Leonardo da Vinci – Một thánh nhân về nghệ thuật
Nghệ thuật cổ điển không chỉ là lịch sử — mà còn là câu chuyện của hôm nay. Nó có sức mạnh giúp chúng ta thăng hoa và lay động tâm hồn.
Bức họa “Thánh Jerome cầu nguyện trong hoang dã” (Saint Jerome Praying in the Wilderness) của Leonardo da Vinci là một minh chứng; tranh được mượn từ Bảo tàng Vatican. Đó là nhân vật chính duy nhất trong triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan: “Leonardo da Vinci’s St. Jerome”. Triển lãm kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa.
Trong khi các nhà sử học tranh luận sôi nổi về quyền tác giả đối với nhiều bức tranh có phải của Leonardo hay không, thì tác phẩm này là một trong sáu họa phẩm hoàn hảo để tôn vinh vị thiên tài vì rất nhiều lý do. Nó thậm chí còn có dấu vân tay của Leonardo lưu lại trên đó; danh họa thường sử dụng ngón tay và lòng bàn tay làm nhòe sơn để tạo hiệu ứng mềm mại.
Carmen Bambach, giám tuyển của triển lãm, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại cho biết: “Có một điều thực sự khiến người xem xúc động khi họ biết rằng có dấu vân tay của nghệ sĩ trên đó.”
Ngoài ra, bức “St. Jerome” còn khắc hoạ tâm hồn nhiều xúc cảm của ông; nó thậm chí có thể cho thấy một mục đích khác trong nghệ thuật của Leonardo — giúp chúng ta kết nối với Đấng Sáng Tạo.
Bambach nhận định: “Điều thực sự quan trọng là thưởng lãm bức tranh “St. Jerome” và bức tranh đó kể cho chúng ta biết nhiều về đời sống tâm linh của Leonardo.”
Giống như một tín đồ tâm linh, luôn cố gắng trở nên tốt hơn, bức tranh còn dang dở và đang trong quá trình hoàn thiện. Leonardo bắt đầu vẽ bức tranh vào khoảng năm 1483 và vẽ trong ba thập kỷ tiếp theo. Từ năm 1510 đến năm 1511, Leonardo tập trung phác thảo các bản vẽ giải phẫu học, minh họa chân thực cấu trúc cơ và xương của con người. Những phát triển về nghệ thuật này có thể được nhìn thấy trong “St.Jerome”.
Bambach nói: “[Bức tranh] dang dở đưa chúng ta đến rất gần với tâm trí của bậc thiên tài. Vì St. Jerome chỉ mặc một bộ quần áo rách rưới, nên có cơ hội để người thợ cả thể hiện tài năng giải phẫu của mình. Ông ấy thực hiện rất xuất sắc, đặc biệt là phần đầu, cổ và vai của vị Thánh.”
Không gian trang nghiêm
Cách trình bày và lựa chọn tranh của triển lãm bày tỏ lòng kính trọng đối với một phong tục cổ xưa. Trong thời kỳ Phục Hưng, tại đám tang của các nghệ sĩ Ý vĩ đại như Michelangelo và Raphael, người ta sẽ trưng bày một trong những tác phẩm tâm huyết của nghệ sĩ.
“Saint Jerome cầu nguyện trong hoang dã” được trưng bày một mình trong triển lãm và nó “được chiếu sáng trong một không gian tối tăm để tăng thêm chiều sâu suy tư mà Leonardo đã chủ tâm muốn thể hiện trong tranh”, thông cáo báo chí của triển lãm cho biết.
Bambach cho biết: “Cách mà chúng tôi hiểu nó tại The Met là tạo ra một khung cảnh giống như nhà nguyện, một không gian tôn nghiêm để giới thiệu tác phẩm này, để thể hiện sự long trọng của một ngày giỗ.”
Khung cảnh tịch mịch, thân mật của triển lãm cũng phản ánh chân dung độc đáo của Leonardo về Thánh Jerome, tương phản với các hình mẫu được miêu tả trong lịch sử. Vị thánh sống vào thế kỷ thứ tư này được biết đến nhiều nhất với tư cách là một tấm gương về đạo đức Cơ Đốc Giáo và về bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái sang tiếng Latinh. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là trong thời Trung cổ, đã vẽ Thánh Jerome dịch Kinh Thánh một cách thành tâm. Ngài thường đội mũ hồng y và mặc quần áo, mặc dù chức vụ này vẫn chưa tồn tại trong dòng Công Giáo.
Tuy nhiên, Leonardo đã khắc họ Thánh Jerome từ một câu chuyện trong văn bản thế kỷ 13 có tiêu đề “Huyền thoại vàng”, một bộ sưu tập tiểu sử của các vị thánh. Từ bản văn, Thánh Jerome lang thang trong sa mạc như một người khổ hạnh; ông gặp một con sư tử với cái gai trên chân. Thánh đã giúp lấy cái gai ra và nó trở thành bạn đồng hành suốt đời của ngài.
Trong tranh “Thánh Jerome cầu nguyện trong hoang dã” của Leonardo, Thánh Jerome ngồi trong một hang động, dùng một tảng đá đập vào ngực mình, một nghi thức sám hối phổ biến. Những nghi lễ như vậy nhằm xóa bỏ tội lỗi về thân xác, những gì Jerome đã gây ra trước khi trở thành một tín đồ theo Đạo Cơ Đốc. Dưới chân ông là người bạn đồng hành, con sư tử. Thánh Jerome, trong trạng thái nửa mê, nhìn lên cây thánh giá.
“Những gì Leonardo quyết định làm là cắt bỏ hoàn toàn câu chuyện,” Bambach nói. “[Bức tranh nói về trạng thái thể hiện sự tôn kính] của ông ấy… Lời cam kết với một cây thánh giá thực sự là chủ đề kỳ bí về vị thánh.”
Những gì tôi thấy từ nghệ thuật của Leonardo là một nhân vật sùng Đạo và tình cảm, không bị ràng buộc bởi hình thức của Nhà thờ. Đây là hình ảnh mô tả Thánh Jerome trong trạng thái trần trụi, thô sơ nhất của ông theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen: Ông không được trang điểm trong lễ phục của Nhà thờ; và ông ta chỉ đơn giản là kính Thần, kết nối trực tiếp với Chúa. Linh hồn của vị thánh và mối liên hệ với Đức Chúa Trời tạo nên sức hấp dẫn và nền tảng. Nó nói lên sự tận tâm của họa sĩ, cũng như đối với Thánh Jerome.
Bambach nói: “Bây giờ, với tư cách là một nhà sử học, thật khó để tôi không nhìn ra được sự mãnh liệt trong tinh thần nghệ sĩ của Leonardo”.
J.H. White
Thanh Mai biên dịch
Xem thêm: