Lô hàng than đầu tiên của Nga được thanh toán bằng nhân dân tệ đang trên đường đến Trung Quốc
Các chuyến hàng đầu tiên gồm than và dầu thô của Nga, được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, sẽ cập cảng Trung Quốc vào tháng Tư và tháng Năm. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã sử dụng cơ hội này để gièm pha Hoa Kỳ, tuyên bố rằng vị thế quốc tế của đồng USD đang “gặp rủi ro”. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Albert Song tin rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu hàng đầu.
Công ty Dịch vụ Thông tin Năng lượng Fenwei, nhà cung cấp thông tin và dịch vụ hàng đầu của Trung Quốc cho ngành than và than cốc, đã tiết lộ rằng trong tháng Ba một số công ty Trung Quốc đã mua than của Nga bằng tiền Trung Quốc và lô hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng Tư. Đây cũng là chuyến hàng đầu tiên của Nga thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cập cảng Trung Quốc sau khi Nga bị các nước phương Tây trừng phạt.
Fenwei không nói rõ lô hàng này dự kiến sẽ đến vào ngày nào.
Ngoài than, người mua Trung Quốc cũng sử dụng đồng nhân dân tệ để mua dầu thô của Nga. Chuyến dầu thô ESPO (Đông Siberia Thái Bình Dương) đầu tiên sẽ được giao vào tháng Năm, theo một bài bình luận được đăng vào đầu tháng Tư trên Cngold.org, một kênh truyền thông trực tuyến của Trung Quốc về đầu tư.
Trích dẫn các giao dịch mua từ Fenwei, bài báo nói rằng thanh toán bằng USD sẽ trở nên ít phổ biến hơn.
Bài bình luận cho biết: “Nga đã tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp cho dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, điều này đã biến Hoa Kỳ và các nước Âu Châu từ những người áp đặt lệnh trừng phạt thành những người phải chịu lệnh trừng phạt. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội và bắt đầu bộc lộ tiềm năng trong thanh toán thương mại toàn cầu. Giờ đây, than và dầu được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ sẽ đến Trung Quốc, cộng đồng quốc tế [sẽ] tròn mắt [trước thành công của chúng tôi].”
Hôm 23/04, ông Albert Song, một nhà nghiên cứu tại Thiên Quân (Tianjun), một tổ chức tư vấn chính trị và kinh tế, nói với The Epoch Times rằng việc Trung Quốc mua hàng hóa Nga bằng đồng nhân dân tệ gần đây sẽ không ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của đồng USD, “bởi vì đây chỉ là giao dịch song phương giữa Trung Quốc và Nga, không phải giao dịch đa phương liên quan đến các nước khác.”
Ông Song có 27 năm kinh nghiệm chuyên môn trong ngành tài chính Trung Quốc, tập trung vào nghiên cứu chính trị và kinh tế Trung Quốc.
Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào giữa tháng Tư, sản lượng than và than non nhập cảng vào Trung Quốc trong tháng Ba đã giảm 39.9% so với cùng kỳ năm ngoái và 24.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên. Tuy nhiên, nhập cảng từ Nga không chỉ giữ vị trí đầu bảng trong nhập cảng than cốc của Trung Quốc trong tháng Ba, mà sản lượng còn tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng nhập cảng của Trung Quốc từ Nga cũng đang tăng lên đáng kể. Báo cáo mới nhất vào giữa tháng Tư của Tổng cục Hải quan cho thấy trong quý đầu tiên của năm 2022, tổng kim ngạch nhập cảng của nước này từ Nga đã tăng lên 21.73 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đứng sau 31.4% của Indonesia.
Khi tán dương về ảnh hưởng ngày càng tăng của tiền tệ Trung Quốc, bài báo trên Cngold.org cũng tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc hiện đang đàm phán với Ả Rập Xê Út, có kế hoạch sử dụng đồng nhân dân tệ để phần nào định giá dầu thô.
Ông Song không đồng ý với kết luận của bài bình luận rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là một ngôi sao mới nổi trên thị trường quốc tế.
Ông Song nhận xét, “Điều quan trọng nhất là đồng tiền của một quốc gia được nhiều quốc gia công nhận. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng đồng nhân dân tệ đang trên con đường quốc tế hóa, tỷ trọng thanh toán quốc tế của đồng nhân dân tệ trong những năm qua chỉ ở mức 3.2% vì đây là đồng tiền do chính phủ kiểm soát và không thể tự do trao đổi. Do đó, ngay từ đầu đó đã là một loại tiền tệ có tín nhiệm kém.”
Trung Quốc đề phòng về các lệnh trừng phạt
Hôm 07/04, Liên minh Âu Châu đã công bố vòng trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập cảng than từ Nga.
Hình thức trừng phạt cứng rắn nhất cho đến nay là cắt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Sau khi Visa và Mastercard tạm ngừng dịch vụ tại Nga, các ngân hàng Nga cho biết họ có kế hoạch phát hành thẻ bằng hệ thống UnionPay của Trung Quốc.
Là thương hiệu thẻ tín dụng lớn nhất Trung Quốc, thẻ Unionpay được phát hành tại hơn 70 quốc gia và khu vực.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Nga RBC đưa tin hôm 20/04 rằng UnionPay của Trung Quốc đã từ chối hợp tác với các ngân hàng Nga vì sợ bị trừng phạt, khiến Nga có ít lựa chọn hơn về nhà cung cấp thẻ tín dụng cho hoạt động kinh doanh toàn cầu của mình.
Ông Song giải thích, “China UnionPay quyết định không hợp tác với các ngân hàng Nga vì sợ rằng chính họ sẽ bị liên đới với các lệnh trừng phạt. ĐCSTQ cần hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Trung tâm thanh toán bù trừ New York (New York Clearing House) để thu được dollar. Các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ ngăn Trung Quốc kiếm được ngoại hối thông qua xuất cảng.”
Ông nói thêm rằng có ba động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc: ngoại thương, đầu tư và tiêu dùng.
Ông nói, “Cả ba đều đang sa sút. Nếu các biện pháp trừng phạt bổ sung được áp đặt đối với Trung Quốc, đó sẽ là một tình huống không thể chịu đựng nổi đối với nền kinh tế Trung Quốc.”
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: