Linh hoạt trước những thay đổi trong kế hoạch
Cuộc sống đầy rẫy những biến động, và bạn luôn phải sẵn sàng tham dự vào
Trong một thế giới đầy biến động như ngày nay, nhiều người trong chúng ta cảm thấy thật khó khăn khi phải đối diện với những kế hoạch luôn thay đổi.
Điều đó lúc nào cũng là một thử thách, nhưng cũng như nhiều điều khác, giờ đây nó đã trở thành một thách thức mà bạn buộc phải đối mặt.
Một số người thực sự gặp khó khăn với những kế hoạch thường xuyên thay đổi — điều đó có thể khiến chúng ta nản lòng và cảm thấy không có được sự ổn định vững chắc. Trong khi đó, một số người khác dường như lại yêu thích những kế hoạch linh động. Họ gặp thách thức khi phải cam kết thực hiện theo lịch trình [cố định], họ không muốn bị ràng buộc và thường khó tập trung.
Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến những người đang phải vật lộn với những kế hoạch thay đổi nhanh chóng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể học được cách linh hoạt và [nhanh chóng] lấy lại tinh thần khi những kế hoạch thay đổi? Nếu bạn có thể tìm được sự tập trung giữa những hỗn loạn bủa vây? Và nếu bạn có thể học cách lướt trên những con sóng bất định của cuộc đời?
Lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn biết cách thư giãn trong chính sự bất ổn và xác định được phương hướng trước biển khơi vô định.
Những thông điệp trọng yếu
1. Mỗi thay đổi là một lần tập dượt
Khi ai đó thay đổi kế hoạch của chúng ta, chúng ta có thể (và thường sẽ) thất vọng vì họ đã thay đổi mọi thứ vào phút chót. Chúng ta có thể trao đổi với họ nếu vấn đề tiếp diễn, nhưng đôi khi những thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Vậy thay vào đó, sao chúng ta không thử đón nhận điều này như một cơ hội rèn luyện để trở nên linh hoạt và lấy lại tinh thần [nhanh chóng] hơn trước những đổi thay?
Có thể sau đó, chúng ta sẽ thấy trân quý cơ hội tuyệt vời này. Hãy cảm ơn người đó. Và rồi nhìn nhận lại sự thất vọng trước đó của bản thân, và sự kháng cự trước thay đổi [đó], như một cách để phát triển ở phương diện này.
2. Vận dụng những thay đổi để sống với thực tại.
Để trở nên thuần thục hơn khi phải đối diện với sự thay đổi trong các kế hoạch, [chúng ta] có thể chỉ đơn giản là ghi nhớ rằng [hãy] luôn sống trong thực tại. Đơn thuần mở lòng ra để trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại. Khi chúng ta nản lòng thoái chí trước những thay đổi, đó là bởi vì chính chúng ta đã cố định bản thân với những kỳ vọng, những điều đã không còn đúng nữa. Thay vào đó, sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ tập trung vào những điều thực tế đang hiện diện ngay trước mắt?
Nếu theo cách này, luyện tập khả năng ứng phó trước sự thay đổi chỉ đơn thuần là thực hành chánh niệm. Học cách đón nhận từng khoảnh khắc đang diễn ra, không định trước, không có kế hoạch, nhưng vẫn kỳ diệu đến tuyệt vời.
3. Học cách thư giãn trong sự bất ổn
Khi xảy ra một sự đổi thay, chúng ta thường sẽ cảm thấy bất an trong lòng. Tương tự như cảm giác khi tấm thảm dưới chân đột ngột bị kéo đi mất. Chúng ta thoáng chốc lo sợ. Điều đó có thể biến thành một luồng suy nghĩ: “Tại sao mình không thể có một ngày yên ổn?” Và [điều đó cứ] tiếp tục [diễn ra] như vậy, cho tới khi cảm giác chênh vênh nhất thời kia dần trở thành một sự lo lắng thường trực.
Thay vì [sống trong lo âu] như vậy, sẽ ra sao nếu chúng ta lắng nghe những cảm giác bất ổn trong cơ thể mình, và chỉ đơn giản là hướng sự chú ý của chúng ta đến chúng, và chấp nhận chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thư giãn trong chính sự bất ổn đó? Nó không nhất thiết phải trở thành một câu chuyện tiêu cực (mặc dù điều đó vẫn có thể xảy ra). Chúng ta có thể chỉ đơn thuần là trải nghiệm sự thay đổi đó.
4. Học cách thuận theo dòng chảy.
Một khi biết cách thư giãn trong sự bất ổn và cởi mở với khoảnh khắc thay đổi đang xảy tới, chúng ta có thể học cách thả mình theo chúng. Giống như một người đang lướt trên một con sóng luôn thay đổi. Điều đó có thể thú vị thật sự: “Hãy xem mình có thể ứng biến thuận theo sự thay đổi một cách linh hoạt ra sao, hãy xem mình có thể nhanh nhạy đến mức nào. Liệu mình có thể luôn bình tĩnh và kiên định giữa những bất ổn? “
Điều đó có nghĩa là khi có sự thay đổi, chúng ta có thể luôn thư thái và đưa ra một quyết định đơn giản [rằng]: Điều gì là tốt nhất trong tình huống này? Và sau đó hãy thực hành bước tiếp theo, [rất] giản đơn, với [một tinh thần] thanh thản, thoải mái.
5. Tìm thấy sự tập trung trong những hoàn cảnh phức tạp thông qua luyện tập
Với rất nhiều thay đổi xảy đến, chúng ta khó có thể tìm thấy được trọng tâm [của chúng]: “Thật hỗn loạn. Tại sao chuyện này lại đang xảy ra?” Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể xác định được trọng tâm, nhưng điều đó cần phải được luyện tập.
Cách thực hiện đơn thuần là: Hãy tạm dừng để cân nhắc xem bạn muốn tập trung vào điều gì. Nếu bạn đang cảm thấy rối bời, hãy lắng nghe cảm giác đó và vỗ yên nó. Sau đó, hãy tạo không gian cho sự tập trung. Nếu sự thay đổi này đòi hỏi [bạn phải] ứng biến tức thì, hãy đối diện giải quyết [vấn đề], nhưng trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể cho phép bản thân tập trung vào cảm xúc hỗn loạn ấy.
Ngay cả khi chỉ là 10 phút tập trung, bạn vẫn có thể tập luyện. Hãy dọn dẹp không gian [của bạn], và chỉ cho phép bản thân làm một việc duy nhất [tại thời điểm đó]. Hãy để nó choán đầy tâm trí bạn. Dồn toàn lực vào đó. Mỗi khi bạn bị phân tâm, hãy lại [rèn luyện] sự tập trung này. [Điều này cần phải] kiên trì luyện tập.
6. Việc lên kế hoạch rất hữu ích, nhưng đừng phụ thuộc.
Việc lập kế hoạch là một cách để tạo nên một trật tự nhỏ cho những công việc bạn đảm nhận. Nếu bạn thường xuyên cần làm một số công việc đòi hỏi sự tập trung, nhưng cũng cần phải gửi email, tin nhắn, các giao dịch tài chính, những việc nhà, lên [các] kế hoạch, và tập thể dục, hãy tạo các khung thời gian trong ngày hoặc theo tuần cho tất cả những việc này. Điều đó sẽ giúp bạn thực sự hoàn thành những cam kết quan trọng.
Tuy nhiên, quá lệ thuộc vào kế hoạch, chúng ta có thể cảm thấy thất vọng và nản chí khi mọi việc trở nên bộn bề. Có thể người nào đó đã làm xáo trộn kế hoạch của chúng ta. Một việc bất ngờ có thể xảy ra. Chúng ta có thể không theo sát kế hoạch [đã định của mình] vì cảm thấy mệt mỏi, và mọi việc đều chệch hướng. Khi những điều này xảy đến, mọi thứ dường như sụp đổ, và chúng ta thấy thất vọng, chán nản, mất tập trung hoặc không còn động lực.
[Chúng ta] có thể luyện tập bằng cách đơn giản là chỉ theo sát kế hoạch một cách kỷ luật nhất có thể, nhưng không cố chấp. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tuân thủ các kế hoạch của mình nhiều nhất có thể, nhưng khi có sự thay đổi, chúng ta cần hành sự linh động:
Việc gì cần được điều chỉnh khi có sự thay đổi ?
Việc gì sẽ là tốt nhất vào lúc này khi kế hoạch không còn khả thi?
Sau khi điều chỉnh xong, chúng ta cần quay trở lại với kế hoạch nhanh nhất có thể.
7. Tìm kiếm niềm vui giữa giông bão.
Mọi thứ có thể trở nên đầy sóng gió, và với nhiều người, điều này có thể mang tới sự lo âu và thất vọng, thoái chí. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể học cách mở rộng tấm lòng trước bão tố [cuộc đời] và đón nhận nó?
Trong suốt cuộc đời của mình, tôi luôn cảm thấy kinh ngạc trước vẻ đẹp hùng tráng của những cơn bão, thích thú trước những vòng lốc xoáy và sự vô thường của chúng, tận hưởng những nét đẹp đầy nghệ thuật ngay giữa tâm bão. Những xúc cảm trước một cơn bão thực thụ đã nhắc nhở tôi luôn thực hành cảm thụ cái đẹp ngay trong những bộn bề của cuộc sống thường nhật.
Nếu thiếu đi những thử thách, bạn không thực sự đang sống. Bạn không phát huy được đầy đủ những năng lực tri giác và tài năng của mình nếu không bị đẩy đến giới hạn của bản thân.
Bạn có thể tìm thấy vẻ đẹp gì trong những bộn bề của cuộc sống hiện tại ?
Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách và là cây viết của Zen Habits, một trang blog với hơn 2 triệu người đăng ký. Truy cập ZenHabits.net để biết thêm thông tin.
Đức Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: