Liệu các nghị sĩ ủng hộ ông Trump có thể bị truất quyền như ‘những kẻ nổi loạn không?’
Khi các đối thủ chính trị tuyên bố rằng những thành viên Quốc hội ủng hộ cựu Tổng thống (TT) Trump là “những kẻ nổi loạn” và do đó nên bị truất quyền tranh cử, thì đã đến lúc cần xem lại Hiến pháp xem nghĩa của từ “nổi loạn” là gì.
Khi một tuyên bố như vậy dựa trên một phiếu bầu duy nhất tại Quốc hội, thì đã đến lúc cần xem lại Điều khoản Phát ngôn và Tranh luận của Hiến pháp. Khi lại có một tuyên bố khác dựa trên một bài diễn thuyết trước công chúng, thì đã đến lúc xem lại Tu chính án thứ Nhất.
Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa–Indiana) là đối tượng của một vụ kiện tụng “truất quyền”. Dân biểu Madison Cawthorn (Cộng Hòa-North Carolina) là đối tượng của một vụ kiện khác.
Cáo buộc đối với ông Banks là, trong cuộc kiểm phiếu đại cử tri hôm 06/01/2021, ông đã bỏ phiếu để không đếm những đại cử tri mà ông cho rằng đã được bầu chọn bất hợp pháp. Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri của liên bang rõ ràng là cho phép một lá phiếu như vậy. Vậy mà người tố cáo ông Banks nói rằng đó là “sự nổi loạn”.
Cáo buộc đối ông Cawthorn là ông đã diễn thuyết trước đám đông ủng hộ ông Trump ở Hoa Thịnh Đốn vào cùng ngày hôm đó và điều này cũng tương tự như “sự nổi loạn”.
Những người tố cáo này dựa vào Mục 3 của Tu chính án thứ Mười Bốn. Mục 3 này có đoạn như sau: “Không người nào là một Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội… mà trước đây đã tuyên thệ, với tư cách là một thành viên Quốc hội… ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ, được phép tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại Hiến pháp.”
Tu chính án thứ Mười Bốn được Quốc hội đề xướng hồi năm 1866, và các tiểu bang đã hoàn thành việc phê chuẩn hồi năm 1868. (Đáp lại những kẻ mọt sách hiến pháp: Vâng, tôi biết việc phê chuẩn này đã gây ra tranh cãi.)
‘Sự nổi loạn’ có nghĩa là gì trong Hiến pháp?
Ngày nay chúng ta nghĩ về “sự nổi loạn” như một cuộc nổi dậy công khai chống lại chính phủ, thường là của những người cách mạng có vũ trang. Nếu chúng ta áp dụng định nghĩa hiện đại đó, thì rõ ràng, không ai trong số hai nghị sĩ này giống với nổi loạn cả. Không ai trong số họ là một phần của vụ xâm phạm Điện Capitol, và có rất ít bằng chứng cho thấy ngay cả những người đã vào Điện Capitol có ý định lật đổ chính phủ.
Tuy nhiên, khi áp dụng Hiến pháp, chúng ta không dựa vào các định nghĩa hiện đại. Chúng ta xem xét các định nghĩa từng có vào thời điểm khi bản tài liệu gốc — hoặc tu chính án có liên quan — được phê chuẩn. Hơn nữa, chúng ta giả định rằng khi một từ hoặc cụm từ trong một tu chính án cũng xuất hiện trong bản Hiến pháp gốc, thì từ hoặc cụm từ trong tu chính án đó cũng có nghĩa giống như trong văn bản gốc.
Thuật ngữ “sự nổi loạn” xuất hiện trong Điều I, Mục 8, Khoản 15 của Hiến pháp gốc. Khi Hiến pháp được phê chuẩn, cuốn “Từ điển tiếng Anh” nổi tiếng của Samuel Johnson là tác phẩm đứng đầu của loại hình này. Ông Johnson đã định nghĩa “nổi loạn là “một sự trỗi dậy mang tính nổi loạn, một sự náo động mang tính chống đối.” Ông mô tả “xúi giục nổi loạn” là “tạo chia rẽ bằng cách gây náo loạn, hỗn loạn.”
Khi diễn giải một từ trong hiến pháp, quý vị đừng bao giờ chỉ dựa vào một cuốn từ điển. Vì vậy, tôi đã kiểm tra một vài cuốn từ điển khác thuộc thế kỷ 18, và những cuốn từ điển đó đều đưa ra những định nghĩa tương tự.
Như quý vị có thể thấy, những người nói tiếng Anh ở thế kỷ 18 đã sử dụng từ “nổi loạn” theo một cách mơ hồ hơn chúng ta. Tuy vậy, trong định nghĩa của họ cần có một đám đông “trỗi dậy” trong “cuộc náo loạn” hoặc “hỗn loạn.” Một cuộc phản kháng đơn thuần không đủ điều kiện để trở thành một cuộc nổi loạn.
Rõ ràng, theo nghĩa của bản Hiến pháp gốc, thì phiếu bầu ở quốc hội của ông Banks không phải là “sự nổi loạn”.
Còn bài diễn thuyết của ông Cawthorn là gì? Hãy tìm hiểu về phiên bản tồi tệ nhất của nó mà chúng ta có thể. Nó nằm trong một bài viết nêu quan điểm thù địch trong một ấn phẩm thù địch — The New York Times.
“Trước khi xảy ra cuộc bạo loạn tại Điện Capitol, [ông Cawthorn] đã gặp gỡ những người lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình và đã đăng tweet rằng ‘tương lai của nền Cộng hòa này phụ thuộc vào hành động của một số ít người đơn độc. … Đã đến lúc chiến đấu,” bài bình luận viết.
“Ông ta đã diễn thuyết tại cuộc biểu tình trước cuộc tấn công ở công viên Ellipse, gần Tòa Bạch Ốc, nơi ông ấy giúp khiến cho đám đông trở nên điên cuồng, nói rằng đám đông có ‘chút [tinh thần] chiến đấu bên trong’ và Đảng Dân Chủ đang cố gắng bịt miệng họ. Và sau vụ bạo lực đám đông này, ông ta ca ngợi những kẻ bạo loạn là ‘con tin chính trị’ và ‘tù nhân chính trị,’ đồng thời gợi ý rằng nếu ông biết nơi họ bị giam giữ thì ông muốn ‘giải vây cho họ’.”
Đây có phải là sự nổi loạn không?
Thứ nhất, ông Cawthorn đã “gặp gỡ” những người lên kế hoạch cho cuộc biểu tình đó. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đang lên kế hoạch cho bất kỳ hành vi bạo lực hoặc gây rối loạn nào. Họ đang lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình ôn hòa, và trên thực tế, tuyệt đại đa số những người tham gia đã giữ thái độ ôn hòa — giống như Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu họ.
Một vài người bên ngoài nhóm lập kế hoạch chính thức này đã âm mưu gây rối loạn, nhưng không có cáo buộc nào nói rằng ông Cawthorn đã gặp họ, chứ đừng nói đến việc khuyến khích họ.
Thứ hai, chúng tôi được biết rằng ông Cawthorn đã viết trên Twitter rằng “đã đến lúc chiến đấu.” Nhưng như đã thấy trong phiên tòa luận tội ông Trump lần thứ hai, đây là lối nói thường thấy trong chính trị.
Thứ ba, ông Cawthorn bị buộc tội khuấy động đám đông. Nhưng đó là công việc của một diễn giả tại một cuộc tập hợp chính trị. Không ai được đặt vào một bục diễn thuyết chính trị và được yêu cầu là hãy tỏ ra nhàm chán.
Thứ tư, không có cáo buộc nào rằng ông Cawthorn đã kích động bạo lực hoặc có hành vi bất hợp pháp dưới bất kỳ hình thức nào.
Thứ năm, khi “cuộc hỗn loạn” xảy ra, nó không xuất phát từ những ai đã nghe bài diễn thuyết của ông ấy tại Ellipse mà là bắt đầu ở Điện Capitol, cách đó một dặm rưỡi.
Cuối cùng, ông Cawthorn sau đó tuyên bố rằng những người xâm nhập đó là tù nhân chính trị và ông muốn trả tự do cho họ (ông không nói rằng ông dự định làm điều đó). Tất nhiên, những tuyên bố sau đó của ông không thể kích động một cuộc nổi loạn đã kết thúc. Dù sao đi nữa, theo một cuộc thăm dò của Rasmussen, một nửa đất nước này đồng tình với ông Cawthorn, rằng những người xâm nhập đó vẫn đang bị giam giữ bởi vì họ là tù nhân chính trị.
Do đó, ngay cả những lời cáo buộc thiếu sự phản bác được nêu trong tờ báo NY Times thù địch cũng không phù hợp với định nghĩa mơ hồ của thế kỷ 18 về “sự nổi loạn”.
Nhưng liệu chúng ta có nên áp dụng một định nghĩa của thế kỷ 18 cho một tu chính án của thế kỷ 19 không? Tôi đã đề cập rằng giả sử một thuật ngữ của tu chính án được sử dụng giống như trong Hiến pháp gốc. Tuy nhiên, giả định đó có thể bị bác bỏ nếu có lý do chính đáng để làm như vậy.
Hãy xem liệu định nghĩa của thế kỷ 19 có khác với định nghĩa của thế kỷ 18 hay không. Vào thế kỷ 19, từ điển hàng đầu của Hoa Kỳ là của ông Noah Webster. Từ điển này định nghĩa “sự nổi loạn” như sau: “Một sự trỗi dậy chống lại chính quyền dân sự hoặc chính trị; sự phản đối công khai và tích cực của một số người đối với việc thực thi luật pháp ở một thành phố hoặc tiểu bang. Nó tương đương với sự xúi giục nổi loạn, ngoại trừ điều là sự xúi giục nổi loạn thể hiện sự trỗi dậy của các công dân ít rộng rãi hơn.”
Từ điển của Webster đã mô tả “sự xúi giục nổi loạn” là “một cuộc náo động gây chia rẽ của người dân, hoặc một đám đông hỗn loạn của những người nổi lên chống lại luật pháp hoặc sự thực thi công lý, và phá rối hòa bình công cộng.”
Tôi đã khẳng định rằng các từ điển thuộc thế kỷ 19 khác cũng có các từ tương tự.
Định nghĩa của thế kỷ 19 dường như đòi hỏi nhiều định hướng hơn so với định nghĩa của thế kỷ 18, cũng như sự phản kháng có tổ chức và bạo lực đối với luật pháp.
Thế thì chúng ta nên áp dụng định nghĩa mơ hồ hơn của thế kỷ 18 hay định nghĩa chặt chẽ hơn của thế kỷ 19 đây? Quý vị có thể đưa ra một lập luận đầy thuyết phục cho cái sau. Tu chính án thứ Mười Bốn không phải được thông qua để phản ứng với một cuộc bạo động đơn thuần, mà là để phản ứng với cuộc Nội chiến. Nếu quý vị hỏi những người phê chuẩn tu chính án này về ý nghĩa của “sự nổi loạn,” thì quý vị có thể sẽ biết rằng họ đang nghĩ đến Antietam và Gettysburg, chứ không phải là một cuộc náo động ở địa điểm cụ thể bởi những người không có vũ trang.
Phải thừa nhận rằng đó là sự suy đoán. Tôi sẽ cần phải nghiên cứu thêm trước khi có thể đưa ra ý kiến về việc liệu từ “nổi loạn” của Tu chính án thứ Mười Bốn nên được hiểu theo định nghĩa của thế kỷ 18 hay 19 hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều đó không thành vấn đề: Cả hành vi của ông Banks và ông Cawthorn đều không phù hợp với nghĩa của “sự nổi loạn.”
Điều khoản Phát ngôn và Tranh luận và Tu chính án thứ Nhất
Chúng ta không dừng lại ở đó. Chúng ta cũng nên xem xét loại người nào sẽ buộc tội như thế này.
Các hoạt động của ông Banks tại Quốc hội được bảo vệ bởi Điều khoản Phát ngôn và Tranh luận của Hiến pháp (Điều I, Mục 6, Khoản 1). Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng Điều khoản Phát ngôn và Tranh luận bảo vệ bất kỳ điều gì “nhìn chung đã được thực hiện trong một phiên họp của Hạ viện bởi một trong các thành viên liên quan đến công việc trước đó” — bao gồm cả việc biểu quyết.
Điều khoản Phát ngôn và Tranh luận là một phần cốt lõi trong di sản hiến pháp của chúng ta. Nó xuất phát từ Tuyên ngôn Nhân quyền của Anh Quốc năm 1689. Bản Tuyên ngôn của Anh này được áp dụng để ngăn các bạo chúa và các quan chức khác trừng phạt các thành viên của Nghị viện vì những gì họ nói hoặc cách họ bỏ phiếu. Những Bậc Quốc phụ của Hoa Kỳ đã sao chép nó vào Hiến pháp để bảo vệ các thành viên của Quốc hội khỏi sự trả đũa và đe dọa chính thức, bao gồm cả sự tố cáo ngược từ các hội đồng bầu cử tiểu bang không thiện chí.
Nói cách khác, khi những người tố cáo ông Banks tìm cách loại bỏ ông vì cách ông bỏ phiếu tại Quốc hội, thì họ có quan điểm tương tự như các bạo chúa của Anh Quốc.
Bài diễn thuyết của ông Cawthorn thuộc về một truyền thống hoàn toàn khác: “quyền tự do ngôn luận,” được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ. Ngay cả theo lời kể của The NY Times, ông Cawthorn đã không làm gì trái với Tu chính án thứ Nhất. Ông ấy không vu khống mọi người. Ông ấy không “hô hào” đám đông nổi dậy . Ông ấy không kích động bạo loạn. Bài diễn thuyết của ông chính xác là kiểu diễn đạt mà Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.
Điều này nói gì về những kẻ cáo buộc
Tất cả những chuyện này cho chúng ta biết điều gì về những người tố cáo ông Banks và ông Cawthorn? Họ rõ ràng chẳng biết gì về truyền thống hiến pháp của chúng ta. Họ cũng có ác ý: Họ tìm cách phủ nhận quyền ứng cử của những ứng viên không đồng thuận với họ. Và họ tìm cách phủ nhận cơ hội bỏ phiếu của người dân cho các ứng cử viên mà họ lựa chọn.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp, là nghiên cứu viên cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: