LME tạm ngừng giao dịch sau khi giá Nickel tăng ở mức kỷ lục
Nhu cầu về kim loại và giá cả đã tăng lên khi các quốc gia phương Tây cố gắng chuyển sang xe hơi điện
Sàn giao dịch Kim loại London (LME) cho biết họ đã buộc phải hủy bỏ tất cả các giao dịch nikel hôm 08/03, sau khi giá tăng vọt tới 111% lên hơn 100,000 USD/tấn, trước khi giao dịch bị tạm dừng.
LME cho biết việc ngừng giao dịch là do cuộc xung đột Ukraine cũng như môi trường tồn kho thấp, giá cả biến động cao, và “các sự kiện hiện tại là chưa từng có”, họ cho biết thêm rằng họ đang nỗ lực để bảo đảm thị trường hoạt động có trật tự.
LME nói: “Việc tạm ngừng thị trường nikel đã tạo ra một số vấn đề cho những người tham gia thị trường và những vấn đề này cần phải được giải quyết.”
Giao dịch trên Sàn Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải cũng bị tạm dừng hôm 09/03, theo một bản tin từ Bloomberg.
Những người mua công nghiệp đang tranh giành loại kim loại quan trọng này cho sản phẩm của họ, khiến thị trường hoảng loạn.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vốn đang đe dọa nguồn cung kim loại toàn cầu, đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với sàn giao dịch 145 năm tuổi này trong nhiều thập niên.
Nikel là thành phần chính để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện, trong đó Norilsk Nickel của Nga là nhà sản xuất lớn nhất.
Nga cung cấp khoảng 10% lượng nikel trên thế giới và 15 đến 20% nguồn cung cấp nikel cấp pin.
Quốc gia này cũng sản xuất từ 4 đến 6% nguồn cung nhôm và đồng toàn cầu.
Nikel ba tháng trên LME tăng hơn gấp đôi lên 101,365 USD/tấn trước khi LME tạm dừng giao dịch.
Nickel đã giảm xuống 80,000 USD/tấn khi giao dịch tạm dừng, tăng 66% trong ngày kể từ khi bắt đầu giao dịch và tăng ở mức 177% đáng kinh ngạc kể từ hôm 07/03.
Giá nikel tăng đang gây áp lực lên hệ thống sản xuất toàn cầu vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch.
Sự bất ổn do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra đã làm trầm trọng thêm thị trường nikel vốn đã có chiều hướng tăng do trữ lượng tồn kho thấp, hiện ở mức 50% so với lượng tồn kho tại LME vào tháng 10/2021.
Giám đốc điều hành của LME, Matthew Chamberlain cho biết: “LME sẽ tích cực lên kế hoạch cho việc mở cửa trở lại thị trường nikel, và sẽ công bố cơ chế của việc này ra thị trường càng sớm càng tốt. LME sẽ xem xét khả năng đóng cửa nhiều ngày, do tình hình địa chính trị là nguyên nhân cho sự tăng giá gần đây.”
Người ta nghi ngờ rằng sự tăng giá đột ngột là do một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới thực hiện việc mua bù thiếu (short-covering).
Trong khi đó, nhiều người đầu tư đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các lệnh dừng ký quỹ.
Một số người mua công nghiệp nhỏ đã bị cuốn vào cuộc chiến giữa các công ty lớn hơn đang cố gắng mua kim loại, đã đầu tư để được giao hàng thực, nhưng bị ảnh hưởng bởi các lệnh dừng ký quỹ lên đến hàng triệu dollar.
Có thông tin cho rằng hai công ty lớn đã tranh giành để mua vét thị trường kim loại toàn cầu, khiến giá tăng gấp 4 lần trong tuần qua, dẫn đến mức giá bùng nổ.
Theo dữ liệu của sàn giao dịch, một trong hai tổ chức này có quyền kiểm soát từ 50 đến 80% hàng tồn kho của LME.
Các nguồn thạo tin cho biết Tsingshan Holding Group, ở Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất nikel và thép không gỉ hàng đầu thế giới, đã gây dựng vị thế bán khống nikel kể từ năm ngoái, cá cược giá sẽ giảm.
Giá tăng vọt khi Tsingshan bị cáo buộc đã mua một lượng lớn cổ phiếu nikel để giảm các khoản đặt cược bán khống đó và gặp rủi ro nhận các lệnh dừng ký quỹ tốn kém.
LME đã chấm dứt tình trạng này bằng cách tăng yêu cầu ký quỹ đối với hợp đồng nikel thêm 12.5% lên 2,250 USD/tấn và tạm ngừng giao dịch nikel ở tất cả các địa điểm cho đến hôm 11/03, ngày sớm nhất mà LME cho biết họ dự kiến sẽ tiếp tục giao dịch.
Việc hủy bỏ này đã áp dụng cho tất cả các giao dịch được thực hiện sau nửa đêm GMT cho đến 8:15 sáng hôm 08/03, khi giao dịch ngừng và có thể bị tạm dừng trong vài ngày.
LME cũng trì hoãn việc giao hàng thực tế của các hợp đồng sắp đáo hạn.
Lần cuối cùng điều này xảy ra là khi một thương nhân Sumitomo lừa đảo cố gắng làm lũng đoạn thị trường đồng và thiếc, khiến giao dịch ngừng lại vào những năm 1980.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết đã có những thâm hụt lớn giữa cung và cầu dựa trên tỷ lệ sản xuất hiện tại của các kim loại chủ chốt khác nhau.
Sản xuất graphite, đồng, coban, vanadi và nikel hiện nay đang không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là ở phương Tây.
Các nước phương Tây đang cố gắng chuyển từ sử dụng xe chạy xăng và diesel sang xe điện trong thập niên tới, khiến lượng tiêu thụ kim loại tăng mạnh và giá cả tăng cao.
Theo UBS, thế giới đang trong “điều kiện bất lợi” để ứng phó với bất kỳ sự gián đoạn nào trên thị trường kim loại, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt của Nga, hiện có thể đe dọa các mục tiêu năng lượng xanh.
Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: