Liệu Trung Quốc có thể sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để thách thức quyền bá chủ của đồng USD?
Bắc Kinh là người thắng lớn nhất trong cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và phản ứng của phương Tây cho đến nay là một món quà cho Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây đối với Nga đã khiến nước này bị cô lập với phần lớn thế giới. Nga cần một huyết mạch tài chính.
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang tạo cơ hội duy nhất cho Trung Quốc để thiết lập đồng tiền của mình trong thương mại toàn cầu và từ đó gây bất ổn cho phương Tây. Nói cách khác, Bắc Kinh hiện có thể đạt được những gì họ đã từng muốn nhưng đã không thể đạt được trong nhiều năm.
Trừng phạt Nga không đơn giản như trừng phạt Iran hay Triều Tiên. Nga là nhà sản xuất và xuất cảng lớn các mặt hàng như dầu thô, khí đốt, lúa mì, kim cương và các loại khoáng sản khác. Đã có thời, giá trị của tiền giấy là bắt nguồn từ các mặt hàng hỗ trợ nó.
Với các lệnh trừng phạt được đưa ra, thị trường hàng hóa toàn cầu hiện đang bị phân mảnh. Ví dụ, chúng ta có dầu không phải của Nga sản xuất có giá tăng chóng mặt trong khi dầu của Nga có ít kênh tiêu thụ hơn và có thể mua với giá chiết khấu đáng kể.
Phần lớn các cuộc thảo luận đang diễn ra tập trung vào câu hỏi Trung Quốc có thể và sẵn sàng giúp đỡ Nga đến mức nào. Nhưng tôi tin rằng câu hỏi thực sự nên đặt ra là: Trung Quốc sẽ đi đến đâu để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây để giúp bản thân mình và làm suy yếu Hoa Kỳ?
Một sự thật mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã mất nhiều năm cố gắng bác bỏ nhưng với cuộc chiến ở Ukraine, gần đây đã buộc phải công nhận, đó là Tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề an ninh quốc gia.
Bắc Kinh thấy rõ điều này. Trung Quốc đã cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trong nhiều thập kỷ. Đầu năm nay, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm với Gazprom của Nga. Vào tháng Hai, họ đã đạt được thỏa thuận tăng nhập cảng lúa mì từ Nga. Tình trạng bị ruồng bỏ của Nga mang lại cho Trung Quốc cơ hội bảo đảm về hàng hóa có giá trị, đồng thời khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, tiền tệ và mạng lưới tài chính của họ.
Hãy bàn về những điểm rõ ràng. Bắc Kinh đang bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt là về việc liệu các công ty của họ có vi phạm các biện pháp trừng phạt “thứ cấp” do Hoa Kỳ áp đặt hay không, chẳng hạn như cung cấp hỗ trợ vật chất cho các công ty Nga bị trừng phạt. Đó là một khu vực màu xám nhưng hợp pháp.
Nhưng Trung Quốc có sẵn cơ sở hạ tầng rộng lớn để lách các lệnh trừng phạt. Bắc Kinh đã làm điều đó trong quá khứ với Iran. Các ngân hàng quốc tế lớn và các tập đoàn kinh doanh bằng USD và euro sẽ không tham gia, hoặc ít nhất là không công khai. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có sẵn đủ cơ sở hạ tầng tài chính không dùng USD và kinh nghiệm trong việc tạo ra các phương tiện ngoại bảng (cân đối tài sản) để mua sắm hàng hóa của Nga.
Bức tranh toàn cảnh về thương mại toàn cầu trong tương lai càng đáng lo ngại hơn.
Các lệnh trừng phạt toàn cầu đã đóng băng nguồn dự trữ ngoại hối của Nga một cách hiệu quả. Nói cách khác, Matxcơva không còn khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Kết quả này đặt ra một câu hỏi quan trọng đối với Trung Quốc và các quốc gia khác ít bị ràng buộc hơn với quyền bá chủ của Hoa Kỳ-Âu Châu — nếu hoặc khi họ đụng độ với Tây Phương, thì tài khoản của họ có bị tịch thu không?
Và với rủi ro này, liệu họ có nên đa dạng hóa một số nguồn dự trữ khỏi đồng USD?
Bàn về Trung Quốc và tiền tệ của Trung Quốc (vàng và bitcoin là các tùy chọn khác, nhưng phạm vi chuyên mục này là về tiền tệ của Trung Quốc).
Trung Quốc đã thúc đẩy đồng Nhân dân tệ cho thương mại quốc tế mà không đạt được nhiều thành công, ngay cả sau khi có chương trình Vành đai và Con đường của họ. Trung Quốc và Nga đã chê bai đồng USD trên thực tế với tư cách là đồng tiền thương mại toàn cầu. Ngày nay, tất cả các mặt hàng đều được định giá bằng USD và đối với các quốc gia, không có sự thay thế nào (nguyên tắc TINA.)
Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để cuối cùng tạo ra một giải pháp thay thế cho quyền bá chủ của đồng USD và kéo lùi bối cảnh kinh tế toàn cầu về thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đối với một quốc gia trung lập bên thứ ba, thị trường hàng hóa bị phá vỡ có thể khiến quốc gia này mua dầu với giá chiết khấu từ Trung Quốc hơn là trả giá đắt cho dầu không có nguồn gốc từ Nga. Đó có thể là sự khởi đầu của một trật tự toàn cầu mới và mọi thứ mà Trung Quốc đã mong ước có được khi tạo ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình.
Tạp chí tài chính Barron’s gần đây đã chỉ ra rằng cuộc chiến này là “một trong số ít lần các nhà đầu tư đang chạy trốn khỏi các tài sản rủi ro hơn đã chuyển sang đồng Nhân dân tệ”. Theo chiến lược gia toàn cầu Sean Darby của Jefferies, Nga dường như đã “chuẩn bị” cố định đồng ruble với đồng Nhân dân tệ kể từ năm ngoái trong “bằng chứng thực tế đầu tiên về việc phi USD hóa.”
Và không chỉ có Nga. Ả Rập Xê-út—quốc gia có mối quan hệ với Hoa Kỳ đã nguội lạnh trong những năm gần đây—được cho là đang cân nhắc chấp nhận đồng Nhân dân tệ thay vì USD để mua dầu từ Trung Quốc.
Ông Zoltan Pozsar, chiến lược gia tín nhiệm về lãi suất của Credit Suisse, đã làm rõ xu hướng này thêm một vài bước nữa. Trong một lưu ý tháng Ba cho khách hàng có tiêu đề “Bretton Woods III”, ông Pozsar tuyên bố đây là sự khởi đầu của một trật tự tiền tệ toàn cầu mới do các đồng tiền Á Châu tạo ra sức mạnh, và được hỗ trợ bởi một rổ hàng hóa.
Cuộc chiến này và các lệnh trừng phạt của Tây phương đối với Nga sẽ khiến Trung Quốc mua và tích trữ hàng hóa, từ đó làm đồng Nhân dân tệ mạnh lên (ngày càng được hỗ trợ bởi tài sản thực) và gây bất ổn cho đồng USD (chỉ được hỗ trợ bởi tín dụng) trong khi làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát ở Tây phương.
Về bản chất, đồng nhân dân tệ mạnh lên sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu Châu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: