Lo ngại về lạm phát đình trệ chia rẽ Wall Street khi nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm
Wall Street bị chia rẽ do nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đối mặt với mối đe dọa lạm phát đình trệ trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Lạm phát đình trệ – một bộ ba của tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng, và tỷ lệ thất nghiệp cao – hiện là chủ đề thảo luận của ngành tài chính. Các nhà phân tích của Goldman Sachs gần đây đã tiết lộ rằng lạm phát đình trệ là “từ phổ biến nhất trong cuộc trò chuyện với khách hàng.” Các cuộc thảo luận lan rộng diễn ra khi dữ liệu kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng leo thang, và khủng hoảng năng lượng gay gắt đang chiếm lĩnh các chủ đề kinh doanh.
Bank of America Global Research gần đây đã tuyên bố rằng “lạm phát đình trệ đã xuất hiện.” Tuy nhiên, ông Jean Boivin, người đứng đầu Viện Đầu tư BlackRock, kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc khi tình trạng căng thẳng hàng tồn kho giảm bớt.
Ông viết trong một báo cáo bình luận hàng tuần (pdf) vào tháng trước: “Áp lực lạm phát mà chúng tôi đã dự tính đã hiện hữu. Đây không phải là lạm phát đình trệ, và chúng tôi vẫn duy trì trạng thái chấp nhận rủi ro.”
Các nhà phân tích thị trường đang xem xét các dữ liệu để xác định quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới.
Xem qua các con số mới nhất
Các chỉ số quản lý thu mua sản xuất IHS Markit (PMI) giảm xuống còn 58.4 vào tháng Mười, giảm so với 60.7 trong tháng Chín—bất cứ mức nào trên 50 đều cho thấy việc mở rộng của nền kinh tế. Số liệu này thấp hơn mức ước tính của thị trường là 59.2.
Chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã giảm xuống 60.8 vào tháng trước, từ 61.1 trong tháng trước đó. Số liệu này cao hơn một chút so với số dự báo trung bình là 60.5. Việc làm và giá cả đã tăng trong khi các đơn đặt hàng mới đã giảm.
Theo Cục thống kê dân số Hoa Kỳ, chi tiêu cho xây dựng đã giảm 0.5% trong tháng Chín, mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng Hai. Hơn nữa, chi tiêu cho sản phẩm sản xuất chế biến, tiện ích, chăm sóc sức khỏe, và xây dựng công cộng đã giảm so với tháng Tám.
Điều này diễn ra sau khi Cục Phân tích Kinh tế (BEA) xác nhận rằng tổng sản phẩm quốc nội đã tăng với tốc độ quy đổi năm là 2% trong quý 3, thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 2.7%. Con số này cũng giảm so với mức tăng trưởng 6.7% trong quý 2.
Cục Thống kê Lao động (BLS) sẽ công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp cho tháng Mười. Thị trường có khả năng tăng thêm 450,000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp là 4.7%.
Thị trường thấy gì ở phía trước?
Goldman Sachs gần đây đã hạ mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ xuống 5.6% vào năm 2021 và 4% vào năm 2022, giảm so với các mức ước tính tương ứng trước đó là 5.7%, và 4.4%
Tổ chức tài chính này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế hàng quý: 4.5% trong quý 4 năm 2021 và quý 1 năm 2022, 4% trong quý 2 và 3% trong quý 3. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã nâng dự báo quý 4 lên 1.75%.
Một cuộc khảo sát từ BofA Global Research đã tiết lộ vào tháng Chín rằng số lượng các nhà quản lý quỹ dự đoán lạm phát đình trệ đã tăng 14 điểm phần trăm trong tháng Mười lên mức cao nhất trong 9 năm.
Chỉ số Thăm dò ý kiến lạc quan kinh tế IBD/TIPP tháng 11 giảm 2.9 điểm xuống mức thấp trong sáu năm là 43.9. Cuộc khảo sát niềm tin của người tiêu dùng là sự tổng hợp của ba thành phần quan trọng: triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế, triển vọng về tài chính cá nhân, và tâm lý về các chính sách kinh tế của chính phủ đang hoạt động tốt như thế nào.
Nhưng không phải ai cũng lo lắng, khi có một số nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng “tái tăng tốc” trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12.
Ông Ryan Sweet, nhà kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytics ở West Chester, Pennsylvania, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “biến thể Delta là lý do lớn nhất khiến chúng ta có sự giảm tốc đáng chú ý này. Chúng ta sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng trở lại trong quý 4 và nửa đầu năm sau khi hiệu ứng của biến thể Delta bắt đầu suy yếu. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không có các đợt COVID trong tương lai, nhưng với mỗi lần vượt qua, chi phí kinh tế tiếp tục giảm.”
Ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, đã giải thích với CNBC vào tháng Chín rằng giá cả tăng vọt là “vấn đề nguồn cung tạm thời” thay vì là các thách thức có hệ thống đối với lạm phát.
Ông nói, “Lạm phát là một quá trình chứ không phải sự thay đổi một lần về mức giá, mà tôi nghĩ đó là những gì chúng ta đang thấy ngay bây giờ. Chúng ta đang thấy sự điều chỉnh đối với những thực tế tạm thời mới về phía cung nhưng chúng ta không thấy quá trình lạm phát đình trệ mà chúng ta đã thấy trong những năm 1970 tái diễn một lần nữa.”
Những người khác nói rằng sự chậm lại trên diện rộng của nền kinh tế sẽ giảm dần, mặc dù áp lực lạm phát có thể vẫn tồn tại.
Ông James Knightley, nhà kinh tế tại ING cho biết, trong một lưu ý nghiên cứu: “Chúng tôi tin tưởng rằng quý 4 sẽ tốt hơn nhiều. Số lượng hoạt động của người tiêu dùng với tần suất cao như chuyến bay, ăn uống tại nhà hàng, và lưu trú tại khách sạn đã tăng cao hơn từ giữa tháng 9 đến tháng 10 khi làn sóng biến thể Delta giảm xuống.”
Ông nói thêm: “Ở giai đoạn đầu này, chúng tôi nghĩ rằng câu chuyện tăng trưởng của Hoa Kỳ sẽ trở lại đúng hướng với nền kinh tế được chuẩn bị để phát triển khoảng 6% trong quý 4.”
Các mối đe dọa chính đối với nền kinh tế
Những rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế Hoa Kỳ là gì?
Các thước đo mới do Bloomberg Economics thực hiện cho thấy những thay đổi về nguồn cung quốc tế đang làm tăng giá có thể là một yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng.
Bloomberg lưu ý, dù đó là mạng lưới giao thông quá tải hay tình trạng thiếu lao động tại các cảng quan trọng, có nhiều yếu tố gây ra các mối đe dọa mới. Bởi vì điều này có thể dẫn đến lạm phát kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác có thể buộc phải kích hoạt lãi suất cao hơn sớm hơn dự kiến. Các chiến lược gia cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn giá cao hơn có thể đe dọa nền kinh tế và giá trị cổ phiếu và bất động sản vốn đang cao kỷ lục.
Ông Kevin Rich, nhà tư vấn của Perth Mint, nói với The Epoch Times: “Nếu Fed phản ứng quá mạnh để ngăn chặn lạm phát, chúng ta có thể thấy thiệt hại đối với GDP và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Nếu Fed không phản ứng đủ mạnh thì chúng ta có thể thấy lạm phát tăng cao hơn và kéo dài hơn. Ít nhất cũng có thể nói rằng Fed đang ở một tình thế khá khó khăn.”
Một rủi ro “tiêu cực cho tăng trưởng” quan trọng khác có thể là giá cả trong nền kinh tế toàn cầu tăng vọt, đặc biệt là khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông.
Tháng trước, ông Claudio Piron, chiến lược gia thị trường hàng đầu tại BofA Securities ở Á Châu, nói với CNBC rằng giá dầu và khí đốt trong nhiều năm có thể làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ.
Ông Piron nói: “Tôi nghĩ quý vị đang gặp nguy hiểm khi về cơ bản coi nhẹ rủi ro lạm phát đình trệ. Việc lạm phát tăng cao hơn không hẳn là do nhu cầu. Điều đó cũng do những ràng buộc từ phía cung ứng, của chuỗi cung ứng. Tình huống này là tiêu cực cho sự tăng trưởng.”
Giá dầu thô Tây Texas Intermediate (WTI) và dầu Brent tương lai lần lượt trên 83 USD và 84 USD. Giá khí đốt tự nhiên đang giao dịch trong phạm vi 5.50 USD. Giá xăng tăng vọt lên mức cao nhất trong bảy năm. Một số nhà phân tích tin rằng dầu thô có thể lên tới 100 US /thùng do tồn kho tại cơ sở lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức quá thấp, với các kho chứa tiếp tục cạn kiệt mỗi tuần.
Tòa Bạch Ốc kỳ vọng sự phục hồi ‘vững chắc’
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News hôm Chủ nhật Bộ trưởng ngân khố Janet Yellen rất tự tin vào sự phục hồi sau đại dịch.
Bà nói, “Tôi nghĩ những gì chúng ta sẽ thấy là một sự phục hồi tốt và vững chắc. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể, và điều này không giống như sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.”
Bà Yellen nói thêm rằng nghị trình Xây dựng Trở lại Tốt hơn (Build Back Better) của Tổng thống Joe Biden có thể hỗ trợ thêm cho sự phục hồi kinh tế vì các cơ chế khác nhau, như trợ cấp chăm sóc trẻ em và phổ cập mẫu giáo, có thể hỗ trợ “sản lượng tiềm năng dài hạn.”
Chính phủ cũng khẳng định rằng các đề nghị chi tiêu mới có thể kiềm chế lạm phát và phát triển nền kinh tế.
Tổng thống Biden nói với các phóng viên hôm Chủ nhật (30/10) tại Rome rằng: “Mong muốn của tôi là xây dựng nền kinh tế này từ dưới lên và từ giữa ra, không phải từ trên xuống. Và đó là những gì đang diễn ra.”
“Nền kinh tế đang thay đổi, và Hoa Kỳ phải đi trước một bước.”
Ông Andrew Moran theo dõi tin kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông đã viết và là ký giả trong hơn một thập kỷ ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “Cuộc chiến về tiền mặt.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: