LME: Tiếp tục giao dịch nickel sau khi đạt được thỏa thuận giải cứu nhà tài phiệt Trung Quốc
Giao dịch nickel đã được giao dịch trở lại trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) hôm 16/03 sau khi bị đình chỉ trong hơn một tuần.
Sàn giao dịch đã thực hiện một bước đi chưa từng có để tạm dừng giao dịch trên thị trường nickel hôm 08/03 sau khi một ‘đại gia’ kim loại Trung Quốc phải đối mặt với khoản lỗ hàng tỷ USD do trạng thái bán khống.
Trong tuần lễ từ ngày 07-13/03, giá nickel đã tăng vọt, lần đầu tiên vượt mốc 100,000 USD/tấn. Đây là mức tăng đột biến so với mức giá trung bình là 24,016 USD/tấn vào tháng Hai. Mức tăng này đã buộc LME phải tạm ngừng giao dịch lần đầu tiên kể từ năm 1988.
Kim loại căn bản là một thành phần ngày càng quan trọng trong việc sản xuất pin xe điện thế hệ tiếp theo cho các công ty như Tesla. Những người ủng hộ thúc đẩy năng lượng xanh coi giá nickel tăng cao là mối đe dọa đối với nghị trình về khí hậu của Tổng thống Joe Biden.
LME đã nối lại hợp đồng giao dịch nickel vào lúc 8 giờ sáng theo giờ London hôm 16/03 nhưng phải tạm dừng giao dịch trong vài giờ một lần nữa do “lỗi hệ thống”, gây ra một sự hỗn loạn khác trên thị trường. Thị trường mở cửa trở lại lúc 2 giờ chiều sau khi trục trặc kỹ thuật được giải quyết.
Để tránh biến động lớn về giá, sàn giao dịch đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng các giới hạn giá trên và giá dưới hàng ngày.
Giá nickel tăng đột biến trong tuần lễ từ ngày 07-13/03 chủ yếu là do hiện tượng siết bán khống (short squeeze) của nhà tài phiệt Trung Quốc Xiang Guangda, người sáng lập Tsingshan Holding Group, một trong những nhà sản xuất nickel và thép không gỉ lớn nhất thế giới.
Theo Bloomberg, với biệt danh “Tay To” (“Big Shot”) ở Trung Quốc, ông Xiang được biết đến là người tự tin đặt cược rất lớn. Ông tin rằng giá nickel sẽ giảm do nguồn cung tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà quản trị quỹ đầu cơ không có cùng quan điểm.
Khi giá giao dịch của nickel tăng đột biến vào tuần trước, Tsingshan đã phải chật vật để thanh toán các lệnh dừng ký quỹ, khiến các chủ nợ của họ rơi vào tình thế khó khăn. Sự gia tăng giá càng được thúc đẩy khi các nhà môi giới và chủ ngân hàng của Tsingshan đổ xô mua lại các hợp đồng nickel để tránh lỗ. Theo một bài báo trên Wall Street Journal, sàn giao dịch đã ngừng giao dịch nickel sau khi một số nhà môi giới nhỏ tuyên bố rằng họ sẽ vỡ nợ nếu giá vẫn ở mức kỷ lục.
Ông Matthew Chamberlain, Giám đốc điều hành của LME, đã bảo vệ quyết định đình chỉ giao dịch nickel của sàn giao dịch, nói rằng đó là điều đúng đắn cho sự ổn định lâu dài của thị trường.
Ông Chamberlain cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Sẽ rất khó để một số người tham gia thị trường của chúng tôi tiếp tục hoạt động của họ. Khả năng hệ thống tài chính lấy tiền để đưa cho các thành viên ở London và sau đó đưa vào sàn giao dịch, tôi nghĩ sẽ là rất phức tạp.”
Theo Financial Times, sàn giao dịch này đã hủy tất cả 5,000 giao dịch nickel trị giá gần 4 tỷ USD đã được thực hiện hôm 08/03.
LME khiến các nhà giao dịch thất vọng
Sàn giao dịch này đã bị sức ép vì phá hoại thị trường tự do và gây ra rủi ro đạo đức. Hành động của LME đã khiến một số người tham gia thị trường tức giận, những người đã mất lợi nhuận từ việc hủy bỏ giao dịch.
Ông Clifford Asness, người đồng sáng lập AQR Capital Management, đơn vị giám sát 140 tỷ USD của các quỹ đầu tư, đã buộc tội LME trên Twitter.
Ông viết: “Ăn cướp tiền từ những người tham gia thị trường giao dịch có thiện chí và đưa cho các nhà sản xuất nickel Trung Quốc và ngân hàng của họ — những người đáng ra đã có thể phải gánh chịu được thiệt hại này — vâng, sự minh bạch”.
Ông Mark Thompson, một nhà kinh doanh kim loại và phó chủ tịch điều hành tại Tungsten West Ltd., viết trên Twitter: “Việc LME hủy bỏ giao dịch nickel giữa người mua và người bán có thiện chí là điều không thể tha thứ. KHÔNG THỂ THA THỨ.”
Theo ông Christopher Balding, một nhà kinh tế Trung Quốc và là thành viên cao cấp của Hiệp hội Henry Jackson, quyết định ngừng giao dịch của LME “sẽ bị kiện tụng trong một thời gian dài.”
Ông viết trên Twitter: “Hãy để tôi nhắc lại rằng: LME, một sàn giao dịch hàng hóa lớn trên toàn cầu đã ngừng giao dịch nickel để một công ty Trung Quốc không bị phá sản.”
“Bởi vì Sở Giao dịch Hồng Kông (HKEX) SỞ HỮU Sở Giao dịch Kim loại London, và đoán xem ai sở hữu HKEX? Chữ cái đầu tiên là chữ C, chữ cái thứ ba là chữ P, không cho quý vị biết chữ ở giữa,” ông viết, ngụ ý rằng Trung Cộng (CCP) có thể tham gia vào gói cứu trợ của nhà tài phiệt Trung Quốc.
Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông đã sở hữu Sàn Giao dịch Kim loại London từ năm 2012.
Tsingshan được cho là đã đạt được thỏa thuận với các chủ ngân hàng và nhà môi giới của mình, bao gồm JPMorgan Chase và Standard Chartered để tránh bị vỡ nợ đối với các lệnh dừng ký quỹ. Theo tin từ các phương tiện truyền thông, thỏa thuận đã cho Tsingshan và các chủ nợ thời gian nhằm đạt thỏa thuận về một khoản tín dụng mới để thanh toán tiền ký quỹ.
Không rõ liệu Trung Cộng có tham gia vào các cuộc thảo luận này và gây áp lực buộc các ngân hàng của LME hoặc Tsinghan phải hành động để cứu công ty Trung Quốc hay không.
Theo một giám đốc điều hành cao cấp tại một công ty quản trị đầu tư ở New York, các ngân hàng đang có cái nhìn dài hơn vì họ cho rằng đó là một sự bất thường tạm thời.
Ông nói với The Epoch Times: “Họ không muốn phá sản một công ty hoàn toàn khỏe mạnh trong một tình huống bình thường và mất nguồn doanh thu vì họ đang cung cấp các dịch vụ cho vay và môi giới.”
Theo Ngân hàng ING, nickel đã được giao dịch trong chế độ khủng hoảng và các nguyên tắc căn bản “không thể biện minh cho sự điên rồ này.”
Chiến lược gia hàng hóa cao cấp Wenyu Yao tại ING đã viết trong một ghi chú gần đây: “Vẫn còn phải xem cuộc khủng hoảng này kết thúc như thế nào.”
“Tuy nhiên, thị trường từ lâu đã phải đối mặt với các vấn đề về cấu trúc. Đặc biệt, nickel có thể giao hàng/giao dịch hoán đổi chỉ bằng khoảng một phần tư nickel có thể bán được trên toàn cầu. Nhưng tăng trưởng nguồn cung ngày càng bị chi phối bởi nickel có thể giao hàng không qua sở giao dịch như NPI hoặc mạ nickel. Điều này cho thấy rằng các yếu tố căn bản đằng sau nickel qua sàn giao dịch này đang ngày càng tách khỏi thị trường thực.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: