành công [pheromone] phát ra trong đầu chỉ tại thời điểm khi bọ ngựa “vị thành niên” cố gắng bắt mồi”.
Theo nghiên cứu đăng trên Current Zoology, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng vẻ bề ngoài của bọ ngựa được thích nghi không để trông giống với một loại hoa lan cụ thể có ở rừng nhiệt đới bản địa Malaysia hay đem lại ấn tượng chung nhìn giống một bông hoa, mà “màu sắc và hình dáng khác nhau trong phạm vi thể hiện bởi nhiều cánh hoa hơn là giống một loại hoa cụ thể”.
Theo một nghiên cứu đăng trên Behavioral Ecology, mặc dù bọ ngựa đơn lẻ có thể săn mồi thành công, nhưng thành quả nhiều nhất xuất hiện khi có “hiệu ứng nam châm”. Đó là khi “chúng trú ngụ nơi có mật độ cao những bông hoa đáng xem.” Việc này tạo ra “chiến lược săn mồi tối ưu cho bọ ngựa hoa lan ‘bắt chước giống hoa’ do việc gia tăng vô số con mồi và hiệu quả tăng cường của dấu hiệu ngụy trang của chúng.”
Sau đó có người có thể hỏi tại sao những côn trùng mồi này tìm đến bọ ngựa hoa lan trong khi có các bông hoa an toàn, thật xung quanh? Câu trả lời dường như nằm ở màu sắc tuyệt vời của bọ ngựa, vượt lên cả màu hoa thật.
Tạp chí Discover lưu ý rằng đối với những côn trùng được thu hút đến hoa, hình dáng của hoa ít quan trọng hơn màu sắc. Bọ ngựa hoa lan cái dường như thích nghi biến đổi thành nhiều màu sắc hơn những bông hoa có cùng tên. Do đó, chúng gây chú ý nhiều hơn.
Chúng tôi mong muốn lắng nghe các câu chuyện của bạn! Bạn có thể chia sẻ với chúng tôi tại [email protected]
Ghi chú của dịch giả:
* Hymenopus coronatus là loài bọ ngựa sống ở rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Loài bọ ngựa này còn được biết đến với nhiều tên thông dụng khác như bọ ngựa hoa di chuyển và bọ ngựa hoa lan (hồng).
** Sexual dimorphism là tình trạng các con có giới tính khác nhau của cùng một loài có những đặc điểm khác nhau, nhất là những đặc điểm không liên quan trực tiếp đến việc sinh sản.
*** Pheromone là nhân tố hóa học được tiết ra dẫn đến sự phản ứng trong quần thể giữa các thành viên của cùng một loài.
**** Apis cerana, hay còn gọi là ong mật phương Đông, ong mật Châu Á, là loài ong mật có nguồn gốc ở vùng Nam, Đông Nam và Đông Á.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: