Newton, Shakespeare, Leonardo da Vinci đã làm gì khi trải qua bệnh dịch
Giá lạnh biết tùng bách, ôn dịch tạo anh tài
Newton, Shakespeare và Leonardo da Vinci, ba người này có điểm gì chung? Họ đều đã từng trải qua trận đại dịch và họ đã tận dụng rất tốt thời gian “cách ly xã hội” khi gặp đại dịch. Chuyên tâm sáng tác, sau khi “xuất quan”, họ đều tỏa sáng rực rỡ và tạo phúc cho nhân loại.
Virus Trung Cộng (bệnh viêm phổi ở Vũ Hán) đã thay đổi cuộc sống của hầu hết mọi người. Chúng ta bị yêu cầu ở nhà, tự cách ly và mọi hoạt động xã hội bị đình chỉ. Những người quen với việc vội vã bắt kịp thời gian biểu dường như rơi vào trạng thái không trọng lượng, lơ lửng trên không và mất mục tiêu.
Nhà tâm lý học người Mỹ Joan Rosenberg từng chỉ ra rằng đây là cảm giác mất mát và là bình thường. Chúng ta thực sự đã đánh mất trạng thái bình thường của cuộc sống con người, nhưng đây không hẳn là một điều xấu. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Những đám mây đen thường được dát bằng những viền bạc rực rỡ.” Tất cả chúng ta đều có thể tập luyện tìm cảm hứng trong những tình huống khó khăn và sống vì những điểm sáng của mình. Trong lịch sử đã từng xuất hiện rất nhiều lần bệnh dịch lớn, vào thời điểm đó người ta đối mặt với nó như thế nào?
Ôn cố tri tân, chúng ta sẽ dựa vào niên đại để xem xem trải nghiệm của nhà bác học Newton, đại văn hào Shakespeare, và danh họa Leonardo da Vinci. Trước tiên hãy bắt đầu với Newton, người gần nhất với chúng ta.
Newton: Những ngày đó là thời kỳ đỉnh cao về phát minh của tôi
Bệnh dịch hạch bùng phát ở Cambridge, Anh Quốc vào năm 1665, là bệnh dịch từ khu vực London lan đến. Học viện Trinity College của Đại học Cambridge cũng đóng cửa. Tất cả các giảng viên, nhân viên, sinh viên và cư dân đều tránh ra ngoại ô và thực hiện “cách ly xã hội”. Vị học sĩ trẻ tuổi Isaac Newton là một trong số đó, năm đó ông 22 tuổi. Ông trở về quê nhà của mình, tiến hành “bế quan” ở trang viên Woolsthorpe (Woolsthorpe Manor) của gia đình.
Trang viên Woolsthorpe ở hạt Lincolnshire. Hạt Lincolnshire cách trường đại học 60 dặm về phía bắc. Newton ở đây khoảng hai năm.
Trong một môi trường thanh tịnh, biệt lập này, Newton không phải lên lớp, cũng không có các hoạt động xã hội, càng không có điện thoại di động hay Internet. Nhưng thật ra đầu óc ông không hề nhàn rỗi chút nào, ông có rất nhiều chủ đề muốn suy nghĩ và khám phá. Nghiên cứu chuyên sâu trong thời kỳ này đã thực sự có kết quả rực rỡ. Về mặt toán học, ông đã phát triển được các mô hình vi tích phân, hình học giải tích của thời hiện đại; thiết kế thí nghiệm để đo lường trọng lực, ấp ủ khái niệm định luật hấp dẫn. Ông cũng làm thí nghiệm quang học trong phòng ngủ. Ông xỏ một lỗ nhỏ trên lá cửa chớp, để ánh sáng trắng chiếu vào, sau đó ông dùng lăng kính để quan sát những biến hóa màu sắc trong quang phổ được nhìn thấy.
Sau này, ông nhớ lại khoảng thời gian này và nói rằng đây là “những năm tháng diệu kỳ” (tiếng Latinh: Annus Mirobilis, tiếng Anh: Years of Wonders).
“Thời kỳ đó là đỉnh cao trong phát minh của tôi, và sự chú ý sâu sắc của tôi đến toán học và triết học là chưa từng có.”
“Đại ôn dịch London” (The Great Plaque), bắt đầu từ năm 1665, lây lan trong khoảng từ năm 1665 đến năm 1666, một phần tư dân số Anh đã bị nhiễm bệnh và chết. Đây là trận ôn dịch gây chết người lớn nhất ở Anh sau dịch bệnh Cái chết Đen vào thế kỷ 14.
Năm 1667, sau khi trở lại Cambridge, Newton đã công bố lượng lớn các luận văn và trở thành viện sĩ sáu tháng sau đó; hai năm sau ông trở thành giáo sư. Trong suốt cuộc đời của mình, ông tiếp tục nghiên cứu về các chủ đề như vật chất, thời gian, quang học, màu sắc, v.v.
Shakespeare: Giai đoạn lánh nạn đã hoàn thành ba vở bi kịch
William. Shakespeare (William Shakespeare) đã trải qua nhiều lần dịch bệnh trong đời. Được biết, kỳ thực bản thân ông là một người sống sót sau bệnh dịch khi vừa được sinh ra. Trong trận dịch quét qua London, nhiều người thân của Shakespeare đã nhiễm bệnh và qua đời bao gồm cả con trai của ông.
Để tránh dịch lây lan, các rạp chiếu phim thường là những nơi đầu tiên bị bắt buộc đóng cửa. Nhà hát kịch Globe (Nhà hát Hoàn Cầu) ở London nơi Shakespeare diễn kịch đã từng bị đóng cửa ngừng diễn vào các năm 1593, 1603 và 1606. Theo tài liệu ghi lại, lúc cao điểm có đến 60% thời gian không thể biểu diễn được. Đoàn kịch đành phải đi khắp nơi và biểu diễn ở nhiều làng khác nhau. Các thành viên trong đoàn trong lòng đều cầu nguyện, chỉ mong rằng những ngôi làng mình đến chưa bị dịch bệnh lan tới, cũng có nhiều diễn viên đã phải rời đoàn bắt đầu lại từ đầu, đổi làm nghề khác.
Lúc này, Shakespeare chuyển sang tập trung sáng tác. Các tác phẩm “Vua Lia”, “Macbeth” và “Antony và Cleopatra” theo suy đoán có lẽ đều được hoàn thành vào thời gian này. Thời kỳ tránh nạn trầm luân này cũng là thời kỳ sáng tác rực rỡ của ông.
London khi đó đang bị dịch hạch hoành hành, thảm trạng của thành phố vô cùng kinh khủng. Không có cống thoát nước, rác thải được đổ thẳng xuống sông Thames, không khí đục ngầu và bẩn thỉu. Những người bị nhiễm dịch hạch sẽ bị bệnh và chết trong vòng ba hoặc bốn ngày, bị trương tấy bốc mùi hôi thối và lan rộng.
Có lẽ chính là bầu không khí thê lương như vậy, nên cả ba vở kịch này đều là bi kịch nổi tiếng.
“Vua Lia”
Khi Vua Lia (King Lear) của Vương quốc Anh về già, ông đem giang sơn phân cho con gái lớn và con gái thứ hai nhanh mồm nhanh miệng và giỏi a dua nịnh nọt. Công chúa thứ ba Cordelia, với tấm lòng lương thiện nhưng không biết nói lời ngọt ngào, đã khiến người cha cáu kỉnh của cô tức giận, vì thế đã tước quyền thừa kế của cô. Sau đó, hai cô con gái lớn đã trở mặt không chịu thừa nhận cha, ngược đãi, lăng nhục và bắt nạt cha. Vua Lia vô cùng hối hận và trở nên điên loạn, chạy vào rừng và trong cuồng phong bão vũ ông đã gào lên, “Báo thù! Bệnh dịch! Cái chết! Mê hoặc!”, quả thực khiến người ta xót xa. Sau đó, ba công chúa xuất hiện và đối xử tử tế với nhau, từ từ có chuyển biến. Nhưng sau đó, Cordelia đã bị giết trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực của triều đình, và vua Lia cũng chết trong bi thương. Cao trào của kịch bản liên tục xuất hiện, khiến người ta kinh tâm động phách. Tác phẩm được công nhận là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của Shakespeare.
“Macbeth”
Tướng quân người Scotland Macbeth ham muốn quyền lực, và dưới sự giật dây của vợ là phu nhân Macbeth, đã giết vua để soán vị một cách không có lương tâm. Trước khi Macbeth muốn giết Vua Duncan của Scotland, ông đã rất do dự, ông nói rằng ông sợ “bệnh dịch sẽ nhiễm cho kẻ khởi lên âm mưu này”, nhưng rốt cuộc bị vợ mỉa mai thúc giục và ông đã ra tay sát hại.
Trong vở kịch, một mặt cặp vợ chồng Macbeth ham muốn quyền lực, mặt khác thì lương tâm bất an, ma quỷ bức bách, cuối cùng hoảng hốt lo sợ, vở kịch diễn tả nội tâm rất sâu sắc. Bà phù thủy đã tiên đoán rằng khi Khu Rừng Đen chuyển động, đó sẽ là ngày Macbeth bị diệt vong. Kết quả là quân khởi nghĩa thực sự yêu cầu binh sĩ buộc cành cây rừng trên đầu làm ngụy trang, nhìn từ xa trông như khu rừng đang chuyển động, vô cùng thần bí và có hiệu ứng siêu tả thực. Cho nên trong những năm đầu, vở kịch này còn được dịch thành “Sự phục sinh của khu rừng”.
“Anthony và Cleopatra”
Vị tướng của Rome, Anthony, mê đắm sắc đẹp của nữ hoàng Cleopatra, vui thú quên cả lối về, và cuối cùng quyết định từ bỏ đất nước và gia đình của mình, dẫn đến cuộc chinh chiến. Anthony xuất trận với đầu óc mê mụ, dẫn đến thất bại và tự sát chết. Thư thỉnh cầu đầu hàng của Cleopatra bị từ chối và bà đã tự sát bằng cách hôn lên con rắn độc. Người ta nói rằng nhiều khả năng bà đã bị vị tướng La Mã Octavius sát hại. Các chủ đề về cuộc đấu tranh của con người giữa sự vui hưởng vinh hoa phú quý và chức trách đối với quốc gia đều rất sâu sắc và rắc rối phức tạp.
Những câu chuyện này đã diễn giải sâu sắc lịch trình con người vì nhược điểm của mình mà rơi vào bi kịch. Nó cũng miêu tả một cách tỉ mỉ chân lý của thiện ác hữu báo, khiến con người tỉnh ngộ. Shakespeare không hổ thẹn là một bậc kỳ tài, trong giai đoạn trầm mịch này, ông đã nghỉ ngơi lấy sức và đã cho ra đời những kiệt tác trong lịch sử văn học.
Da Vinci: Vì dịch bệnh tàn phá MiLan mà làm quy hoạch đô thị
Câu chuyện tiếp theo đưa chúng ta đến Milan, Ý vào năm 1485. Vào thời điểm đó, họa sĩ/nhà điêu khắc/nhà phát minh nổi tiếng Leonardo da Vinci làm việc cho Công tước Ludovico Sforza ở Milan.
Milan khi đó đang bị tàn phá bởi bệnh dịch hạch xảy ra khoảng từ năm 1484 đến năm 1485, khiến tổng cộng 50,000 người chết, khoảng một phần ba dân số Milan.
Da Vinci đã tận mắt thấy được thảm trạng của thành phố Milan chật hẹp, bẩn thỉu và đông đúc bị bệnh dịch hoành hành, trong lòng bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để cải thiện cấu trúc quy hoạch đô thị, để thành phố có thể phục hồi và trở nên lành mạnh hơn trong tương lai. Các ý tưởng của ông bao gồm sự tích hợp của các kênh đào và đường nước ngầm, sự phát triển theo chiều dọc của thành phố đến những nơi cao, mở ra làn đường dành cho người đi bộ v.v.
Vào thế kỷ 15, Da Vinci đã hình dung ra nhiều vấn đề mà các thành phố lớn phải đối mặt. Từ các bản vẽ tay và các chú thích bản thảo của ông, có thể thấy, trong quy hoạch bao gồm: giao thông, đường nước ngầm, khu vực mới cũ cùng tồn tại, sự phát triển về nhân khẩu v.v. Hơn nữa ông nhấn mạnh nhiều hơn và đồng đều về sự sạch sẽ, tính thẩm mỹ và hiệu quả. Mặc dù ý tưởng quá cấp tiến (trong con mắt thời đại khi đó) của ông không được thực hiện ngay lập tức, nhưng quy hoạch đô thị đương đại có rất nhiều điều để học hỏi. Việc kiến thiết lại Paris vào thế kỷ 19 và ý tưởng của Leonardo có điểm chung một cách kỳ diệu. Bậc thầy đa tài đa nghệ thời văn hóa phục hưng này một lần nữa chứng minh rằng những sáng kiến trác việt của ông đã đi trước thời đại nhiều thế kỷ.
Khó khăn hiện nay hạn chế các hoạt động đông người, khi đơn độc tịch mịch, lại vừa khéo có thể tĩnh tâm lại, điều chỉnh tâm thái. Như vậy, những hạn chế do dịch bệnh gây ra vừa hay là thời cơ tốt để chúng ta rèn luyện sức mạnh của mình. Nhìn lại ba câu chuyện trên, ba vị danh sư trong lúc khốn khó đã thiện dụng tất cả những gì của mình, phát huy hết được những khả năng thiên phú của họ, đợi sau khi đại dịch qua đi, gươm báu sẽ xuất thế và tỏa sáng rực rỡ.
“Trong họa có phúc!” Xem ra, việc “cách ly xã hội” do virus Trung Cộng gây ra có thể không đáng sợ như vậy. Hoặc giả còn có thể là thời điểm tuyệt vời để bạn và tôi khám phá bản thân!
Do Moli thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: