Liệu Trung Quốc có đang kiểm soát Anh Quốc?
Khi tập trung vào việc chống lại vị thế thống trị đang lên của Trung Cộng, tốt hơn hết là Hoa Kỳ không nên đặt quá nhiều tin tưởng vào sự hỗ trợ của Anh Quốc
Vào ngày 22/05/2021, lịch sử đã được thiết lập khi Nhóm Tác chiến Hàng không mẫu hạm của Anh Quốc bắt tay vào nhiệm vụ đầu tiên của mình. Với “9 tàu, 32 phi cơ và 3,700 binh sĩ,” như tạp chí Seapower đã đưa tin, đây là “sự tập trung sức mạnh hàng hải và không quân lớn nhất rời khỏi Anh Quốc trong một thế hệ.” Trong một bài xã luận cho The Wall Street Journal, ông James Marson và ông Max Colchester đã thảo luận về tầm quan trọng của chiến dịch này, và những cách thức mà “sức mạnh quân sự của Anh Quốc” sẽ phụ lực cho Hoa Kỳ “chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng.”
Các tác giả lập luận rằng nước đi này nhằm “củng cố mối bang giao đặc biệt của Anh Quốc với Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, chỉ có một vấn đề và đó là một vấn đề khá quan trọng. Anh Quốc cũng có “mối bang giao đặc biệt” với một quốc gia khác, và quốc gia đó lại chính là Trung Quốc.
Theo The Henry Jackson Society, một tổ chức cố vấn về chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia, Anh Quốc hiện “phụ thuộc một cách chiến lược vào Trung Quốc đối với 229 mặt hàng. 57 trong số này có các ứng dụng trong cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia.” Nói cách khác, khi nói đến việc kiểm soát các tài nguyên mà cuộc sống của người Anh phụ thuộc vào, Trung Cộng đang nắm giữ tất cả các quân bài.
Tất nhiên, nhiệm vụ của Nhóm Tác chiến Hàng không mẫu hạm đáng được chúng ta chú ý. Nhưng, người ta sẽ thắc mắc rằng liệu sự phô trương sức mạnh quân sự này có là điều mang tính biểu tượng hơn là thực chất hay không? Xét cho cùng, sau vết thương của Brexit, khôi phục lòng tự hào dân tộc là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Boris Johnson. Nhưng lòng tự hào không sánh được với quyền lực thực sự, và bằng cách giao quyền kiểm soát các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu cho Trung Cộng, các quan chức Anh Quốc đã đặt sinh kế của hàng triệu người dân nước này vào tay chế độ được cho là nguy hiểm nhất thế giới.
Nếu kiểm soát cơ sở hạ tầng của một quốc gia về căn bản giống như kiểm soát quốc gia đó, [nếu] trường hợp này dường như là vậy, thì có vẻ như Bắc Kinh đang kiểm soát Anh Quốc. Điều này có vẻ giống như một tuyên bố kỳ quặc để đưa ra–nhưng tại sao? Hãy nhớ rằng, đây là cách Trung Cộng hoạt động. Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Cộng củng cố ảnh hưởng của mình bằng cách kiểm soát kiến trúc cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, kiểm soát cơ sở hạ tầng chỉ là một chiêu trong trăm phương ngàn kế của Trung Cộng. Một phương pháp khác được ông Tập Cận Bình và các cộng sự áp dụng liên quan đến việc kiểm soát các cơ sở giáo dục. Ở Anh Quốc, mọi người đều thấy sự kiểm soát của Trung Cộng đối với các trường đại học là rõ ràng.
Trong một bài xã luận gần đây cho The Financial Times, ông Tom Tugenhadt đã thảo luận về sự lệ thuộc ngày càng tăng của các trường đại học Anh Quốc vào nguồn tài trợ đến từ Trung Quốc. Theo tác giả này, “Anh Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành điểm đến mong muốn nhất của sinh viên Trung Quốc.” Bây giờ, trước khi tôi bị buộc tội phân biệt chủng tộc, điều này không có nghĩa là sinh viên ngoại quốc gây rủi ro cho Anh Quốc. Không, như ông Tugenhadt lập luận, vấn đề là “sự lệ thuộc quá mức” vào Trung Quốc như là một nguồn du học sinh. Mối lo ngại của ông là chính đáng. Anh Quốc là nơi có khoảng 480,000 sinh viên ngoại quốc; 142,000 trong số này, theo ông Tugenhadt, là người Trung Quốc. Nói cách khác, 30% sinh viên ngoại quốc của Anh Quốc đến từ Trung Quốc.
Đây là một vấn đề vô cùng nan giải. Ông Tugenhadt viết, “Nếu số lượng sinh viên Trung Quốc sẵn sàng theo học tại Anh Quốc giảm đáng kể, ví dụ như do hệ quả của căng thẳng địa chính trị, một số trường đại học của chúng ta có thể bị bỏ lại trong tình trạng rất khó khăn.”
Hồi tháng Hai năm nay, trong một bài viết hay cho Unherd, có tiêu đề “Cách Trung Cộng mua chuộc các trường đại học của Anh Quốc,” ông Mark Edmonds đã lập luận rằng, “Lĩnh vực trường đại học của Anh Quốc đơn giản là không thể sống thiếu túi tiền của Bắc Kinh.”
Đây là một sự thật lạnh lùng, phũ phàng. Chín trong số các trường đại học danh tiếng nhất ở Anh Quốc dựa vào sinh viên Trung Quốc cho hơn 20% tổng doanh thu của họ. Trong tất cả các tài sản của mình, lĩnh vực giáo dục của Anh Quốc được cho là sinh lời nhất.
Trong bài báo trên Unherd, ông Nick Hillman của Viện Chính sách Giáo dục Bậc cao tuyên bố rằng các trường đại học Anh Quốc dường như đã “bỏ quá nhiều trứng vào giỏ Trung Quốc.” Đây là một thành viên của ngành giáo dục bậc cao đã công khai những mối e ngại của mình, mặc dù tuyên bố này là một cách thức báo động điềm tĩnh và tinh hoa kiểu Anh.
Một vài tuần sau bài báo trên Unherd, cựu bộ trưởng các trường đại học của Anh Quốc, ông Jo Johnson, đã nói về một tiền lệ nguy hiểm đang được đặt ra. Ông cảnh báo, các trường đại học của Anh Quốc đã (và vẫn đang) bị ảnh hưởng đáng kể bởi những lợi ích từ Bắc Kinh. Trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học ở Anh Quốc đã hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu Trung Quốc về các chủ đề nhạy cảm như an ninh quốc gia và tự động hóa. Hồi tháng Hai, The Times đưa tin rằng gần 200 viện sĩ Anh tại hơn một chục trường đại học trên khắp Anh Quốc đang bị điều tra vì nghi ngờ hỗ trợ Trung Cộng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Một nghiên cứu gần đây, do ông Johnson được nhắc đến ở trên dẫn đầu, đã xác định được sự gia tăng đáng kể trong tài trợ nghiên cứu từ Trung Cộng.
Nếu Trung Cộng ngừng đầu tư vào hệ thống giáo dục của Anh Quốc, khả năng sụp đổ của nền kinh tế này sẽ tăng lên đáng kể. Nếu lĩnh vực giáo dục của quốc gia này thất bại, thì suy thoái kinh tế không phải là không thể xảy ra.
Tác giả Bell Hooks mô tả sự lệ thuộc “là mảnh đất sinh sôi của sự lạm dụng quyền lực.” Anh Quốc rõ ràng là đang lệ thuộc vào đầu tư từ Bắc Kinh, hơn bao giờ hết.
Điều này đưa chúng ta trở lại với hạm đội hùng mạnh đang được tập hợp; thực sự thì nước Anh hùng mạnh như thế nào?
Xét đến việc nước này vừa nếm trải thành tích kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 300 năm và vòng xoáy đi xuống dự kiến sẽ còn tiếp tục, câu trả lời dường như là không mạnh lắm.
Cơ sở hạ tầng và các trường đại học của Anh Quốc về căn bản do Trung Cộng kiểm soát.
Khi nhắc đến việc trông đợi vào sự hỗ trợ thực sự từ Thủ tướng Boris Johnson và các đồng sự của ông, sẽ là tốt cho Hoa Kỳ khi nhớ rằng thùng rỗng thì thường kêu to. Tôi cho rằng hạm đội ra khơi chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Một cường quốc sẽ không bao giờ giao chìa khóa ngôi nhà của mình cho Trung Cộng.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: