Lithuania cho biết Belarus sẽ tiếp tục thử thách phương Tây, thúc giục NATO suy nghĩ lại
Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda cho biết hôm 28/11 rằng NATO cần điều chỉnh lập trường của mình đối với Belarus, quốc gia có quân đội đang ngày càng trở nên hợp nhất hơn với quân đội Nga.
Ông Nausėda nói trong một cuộc họp báo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại Vilnius, Lithuania, rằng ông lo lắng trước sự “hợp nhất quân sự toàn diện” của Belarus vào các cơ cấu quân sự của Nga.
“Điều này mang đến những thách thức mới cho NATO, và NATO nên điều chỉnh các kế hoạch, chiến lược, và chiến thuật của mình để sẵn sàng ứng phó,” ông Nausėda nói sau cuộc họp với người đứng đầu EU và thư ký NATO. Cuộc họp còn có sự tham gia của Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė.
Ông Nausėda cũng nói rằng Belarus sẽ tiếp tục thử thách sự đoàn kết của phương tây bằng cách lợi dụng hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp “dễ bị tổn thương” đang ở biên giới phía đông của Liên minh Âu Châu.
“Chúng ta có thể minh bạch rằng chế độ của ông Lukashenko và các cường quốc ủng hộ chế độ này sẽ tiếp tục thử thách sự đoàn kết của thế giới phương Tây cùng khả năng phản ứng và đẩy lùi các cuộc tấn công hỗn hợp của họ,” ông nói. “Chúng tôi cũng đang liên lạc với các quốc gia đối tác có thể được sử dụng để làm nơi trung chuyển.”
Ông Stoltenberg cho biết tại cuộc họp báo rằng “NATO gần đây đã điều động một nhóm chuyên gia tới Lithuania để chia sẻ thông tin, phân tích, và kinh nghiệm trong việc chống lại các mối đe dọa hỗn hợp.”
EU cho biết cuộc khủng hoảng này là do lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko tạo ra và là một phần của cuộc “chiến tranh hỗn hợp” mà Minsk đang tiến hành để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU, vốn được áp đặt sau một cuộc đàn áp các cuộc biểu tình phản đối việc tái tranh cử của ông hồi năm ngoái.
Bà Von der Leyen cho biết Lithuania đã phản ứng “một cách nhân đạo và kiên quyết” trước cuộc khủng hoảng và Liên minh Âu Châu sẽ tiếp tục ủng hộ nước này.
Bà cho biết 200 triệu EUR (226.3 triệu USD) trong quỹ của EU sẽ được trao cho Latvia, Lithuania, và Ba Lan để kiểm soát biên giới trong năm nay và năm tới.
EU cũng sẽ tập trung vào việc hồi hương những người nhập cư cố gắng vượt biên trái phép từ Belarus sang EU. Bà Von der Leyen đã khen ngợi những nỗ lực hồi hương của Iraq. Khoảng 75% số người nhập cư bất hợp pháp bị mắc kẹt tại biên giới Belarus đến từ Iraq. Bà Von der Leyen nói với các phóng viên rằng Iraq đã ngay lập tức ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng cách đưa công dân của mình hồi hương bằng phi cơ.
Bà Von der Leyen cho biết trong cuộc họp báo với Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš rằng cũng sẽ có một vài kế hoạch sửa đổi Luật Biên giới Schengen trước cuối năm nay để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía đông EU.
Bà nói, “Chúng tôi đang cân nhắc khả năng cung cấp cho các quốc gia thành viên lựa chọn linh hoạt hơn trong việc chăm sóc người dân trên lãnh thổ của chúng tôi — lãnh thổ EU — để đưa ra … các thủ tục thích hợp, trong một tình huống khủng hoảng nghiêm trọng như vậy, khả năng có các chốt đăng kiểm và có sự linh hoạt hơn để hành động và phản ứng đúng đắn.”
Khối Schengen là một khu vực miễn thị thực gồm 26 quốc gia Âu Châu — cả các quốc gia thành viên EU và các quốc gia không thuộc EU — cho phép người dân đi lại tự do và không hạn chế giữa các biên giới nội bộ của họ.
Quân đội Nga tiếp cận biên giới Ukraine
Theo một tuyên bố, Tổng thống Lithuania cũng bày tỏ lo ngại của đất nước ông về “việc Nga tăng cường khai triển quân đội gần Ukraine.
Ông Nausėda nói trong tuyên bố trên, “Điều này đặt ra những thách thức mới đối với an ninh tổng thể của NATO. NATO nên điều chỉnh các kế hoạch, chiến lược, và chiến thuật của mình cho phù hợp theo đó và chuẩn bị đầy đủ để ứng phó.”
Ông Stoltenberg nói tại cuộc họp báo rằng “việc tăng cường khai triển quân đội không rõ nguyên nhân và phi lý của Nga ở gần biên giới Ukraine” là “rất đáng lo ngại,” do nhiều nguyên nhân.
Chúng tôi thấy hàng chục ngàn binh lính sẵn sàng chiến đấu cùng vũ khí hạng nặng được tập hợp gần biên giới Ukraine, ông nói thêm.
“Điều này cũng đáng lo ngại vì nó vô cớ và không giải thích được,” tổng thư ký NATO nói. “Chúng tôi kêu gọi Nga minh bạch, giảm căng thẳng và leo thang.”
“Chúng tôi cũng gửi thông điệp tới Moscow về điều đó. Nếu họ quyết định sử dụng vũ lực, thì tất nhiên, sẽ có hậu quả. Và chúng tôi đã chứng tỏ ý chí và năng lực của mình trong việc khiến Nga phải trả giá và lãnh chịu hậu quả trước đây,” ông tiếp tục.
Mặc dù ông Stoltenberg không nêu chi tiết về các biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện, nhưng ông dẫn chứng một số hậu quả dưới hình thức các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nặng nề mà các đồng minh NATO và EU đã áp đặt lên Nga hồi năm 2014, sau khi nước này thôn tính Crimea một cách bất hợp pháp.
Kể từ đó, NATO cũng đã tăng cường hiện diện quân sự trên không, trên bộ, và trên biển ở khu vực Baltic (Lithuania, Latvia, Estonia) và ở Ba Lan, bao gồm cả việc kiểm soát trên không, ông Stoltenberg nói.
Vào thứ Ba tuần tới (07/12), các ngoại trưởng NATO sẽ họp tại Latvia với Nga và Belarus, và tình huống [của Nga] với các đối tác NATO là Ukraine và Georgia cũng sẽ nằm trong nghị trình thảo luận.
Bà Ella Kietlinska là một phóng viên của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: