Liên Hiệp Quốc: Cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ có thể được quy là tội ác phản nhân loại
Theo một báo cáo mới của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) của Liên Hiệp Quốc, một số “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” có thể đã được thực hiện nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc.
Báo cáo dài 48 trang (pdf) được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet công bố hôm 31/08, chỉ vài giờ trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ. Bà Bachelet đã bị chỉ trích vì lập trường “mềm mỏng” đối với Trung Quốc và không xem trọng các hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trung Quốc đã phản đối việc công bố báo cáo, công bố kết quả của một cuộc điều tra của Ủy ban này, trong đó phát hiện ra bằng chứng cho thấy phần lớn các nhóm dân tộc thiểu số mà người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại tập trung, lao động cưỡng bức, bị lạm dụng tình dục, bị chia cắt khỏi gia đình, và bị tra tấn. Báo cáo cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng luật an ninh quốc gia không rõ ràng để trấn áp quyền lợi của người thiểu số, đồng thời thiết lập “các hệ thống giam giữ tùy tiện”.
Các cáo buộc về hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác lần đầu tiên được nhận được sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2017. Theo báo cáo, những cáo buộc đó chủ yếu nằm trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc “áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chiến lược chống ‘chủ nghĩa cực đoan’”.
Các nhà điều tra tại Liên Hiệp Quốc đã xem xét các tài liệu tài liệu liên quan đến các cáo buộc nói trên, đặc biệt chú ý đến luật pháp, chính sách, dữ liệu và tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Theo báo cáo, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền cũng “yêu cầu cung cấp thông tin, đồng thời tham gia vào các cuộc đối thoại và trao đổi kỹ thuật với Trung Quốc trong suốt quá trình [điều tra].”
Họ đã phát hiện ra “bằng chứng đáng tin cậy” về hành vi tra tấn tại nơi gọi là Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Kỹ năng Nghề (VETC) ở Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019, vốn có thể tương đương với “tội ác phản nhân loại”. Bắc Kinh đã bảo vệ các trung tâm này, nói rằng những người ở bên trong các cơ sở đó đang được học ngoại ngữ và kỹ năng nghề.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, “2/3 trong số 26 người từng bị giam giữ” được các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc “phỏng vấn cho biết đã bị đối xử ở một mức độ tương đương với tra tấn và/hoặc các hình thức đối xử tệ bạc khác,” cả ở trong VETC hay ở “trong quá trình chuyển đến các cơ sở VETC.”
‘Tra tấn hoặc đối xử tệ bạc’ tại ‘trung tâm đào tạo’
Những người bị giam giữ trong VETC đã ghi lại cách họ bị đối xử bao gồm “tra tấn hoặc đối xử tệ bạc, trong đó có điều trị y tế bắt buộc và bị giam giữ trong những điều kiện bất lợi”, cũng như “các cáo buộc về các vụ xâm hại cá nhân như bạo lực tình dục và bạo lực giới tính”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng “hệ thống luật chống khủng bố” bao gồm luật chống khủng bố và luật an ninh quốc gia mơ hồ vốn phân biệt đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác, dẫn đến “những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Báo cáo nêu rõ, “Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số mà người Hồi giáo chiếm phần lớn khác, theo luật và chính sách, xét đến những hạn chế và việc tước bỏ các quyền căn bản được hưởng theo diện cá nhân hay diện tập thể, có thể cấu thành tội quốc tế, đặc biệt là tội ác phản nhân loại.”
Liên Hiệp Quốc đề nghị chính quyền Trung Quốc cần lập tức đưa ra các biện pháp và hành động để trả tự do cho “tất cả những người bị tước quyền tự do một cách tùy tiện” và thông báo cho gia đình những người mất tích ở Tân Cương về nơi người nhà họ đang ở để họ có thể tạo dựng “các kênh liên lạc và đi lại an toàn tạo điều kiện cho các gia đình được đoàn tụ.”
Cơ quan này cũng đề nghị rằng ĐCSTQ nên “tiến hành một cuộc thẩm định toàn diện theo khuôn khổ pháp lý về quản lý an ninh quốc gia, chống khủng bố, và quyền của người thiểu số” ở Tân Cương để “bảo đảm họ tuân thủ luật nhân quyền quốc tế ràng buộc, cũng như mau chóng bãi bỏ tất cả các luật, chính sách phân biệt đối xử, và các hoạt động chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số mà người Hồi giáo chiếm phần lớn khác.”
Báo cáo này là một ‘yếu tố thay đổi cuộc chơi’
Báo cáo ngày 31/08, được thực hiện trong ba năm, ngay lập tức bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ như là một chiến dịch bôi nhọ, theo đó nhà cầm quyền đã phủ nhận tất cả các cáo buộc lạm dụng và khẳng định rằng các trại tập trung này được sử dụng với mục đích chống khủng bố.
“Cái gọi là ‘bản đánh giá’ này là một tài liệu được chính trị hóa, vốn bỏ qua sự thật, và để lộ rõ ràng ý đồ sử dụng nhân quyền như một công cụ chính trị của Hoa Kỳ, các nước phương Tây cũng như các lực lượng chống Trung Quốc”, Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố dông dài, đồng thời nói thêm rằng “tất cả các nhóm dân tộc, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, đều là thành viên bình đẳng của dân tộc Trung Hoa.”
Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, một nhóm bảo trợ đại diện cho khoảng 60 tổ chức, đã hoan nghênh báo cáo này, đồng thời kêu gọi một “phản ứng cấp bách để chấm dứt các hành động tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ.”
“Đây là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với phản ứng quốc tế về cuộc khủng hoảng người Duy Ngô Nhĩ,” Giám đốc Điều hành Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ Omer Kanat cho biết trong một tuyên bố . “Dù chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng để phủ nhận, nhưng Liên Hiệp Quốc hiện đã chính thức công nhận rằng những tội ác kinh hoàng đang xảy ra”.
Bà Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nói với The Associated Press rằng những phát hiện của báo cáo cho thấy “lý do tại sao mà chính phủ Trung Quốc lại kịch liệt phản đổi việc công bố” báo cáo này như vậy.
Bà nói: “Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên sử dụng báo cáo này để bắt đầu một cuộc điều tra toàn diện về tội ác phản nhân loại của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và những người khác — đồng thời buộc những người thực hiện phải chịu trách nhiệm.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times