Liên minh của Trung Quốc với Nga là một mối đe dọa đối với thế giới tự do
Trong khi phương Tây vẫn đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine của nước này, thì chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra niềm nở với Nga, viện trợ cho Nga trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế và quân sự.
Hôm 01/09, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Hoa Kỳ Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) cho biết liên minh giữa Nga và Trung Quốc khiến ông lo lắng.
Ông nói với hãng thông tấn AP: “Tôi nghĩ là chúng ta chưa từng thấy mối đe dọa có quy mô lớn như vậy ở châu Âu và Thái Bình Dương kể từ Đệ nhị Thế chiến.”
Hỗ trợ kinh tế
Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Nga, trong 14 tháng từ tháng Hai năm 2022 đến tháng Ba năm nay, tổng vốn đầu tư vào Nga của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã tăng từ 2.2 tỷ USD lên 9.7 tỷ USD. ICBC và BOC chiếm 8.8 tỷ USD trong tổng số vốn đầu tư nói trên.
Ngoài ra, dữ liệu từ Trường Kinh tế Kyiv cho thấy, cũng trong khoảng thời gian 14 tháng này, mức độ tiếp xúc của Trung Quốc với lĩnh vực ngân hàng của Nga đã tăng gấp bốn lần. Các ngân hàng Trung Quốc đã và đang thay thế các ngân hàng phương Tây ở Nga. Các ngân hàng phương Tây đang chịu áp lực rất lớn từ các cơ quan quản lý và giới chính trị gia của nước họ nhằm buộc họ rút khỏi Nga, trong khi các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Ngoài việc cho Nga vay hàng tỷ dollar qua ngân hàng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn viện trợ cho Nga trong lĩnh vực quân sự và công nghệ.
Viện trợ quân sự và mục tiêu của ĐCSTQ
Hồi tháng Bảy, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo (pdf) cho biết ĐCSTQ đang cung cấp công nghệ và thiết bị cho Nga, và Trung Quốc ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong nỗ lực chiến tranh của Nga.
Trích dẫn phân tích của nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba về dữ liệu quan thuế chính thức của Nga, báo cáo cho biết tính đến tháng Ba năm nay, ĐCSTQ đã vận chuyển phi cơ không người lái và các bộ phận của phi cơ không người lái trị giá hơn 12 triệu USD sang Nga. Báo cáo cũng cho biết, các công ty công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã và đang cung cấp các sản phẩm có mục đích lưỡng dụng, trong đó có thiết bị định vị, thiết bị gây nhiễu liên lạc, và các bộ phận radar di động cho các công ty công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước bị trừng phạt của Nga.
Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ở Hawaii, nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ cung cấp phi cơ không người lái và các bộ phận phi cơ không người lái cho Nga cho thấy Bắc Kinh muốn Moscow tiếp tục chiến đấu và muốn “một mũi tên trúng hai đích.”
“Suy lý và lập luận của giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ dựa trên những cân nhắc về mặt quân sự mà còn dựa trên những cân nhắc về mặt địa chính trị,” ông Schuster nói. “Về mặt quân sự, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác xem cuộc chiến này như một phòng thí nghiệm để kiểm tra và thử nghiệm các chiến thuật và hệ thống mới. PLA [Quân Giải phóng Nhân dân] và các nước khác đang nghiên cứu việc sử dụng phi cơ không người lái, việc sử dụng các vệ tinh thương mại, và mạng lưới của cả hai bên cũng như các chiến thuật và vũ khí chống phi cơ không người lái.”
Ông lập luận: “Về mặt chiến lược và ngoại giao, vật tư và quân nhu phục vụ cho quân đội sẽ củng cố liên kết đối tác Trung–Nga, duy trì nỗ lực chiến tranh của Nga, đồng thời chuyển sự chú ý cũng như nguồn lực của Hoa Kỳ ra khỏi châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Schuster còn cho biết công nghệ quân sự do ĐCSTQ cung cấp có vai trò quyết định đến sự thành bại của chiến tranh Nga–Ukraine.
“Phi cơ không người lái đã trở thành một công cụ thiết yếu trong chiến tranh hiện đại, vừa là vũ khí vừa là nền tảng trinh sát,” ông nói. “Ngoài ra, thiết bị gây nhiễu rất quan trọng trong việc làm suy giảm khả năng giám sát không phận và chỉ huy lực lượng của kẻ thù. Thiết bị dẫn đường cho phép quân đội của họ trở nên cơ động với độ chính xác cao hơn. Điều đó cải thiện đáng kể khả năng phối hợp của các lực lượng chiến đấu. Cuối cùng, vũ khí chính xác đòi hỏi các hệ thống định vị rất tân tiến, và các đơn vị sử dụng những loại vũ khí này cũng phải có trình độ rất cao.”
Lợi dụng chiến tranh Nga-Ukraine để tầm cầu ngôi bá chủ
Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cũng cho biết, xuất cảng chất bán dẫn của Trung Quốc sang Nga đã tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2021, cụ thể là “các loại chất bán dẫn do Hoa Kỳ sản xuất hoặc mang thương hiệu Hoa Kỳ trị giá hàng trăm triệu dollar đang chảy vào Nga bất chấp các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất cảng.”
Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics kiêm cộng tác viên của The Epoch Times, nói rằng việc ĐCSTQ chuyển giao các thiết bị quan trọng của Hoa Kỳ cho quân đội Nga là không thể chấp nhận được.
Ông Corr nói: “Phía Mỹ nên đề nghị Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của chúng ta áp đặt các biện pháp kiểm soát công nghệ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Những biện pháp kiểm soát này cũng nên áp dụng cho Hồng Kông và Ma Cao, cả hai khu vực này đều do Bắc Kinh quản lý và do đó phải chịu chung số phận với Trung Quốc.”
Ông Corr nói: “Việc Trung Quốc viện trợ trang bị thiết bị quân sự cho quân đội Nga không có gì đáng ngạc nhiên vì Bắc Kinh đã ủng hộ Moscow từ lâu.”
“ĐCSTQ đã không lên án cuộc xâm lược này vì họ thực sự ủng hộ cuộc xâm lược đó,” ông giải thích. “ĐCSTQ cho rằng chiến tranh ở những nơi khác trên thế giới sẽ làm suy yếu phần còn lại của thế giới và giúp Đảng này dễ dàng giành được quyền bá chủ trong khu vực và sau đó là trên toàn cầu, vốn là mục tiêu dài hạn của họ.”
Mới đây ông McCaul cho biết liên minh giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin mang lại một thách thức rất lớn cho thế giới tự do.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times