Liệu thực phẩm được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có phải là mối đe dọa đối với sức khỏe của người Mỹ không?
Giờ đây khi các công ty quảng bá sản phẩm bơ sữa và thực phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đang được FDA chấp thuận, thì đã đến lúc cần có một cuộc thảo luận không mấy thoải mái nhưng hệ trọng về nỗ lực tái tạo lại chế độ ăn uống của người Mỹ.
Chúng ta được bảo rằng sản phẩm bơ sữa từ phòng thí nghiệm là tương lai. Loại bỏ bò sữa ra khỏi sự cân bằng đồng nghĩa với việc lượng khí thải methane ít hơn. Môi trường có lợi hơn. Nhưng quý vị có biết ai sẽ phải là người chịu thiệt hại hay không? Hàng triệu nông dân chăn nuôi bò sữa trên toàn thế giới. Bơ sữa làm từ phòng thí nghiệm hứa hẹn nhiều mặt tích cực nhưng lại không đề cập đến những mặt trái tiềm tàng, khá là thảm khốc của việc quay lưng với bơ sữa. Để “cứu lấy môi trường,” thì có vẻ như phải phá bỏ các phương thức canh tác truyền thống.
Ngành công nghiệp sữa toàn cầu đang bị tấn công. Từ Ireland trải dài đến Ấn Độ, các nông dân chăn nuôi bò sữa đang bị giới thượng lưu đẩy ra ngoài lề, những người tin rằng ngành công nghiệp sữa cần một cuộc đại tu hoàn toàn. Họ nói rằng sữa tổng hợp, còn được gọi là sữa nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, chính là tương lai.
Theo nhà nghiên cứu Milena Bojovic, chúng ta nên đón nhận cuộc cách mạng được kiến tạo từ phòng thí nghiệm này, vì cuộc cách mạng này không yêu cầu sử dụng bò sữa hoặc các động vật khác. Hơn nữa, khi mà “ngày càng có nhiều lời kêu gọi chuyển từ các hệ thống thực phẩm dựa trên động vật sang các hình thức sản xuất thực phẩm bền vững hơn,” thì giờ là lúc để thay đổi. Ông Bojovic lập luận rằng đây là vấn đề “phúc lợi động vật.”
Nhưng còn phúc lợi của con người thì sao?
Việc thúc đẩy sản xuất sữa tổng hợp trở thành xu hướng chủ đạo sẽ tàn phá nền kinh tế địa phương và đảo lộn cuộc sống của những người chăn nuôi bò sữa trên khắp thế giới. Ngày nay, có khoảng 116 triệu nông dân chăn nuôi bò sữa trên toàn thế giới; đến năm 2030, do sự can thiệp quá mức của chính phủ và các sáng kiến tại phòng thí nghiệm, sẽ chỉ còn 104 triệu nông dân. Hoa Kỳ là nơi sinh sống của 30,000 nông dân chăn nuôi bò sữa. Hai mươi năm trước, con số đó là 70,000.
Nông dân chăn nuôi bò sữa đang biến mất khi thế giới cần họ hơn bao giờ hết. Hàng chục triệu người trên toàn cầu dựa vào các sản phẩm sữa để tồn tại. Nhiều người trong số này đến từ các quốc gia nghèo khó hơn. Chẳng hạn, protein trong sữa bò là thành phần chính trong các sản phẩm dùng để điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng (đến cuối thập niên này, sẽ có 129 triệu trẻ em suy dinh dưỡng trên toàn thế giới).
Sữa bò rất giàu dinh dưỡng, cung cấp protein và các vi chất dinh dưỡng như canxi, magie, selen, riboflavin, và vitamin B5, B12. Tiêu thụ sữa có liên quan trực tiếp đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh loãng xương và thậm chí có thể là ung thư đại trực tràng. Liệu có thể nói đến điều tương tự khi đề cập đến sữa tổng hợp không? Tóm lại là không. Sữa tổng hợp thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng. Điều này không có gì là ngạc nhiên. Xét cho cùng, từ “tổng hợp” chỉ là một từ đồng nghĩa hoa mỹ của từ giả mạo. Nhưng nỗ lực nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để đại tu hoàn toàn ngành nông nghiệp lại là thật.
Thực phẩm giả, rủi ro thật
Cuộc đàn áp đối với sản phẩm bơ sữa phải được nhìn qua lăng kính phổ quát hơn nhiều. Để hiểu tường tận về quy mô của chiến dịch này, người ta phải thảo luận về Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổ chức quốc tế đứng sau cuộc Đại Tái Thiết. Giới tinh hoa ở Davos hoàn toàn có ý định chuyển đổi ngành nông nghiệp. Có một nỗ lực phối hợp để thúc đẩy nông dân rời bỏ công việc đồng áng, thay thế con người bằng máy móc, thay thế sữa thật bằng sữa giả, và thay thế thịt thật bằng thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm—tất cả đều nhân danh tính bền vững.
Năm 2009, WEF đưa ra Tầm nhìn mới cho Nông nghiệp (NVA). Theo một tài liệu chính thức của WEF, sáng kiến này được tạo ra để “cùng lúc mang lại an ninh lương thực, tính bền vững của môi trường và cơ hội kinh tế.” WEF đã hướng đến năm 2050 để đạt được mục tiêu cao cả này. Điều thú vị là Monsanto, tập đoàn hóa chất nông nghiệp vướng phải nhiều vụ bê bối, đã từng là một đối tác của NVA. Thú vị hơn nữa, Bayer Crop Science, công ty đã mua lại Monsanto vào năm 2016, vẫn là một đối tác tích cực.
Một trong những nhà tài trợ cho sáng kiến này là chính phủ Hà Lan. Chính phủ Hà Lan đang cố gắng hết sức để giảm lượng khí thải nitrogen của đất nước này. Thật không may cho nông dân Hà Lan, vì đạt được mục tiêu này đồng nghĩa với việc cắt giảm 30% số lượng gia súc, gà, cừu, và lợn. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Hà Lan hoàn toàn ủng hộ nghị trình nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Nỗ lực thúc đẩy nền nông nghiệp trở nên “bền vững” và thân thiện hơn với môi trường cũng đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Hồi tháng Ba, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) đã đưa ra một đề xướng ESG đe dọa trực tiếp đến phúc lợi của 2 triệu nông dân trên đất nước.
Thực phẩm được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể hoặc không thể “cứu hành tinh này,” nhưng chúng gần như chắc chắn sẽ phá hủy ngành nông nghiệp. Loại thực phẩm này cũng có thể hủy hoại sức khỏe của chúng ta. Lấy ví dụ như Impossible Burger, một mặt hàng thực phẩm mới sử dụng một số nguyên liệu không có trong nhà bếp thông thường. Hồi tháng Ba, như CNBC đã đưa tin vào thời điểm đó, Impossible Foods, công ty có trụ sở tại California đứng đằng sau loại bánh mì kẹp thịt này, đã thông báo rằng doanh thu bán lẻ quý 4 năm 2021 của họ đã tăng 85%. Những khoản lợi nhuận là lành mạnh, nhưng loại bánh mì kẹp thịt đó có lành mạnh cho sức khỏe không?
Theo Tiến sĩ Joseph Mercola, gần như chắc chắn là không. “Thử nghiệm cho thấy Impossible Burger chứa 11.3 ppb glyphosate,” ông Mercola lưu ý, trước khi cho biết thêm rằng “các nghiên cứu trên động vật cho thấy 0.1 ppb glyphosate có thể làm thay đổi chức năng của hơn 4,000 gen của gan và thận, đồng thời gây tổn thương nội tạng.”
Các tỷ phú có ảnh hưởng như Richard Branson và Bill Gates đang thúc đẩy việc chuyển sang thực phẩm không tự nhiên, cả hai vị này đều đã đầu tư một khoản tiền lớn vào các dự án nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với MIT Technology Review, ông Gates nói rằng các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ nên chuyển hoàn toàn sang thịt bò tổng hợp. Nhà hoạt động khí hậu này cũng dành riêng những lời khen ngợi cho Impossible Foods nói trên, một công ty mà ông đã tài trợ.
Khi chúng ta ngày càng xa rời đồ thật và dễ dàng đón nhận đồ không thật — thịt giả, sữa giả, tiêu chuẩn sắc đẹp nhân tạo, ngụy khoa học, tin tức giả, thế giới ảo mới (xem Metaverse) — thì đã đến lúc cần phải đặt ra những câu hỏi quan trọng. Nhân loại đang hướng về đâu? Đến một nơi mà máy bay không người lái thay thế nông dân và cháo do phòng thí nghiệm tạo ra thay thế thực phẩm thật, chính là nơi đó. Đến một nơi mà con người, cơ quan con người, và ý thức chung về mục đích bị loại bỏ khỏi sự cân bằng nông nghiệp.
Thực phẩm là thứ không chỉ giới hạn ở văn hóa, chính trị, và ý thức hệ. Đó là một trong số ít những điều mang lại cho chúng ta sự thoải mái chân thực.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times