Lệnh cấm đối với hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất làm chậm tiến độ nhập cảng sản phẩm quần áo
The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin cho biết việc tăng cường thực thi lệnh cấm đối với các sản phẩm nhập cảng do lao động cưỡng bức sản xuất đã dẫn đến việc hàng hóa đình trệ và khiếu nại từ các nhà nhập cảng.
Các nhân viên Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) chịu trách nhiệm thực thi lệnh cấm đối với hàng hóa, chẳng hạn như bông và các sản phẩm cà chua từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức. WSJ đưa tin các lệnh cấm lần đầu tiên được ban hành dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump trong một nỗ lực loại bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng nhập cảng.
Lệnh cấm bông từ khu vực này đã có tác động đến các nhà bán lẻ phụ thuộc nhiều vào mặt hàng trên và phải chứng minh chuỗi cung ứng của họ không dựa vào lao động nô lệ, WSJ cho biết. Các nhà nhập cảng có 3 tháng kể từ thời điểm bị tạm giữ [hàng hóa] để chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn CBP, nếu không đạt, hàng sẽ được xuất cảng hoặc hủy bỏ.
WSJ đưa tin, theo tài liệu nội bộ của CBP, nhà bán lẻ Uniqlo Co đã có lô hàng áo sơ mi nam bị tạm giữ vào tháng 01/2021 tại các cảng ở Los Angeles và Long Beach vì các nhân viên hải quan nghi ngờ vi phạm lệnh cấm hồi tháng 12/2020 đối với bông Tân Cương.
Theo WSJ, hãng Uniqlo đã phản đối khi cung cấp các tài liệu cho thấy bông đến từ Úc, Brazil và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, CBP vẫn không trả hàng, viện dẫn lý do công ty không thể chứng minh những chiếc áo sơ mi này không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Những người đại diện của ngành bán lẻ nói rằng gánh nặng chứng minh quá lớn và những kỳ vọng không rõ ràng, WSJ cho biết.
WSJ dẫn lời phó chủ tịch cao cấp về chính sách của Hiệp hội Quần áo & Giày dép Hoa Kỳ Nate Herman nói rằng, “Lệnh cấm này đã làm thay đổi hoàn toàn luật học của Hoa Kỳ. Ngược lại với việc vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, bây giờ thì công ty có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội. Các công ty không biết họ đang cố gắng chứng minh điều gì vì họ không biết phần nào của lô hàng đã dẫn đến việc tạm giữ hoặc tại sao lô hàng lại vi phạm [lệnh cấm].”
Một yếu tố có khả năng gây ra sự thiếu minh bạch và nhập cảng bị đình trệ có thể là sự thiếu hụt nhân viên CBP, điều này “hạn chế khả năng theo đuổi các cuộc điều tra về lao động cưỡng bức,” báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ cho biết hồi tháng 10/2020.
Các luật sư thương mại và các nhóm kinh doanh cho biết họ dự kiến sẽ có thêm nhiều lệnh cấm nhập cảng và nhiều lô hàng bị tranh chấp, do sự tập trung ngày càng nhiều vào vấn đề nhân quyền, WSJ đưa tin.
“Như Tổng thống Biden đã nói rõ tại hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây, Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho chế độ nô lệ thời hiện đại trong chuỗi cung ứng của chúng ta,” Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro N. Mayorkas cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 24/06. “Lệnh Hủy Bỏ” (Withhold Release )rder, WRO) này chứng tỏ chúng tôi tiếp tục bảo vệ nhân quyền và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đồng thời thúc đẩy một thị trường toàn cầu công bằng và cạnh tranh hơn bằng cách thực hiện cam kết của Chính phủ Biden-Harris về việc chấm dứt lao động cưỡng bức.”
Nội dung do The Daily Caller News Foundation sáng tạo được cung cấp miễn phí cho bất kỳ nhà xuất bản tin tức hội đủ điều kiện nào có thể cung cấp cho một lượng lớn độc giả. Để có cơ hội cấp phép sử dụng nội dung gốc của chúng tôi, vui lòng liên hệ với [email protected].
Theo Kendall Tietz của The Daily Caller News Foundation thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: