Liên Hiệp Quốc: Số người phải đi tị nạn đã vượt mốc 100 triệu
BERLIN – Hôm thứ Hai (23/05), cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết, số người buộc phải đi tị nạn khỏi các xung đột, bạo lực, những hành vi vi phạm nhân quyền, và đàn áp đã vượt mốc 100 triệu người lần đầu tiên kể từ khi được ghi nhận, do cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc xung đột gây thương vong khác.
“Một trăm triệu là một con số đáng kinh ngạc — nghiêm trọng và đáng báo động ở mức độ tương đương,” Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi nói. “Đó là một kỷ lục đáng lẽ không bao giờ nên được thiết lập.”
Ông Grandi cho biết thêm: “Đây phải là một hồi chuông cảnh tỉnh để giải quyết và ngăn chặn các cuộc xung đột mang tính hủy diệt, chấm dứt sự đàn áp và giải quyết các nguyên nhân căn bản buộc những người vô tội phải rời bỏ nhà cửa của họ.”
UNHCR cho biết, số người phải bị buộc phải đi tị nạn trên toàn thế giới gần đạt đến 90 triệu người vào cuối năm 2021, được thúc đẩy bởi làn sóng bạo lực mới hoặc xung đột kéo dài ở các quốc gia như Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan, và Congo.
Kể từ đó, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hơn 6 triệu người phải rời bỏ đất nước và 8 triệu người nữa phải đi tị nạn bên trong lãnh thổ Ukraine.
Con số 100 triệu này đại diện cho hơn 1 phần trăm dân số toàn cầu và bao gồm những người tị nạn và người xin tị nạn cũng như những người phải di cư bên trong chính đất nước của họ do xung đột — một con số mà Trung tâm Giám sát Di cư Nội địa (IDMC) gần đây đưa ra là 53.2 triệu — UNCHR cho biết trong một tuyên bố
“Phản ứng của quốc tế đối với những người chạy khỏi chiến tranh ở Ukraine là rất tích cực,” ông Grandi nói. “Lòng nhân ái vẫn còn và chúng ta cần một sự huy động tương tự cho tất cả các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới.”
Tuy nhiên, ông Grandi chỉ ra rằng sau cùng thì “viện trợ nhân đạo là một biện pháp giảm thiểu, không phải là một phương thức cứu chữa.”
Ông Grandi nói: “Để đảo ngược xu hướng này, câu trả lời duy nhất là hòa bình và ổn định để những người vô tội không bị buộc phải đánh cược giữa nguy cơ cấp bách ở quê nhà hoặc việc phải bỏ chạy và sống một cuộc sống lưu vong bấp bênh.”
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: