Lo sợ các lệnh trừng phạt từ quốc tế, nhiều quan chức của ĐCSTQ đã từ chức
Dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, các nước phương Tây đã hình thành cục diện nhà nhà chỉ trích và chế tài Bắc Kinh như một “kẻ phản diện nhân quyền”. Do lo sợ rằng các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ ảnh hưởng đến gia đình, cùng rủi ro về mặt chính trị đang ngày càng gia tăng, nhiều quan chức của Trung Quốc đã nộp đơn từ chức.
Tòa nhà sắp đổ, người khôn sẽ chạy trước! Theo báo cáo của giới truyền thông Hồng Kông, một bản báo cáo mật gồm 30,000 từ trong nội bộ ĐCSTQ đã thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng mà ĐCSTQ đối mặt đã đến thời điểm then chốt, và có thể khiến nó sụp đổ bất cứ lúc nào.
Ông Tân Tử Lăng, một chuyên gia về thể chế chính trị ở Đại lục tiết lộ rằng, trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, nó đã tiến hành một cuộc điều tra trong nội bộ. Kết quả cho thấy hơn 85% gia đình, con em của Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 17 đã định cư hoặc mua nhà ở nước ngoài, đang có ý định từ chức và tháo chạy.
Một số học giả nói rằng chỉ cần nhìn vào số lượng quan chức của ĐCSTQ đã gửi con cái và tài sản ra nước ngoài, là có thể thấy các chức sắc của họ tin tưởng đến mức nào đối với hệ thống chính trị. Những người này có thể bỏ trốn bất cứ lúc nào. Hiện tại họ vẫn ở lại Trung Quốc để kiếm những đồng nhân dân tệ cuối cùng trước khi chế độ này sụp đổ.
Vào ngày 12/12/2019, Epoch Times đã đăng một bài báo cho biết, rất nhiều quan chức ở Đại lục nói rằng việc làm quan ở Trung Quốc bây giờ không phải là tốt, nhiều quan chức địa phương đang từ chức vì nhiều lý do khác nhau, và chủ yếu là những nguyên nhân sau đây:
Quan chức lo sợ các lệnh trừng phạt quốc tế ảnh hưởng đến gia đình
Theo thống kê nội bộ của ĐCSTQ, hơn 90% thân nhân của các Ủy viên Trung ương đã định cư ở nước ngoài. Có khoảng 8 triệu công dân Trung Quốc mang hai quốc tịch, trong đó có từ 56,000 đến 60,000 người là thân nhân của cán bộ cấp tỉnh, cấp bộ. Đa số họ đều không khai báo quốc tịch nước ngoài để được giữ lại thẻ căn cước công dân Trung Quốc, đồng thời hưởng trợ cấp trong nước và lương hưu.
Trong hai kỳ họp vào năm 2012, ông Lâm, phó đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc kiêm giáo sư tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ tiết lộ rằng, từ năm 1995 đến năm 2005, đã có khoảng 1.18 triệu vợ/chồng và con cái của các quan chức Trung Quốc ra định cư ở nước ngoài. Hiện tại đã hơn mười năm trôi qua, con số này có lẽ đã tăng lên gấp đôi.
Các chức sắc của ĐCSTQ không chỉ đưa con cái và người thân ra nước ngoài, mà còn chuyển những khoản tiền lớn ra hải ngoại. Vào ngày 5/8/2019, ông Giả Khang, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính và Thuế của Bộ Tài chính tiết lộ trên Weibo rằng, có 100 người Trung Quốc đã gửi số tiền lên đến 7.8 nghìn tỷ USD vào các ngân hàng Thụy Sĩ.
Theo phân tích của giới truyền thông, các khoản tiền gửi ở nước ngoài của các chức sắc của ĐCSTQ đã vượt quá 20 nghìn tỷ USD, chưa bao gồm các khoản đầu tư cổ phần và tài sản cố định mà họ nắm giữ ở các quốc gia khác nhau.
Vào tháng 12/2017, Hoa Kỳ đã chính thức thực hiện Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Act). Năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, cùng Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ.
Dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada, Đài Loan và các nước phương Tây đều làm theo, tạo thành một tình huống mà nhà nhà đều chỉ trích và chế tài ĐCSTQ – “kẻ phản diện nhân quyền”. Mà người thân và tài sản của các chức sắc của ĐCSTQ lại hầu hết nằm ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Úc, New Zealand, Canada v.v.
Trang web Minghui.org thông báo rằng tính đến ngày 15/11/2019, “danh sách nhân vật phản diện” của Minghui đã thu thập được hơn 100,000 “kẻ phản diện nhân quyền”, và đã gửi những danh sách này tới chính phủ các nước để tiến hành các biện pháp chế tài.
Những người này chủ yếu là các quan chức của ĐCSTQ đã tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong đó chưa bao gồm những quan chức bức hại nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông v.v.
Ở Trung Quốc, không chỉ có Bộ an ninh công cộng và Bộ an ninh quốc gia đàn áp nhân quyền, mà hầu hết các quan chức cấp cơ sở cũng đã tham gia. Nếu các biện pháp trừng phạt được thực hiện theo đúng Đạo luật về trách nhiệm nhân quyền Magnitsky toàn cầu, thì gần như 90% công chức, viên chức làng xã và nhân viên từ các đơn vị khác nhau của ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại loài người.
Không được tôn trọng, hơn nữa rủi ro chính trị ngày càng cao
Từ xa xưa, Trung Quốc đã có câu nói rằng “mọi việc đều thấp kém, chỉ đọc sách là cao”. Điều này có nghĩa là các ngành các nghề trong xã hội đều là học thấp, chỉ có đọc sách, làm quan mới là một nghề cao quý. Vì vậy, các quan chức của các triều đại trước đây ở Trung Quốc đều vượt trội hơn hẳn so với dân thường.
Là một tầng lớp đặc quyền, các quan chức của Trung Quốc lại kiêu ngạo, lạm quyền, lộng hành và độc đoán, dẫm đạp lên người khác để thống trị. Với sự suy tàn và hủ bại của ĐCSTQ, mâu thuẫn giữa quan chức và người dân đang ngày càng gia tăng.
Các quan chức không còn phục vụ nhân dân, mà đang duy trì chế độ độc tài của ĐCSTQ. Trong công việc bình thường, các công chức thu phí tùy tiện, phạt tiền, cưỡng chế phá dỡ tài sản, đàn áp dân oan, bắt ép sinh đẻ theo kế hoạch, và đàn áp những người có tín ngưỡng. Đây đều là những việc làm tổn thương dân thường. Có người nói rằng trước đây, Nhật Bản có “chính sách ba tất cả” khi xâm lược Trung Quốc, còn bây giờ ĐCSTQ có “ba quan trọng”, đó là tiền (phạt tiền), đất (cưỡng chế phá dỡ), và mạng (sinh đẻ có kế hoạch).
Một phó quận trưởng đã từ chức từng than thở rằng, một công chức thông thường không chỉ cần gật đầu chào cấp trên, mà còn phải làm một kẻ xấu xa trước mặt dân chúng. Bây giờ, là một quan chức thậm chí không có phẩm giá của một con người. Bạn không có tiền để tặng quà, bạn sẽ không thể nhìn thấy tiền đồ, mà tặng hoặc nhận quà thì có thể lại sinh chuyện, còn không bằng là tự kinh doanh, ít nhất trong tâm cũng cảm thấy thoải mái.
Các quan chức của ĐCSTQ thường báo cáo rằng kể từ khi “Tám quy định” được chính quyền Trung ương ban hành vào năm 2013, tính ưu việt của các hoạt động công vụ trong quá khứ đã hoàn toàn mất đi, trong khi rủi ro chính trị lại ngày càng tăng.
Trong hai phiên họp vào năm 2014, Tòa án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh đã cho biết, có hơn 500 người từ hệ thống tòa án Bắc Kinh đã từ chức trong 5 năm qua. Theo một cựu thẩm phán của Tòa án Triều Dương Bắc Kinh, trong những năm gần đây, đang ngày càng có nhiều thẩm phán ở Bắc Kinh từ chức. Khối lượng công việc quá lớn và không gian thăng tiến hạn hẹp là những vấn đề thường được các thẩm phán phản ánh lại.
Các thẩm phán ở Bắc Kinh đang lũ lượt từ chức, và không có gì ngạc nhiên khi các quan chức địa phương ở cấp cơ sở cũng từ chức. Có thể thấy trước rằng trong tương lai, khi khủng hoảng kinh tế tiếp tục trầm trọng hơn, thì sẽ ngày càng có nhiều công chức ở Trung Quốc từ chức.
Tòa nhà sẽ đổ, và người khôn ngoan sẽ chạy trước. Từ quy luật thông thường mà xét, khi một công ty có số lượng người từ chức nhiều, thì nói lên rằng công ty ấy sẽ sớm không thể duy trì được nữa. Mà số công chức từ chức nhiều rồi, thì thuyết minh rằng chế độ ấy đã sắp sụp đổ.
Do Văn Hấn thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: