Lệnh cấm dầu Nga kích khởi những lời kêu gọi tăng sản lượng dầu thô
Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Hoa Kỳ đang cấm nhập cảng dầu của Nga, ngăn chặn khoảng 500,000 thùng mỗi ngày trên các chuyến hàng dầu thô mới không cho tiến vào các cảng biển của Mỹ.
Ông Biden nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: “Hôm nay, tôi thông báo rằng Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi đang cấm mọi hoạt động nhập cảng dầu khí và năng lượng của Nga. Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và người dân Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh nữa vào cỗ máy chiến tranh của ông Putin.”
Ông Biden nói thêm: “Hành động mà chúng tôi đang thực hiện này là để bắt ông Putin phải chịu thêm hình phạt.”
Kế hoạch này bao gồm việc cấm mua mới dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, than đá, và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga. Điều đó cũng sẽ làm giảm việc giao hàng của các mặt hàng xuất cảng hiện có. Sáng kiến mới nhất này sẽ hạn chế đầu tư mới của Hoa Kỳ và ngăn cản người Mỹ tham gia vào các khoản đầu tư ngoại quốc nơi mà dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực năng lượng của Moscow.
Một quan chức chính phủ cao cấp tiết lộ trong cuộc gọi hội nghị với các phóng viên hôm thứ Ba: “Khi thực hiện hành động này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh Âu Châu, nhưng chúng tôi không mong đợi họ cũng như không đề nghị họ tham gia với chúng tôi.”
Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức.
Quyết định của ông Biden được đưa ra ngay sau khi Liên minh Âu Châu xác nhận rằng họ sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập cảng của Nga vào cuối năm 2022. Ủy ban Âu Châu sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp khác, đồng thời yêu cầu 27 quốc gia của khối phải bảo đảm lượng khí đốt tồn kho ở mức 90% trước hôm 01/10 hàng năm.
Khu vực đồng euro hiện nhập cảng khoảng 45% lượng khí đốt từ Moscow, ước tính mua 2.5 triệu thùng mỗi ngày.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ vạch ra một chiến lược năng lượng dài hạn bao gồm việc cấm nhập cảng năng lượng của Nga. Mặc dù Anh ít phụ thuộc hơn vào năng lượng của Nga so với EU, nhưng hàng năm nước này vẫn chi ra 5.3 tỷ USD để mua dầu thô.
Ông Rob Thummel, giám đốc danh mục đầu tư và giám đốc điều hành tại Tortoise, cho biết, Hoa Kỳ tách khỏi vòi bơm [dầu] của Nga dễ dàng hơn nhiều so với Âu Châu.
Ông Thummel nói với The Epoch Times: “Sẽ cần [phải] nỗ lực phối hợp bao gồm khối lượng sản xuất cao hơn từ Canada và Hoa Kỳ để giúp Âu Châu bù đắp hàng nhập cảng của Nga. Gần cuối mùa đông sẽ có thêm chút thời gian để thu xếp những việc lặt vặt trước khi mùa cần sưởi ấm năm sau ở Âu Châu bắt đầu.”
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng “việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu”, Phó Thủ tướng Alexander Novak dự đoán giá có thể vọt lên đến 300 USD.
Ngay khi có tin về dự luật của ông Biden, dầu thô West Texas Intermediate (WTI) đã tăng lên 130 USD/thùng trước khi giảm xuống khoảng 125 USD vào giữa ngày thứ Ba.
Niềm vui đan xen những lời chỉ trích trước thông báo của ông Biden
Các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã ăn mừng thông tin này, nhưng thận trọng về việc chuyển sang các nhà cung cấp ngoại quốc khác.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cho biết trong một video, “Bây giờ chúng ta phải làm phần hai, đó là chúng ta nên thay thế nó [dầu Nga] bằng dầu của Mỹ, không phải dầu của Saudi, không phải dầu của Iran, không phải dầu của Venezuela.”
“Chúng ta không cần dầu từ Iran. Chúng ta không cần dầu từ Venezuela. Trên thực tế, Venezuela thậm chí không thể sản xuất đủ dầu. Tại thời điểm này, [dầu của] họ chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu.”
Trong những ngày gần đây, có thông tin cho rằng chính phủ ông Biden đang đàm phán với Saudi Arabia và Venezuela như một phần trong nỗ lực kiềm chế giá năng lượng tăng cao. Hơn nữa, Tòa Bạch Ốc đã đang tích cực đàm phán để tạo ra một thỏa thuận hạt nhân với Iran, điều có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cho phép Tehran bơm hàng triệu thùng dầu vào các thị trường năng lượng toàn cầu.
Thủ đô Riyadh dự đoán rằng thế giới cần hai triệu thùng dầu dự phòng mỗi ngày để àm dịu đi những biến động trong nguồn cung ứng dầu.
Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành của đại tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco, tiết lộ tại Tuần lễ CERA ở Houston rằng công ty của ông có kế hoạch cung cấp thêm hai triệu thùng ra thị trường để giảm bớt những tác động sắp tới.
Trong khi đó, ông Martin Durbin, Chủ tịch Viện Năng lượng Toàn cầu của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã tán dương thông tin này và kêu gọi sản lượng trong nước lớn hơn.
Ông Durbin nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh việc chính phủ cấm nhập cảng năng lượng của Nga. Đã đến lúc chính phủ hợp tác với các nhà sản xuất năng lượng trong nước để tận dụng khả năng của Mỹ trong việc sản xuất thêm dầu khí và tập trung vào các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế của chúng ta và an ninh của thế giới.”
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng ủng hộ quyết định của chính phủ Mỹ, khẳng định sẵn sàng tuân thủ lệnh cấm nhập cảng.
Ông Mike Sommers, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành API, cho biết: “Ngành công nghiệp đã thực hiện những bước quan trọng và có ý nghĩa để giảm bớt các mối quan hệ, cả về tài sản ở Nga, cũng như nhập cảng dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga. Chúng tôi chia sẻ mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ngoại quốc đồng thời thúc giục các nhà hoạch định chính sách nâng cao vị thế lãnh đạo năng lượng của Mỹ và mở rộng sản xuất trong nước để chống lại ảnh hưởng của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu.”
Ông Biden nói với giới báo chí rằng “việc chính phủ của tôi hay các chính sách của tôi đang kìm hãm hoạt động sản xuất năng lượng ở trong nước chỉ đơn giản là không đúng sự thật”, lặp lại bình luận của Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki.
Bà Kathleen Sgamma, Chủ tịch của Western Energy Alliance, không đồng ý với những lời nhận xét này.
Bà Sgamma tiết lộ rằng bà ấy “vui mừng” rằng ông Biden “cuối cùng sẵn sàng trừng phạt Nga nhiều như ông ấy đang ‘trừng phạt’ các nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ.”
Bà nói với The Epoch Times trong email: “Các nhà sản xuất Mỹ sẵn sàng tăng sản lượng nếu chính phủ có thể chống lại các chính sách biến đổi khí hậu sai lầm cũng như gỡ bỏ những thủ tục phức tạp và trở ngại đối với sản xuất của Mỹ. Ngài tổng thống đang quá say mê với các chính sách cản trở dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Mỹ đến mức ông ấy không thể tự làm những việc trong khả năng của mình ngay bây giờ để tháo gỡ cho hoạt động sản xuất của Mỹ.”
Bà Sgamma lưu ý rằng tổng thống có thể coi tất cả các hợp đồng và giấy phép còn nợ, bao gồm cả quyền đường ống, là sẵn sàng hoạt động. Bà cũng nhận xét rằng ông có thể yêu cầu các cơ quan quản lý tài chính ngừng ngăn cản tín dụng và vốn chảy sang sản xuất mới. Ngoài ra, ông Biden có thể ngừng các cơ chế xây dựng quy tắc mới nhằm mục tiêu giảm sản lượng của Hoa Kỳ.
Bà nói: “Phe canh tả phản kháng lại rằng cần nhiều năng lượng tái tạo hơn, nhưng nếu đó là câu trả lời, thì Đức đã không dễ bị tổn thương hơn trước năng lượng của Nga so với trước đây.”
“Đức đã làm được những gì mà cánh tả đang đòi hỏi chúng ta phải làm bây giờ, bỏ ra hai thập niên và hàng trăm tỷ USD cho [năng lượng] gió và mặt trời. Bởi vì người Đức thực sự cần sưởi ấm ngôi nhà của họ và trưng đèn sáng, giờ đây họ phụ thuộc nhiều hơn vào Nga vì gió và mặt trời không cung cấp điện và phương tiện giao thông 24/7.”
Ông Biden đã dẫn chiếu 9,000 giấy phép có thể cho phép các công ty khai thác ngay bây giờ, nhưng con số này là một nguồn gây tranh cãi cho các nhà lãnh đạo năng lượng.
Trong một bài bình luận trước đây, bà Sgamma đã nêu bật vô số thách thức về pháp lý, tài chính, và quy định đã tạo thêm gánh nặng cho ngành này, làm sai lệch thống kê của 9,000 giấy phép.
Nhiều hợp đồng thuê phải đối mặt với các vấn đề kiện tụng bởi các tổ chức môi trường, trong khi một số lượng đáng kể các hợp đồng thuê khác vẫn cần chờ sự chấp thuận bổ sung của chính phủ trong bối cảnh phân tích môi trường liên bang. Bà nói, vấn đề khác là việc thu thập đủ vốn cho các dự án này là khó khăn vì các nhà đầu tư năng động, được khuyến khích bởi các công cụ quản lý của Tòa Bạch Ốc, đã hạn chế rót vốn vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Ông John Hess, Giám đốc điều hành của Hess Corporation, nói với CNBC rằng ông cho rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần phải làm nhiều hơn nữa để ổn định một thị trường “hiện đang ở phòng hồi sức cấp cứu.”
Ông Andrew Moran đưa tin kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông ấy đã là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập kỷ ở Toronto, với các bài trên Liberty Nation, Digital Journal và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “Cuộc chiến về tiền mặt.”
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: