Lệnh cấm của Tổng thống Biden với năng lượng mặt trời Trung Quốc là một khởi đầu tốt; và những gì nên làm tiếp theo
Trong vòng tám tháng kể từ lễ nhậm chức, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã rất khó khăn trong việc vội vàng làm sáng tỏ các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của cựu TT Donald Trump.
Giữa sự hỗn loạn về các sắc lệnh điều hành cũng như các luật định mới của chính phủ, lệnh cấm của TT Joe Biden đối với các vật liệu chế tạo tấm pin năng lượng mặt trời từ các doanh nghiệp Trung Quốc là biện pháp đầu tiên mà chúng ta thấy là đã không đặt nước Mỹ ở sau cùng. Lệnh cấm này nên được kế tiếp bằng những cải cách thậm chí là mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn sự bất cẩn về môi trường và những sự lạm dụng nhân quyền của các đối tác thương mại của chúng ta.
Phong trào năng lượng xanh đồng nghĩa phải phụ thuộc vào việc nhập cảng từ nước ngoài. Gần 80% tấm pin mặt trời được nhập cảng từ Trung Quốc, hơn một nửa trong số đó có nguồn gốc từ khu vực Tân Cương. Đã quá lâu, các nhà hoạt động năng lượng tái tạo đã làm ngơ trước các bằng chứng được ghi chép rõ ràng về tình trạng cưỡng bức lao động và lạm dụng nhân quyền trong chuỗi cung ứng. Các kênh xuất bản phẩm riêng của Trung Cộng đưa tin chi tiết về việc “bố trí” hơn 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan trong các chương trình lao động cưỡng bức, đặc biệt là trong ngành năng lượng mặt trời. Tại Tân Cương, các nhà sản xuất polysilicon, một thành phần chính của hầu hết các tấm pin mặt trời, đều tham gia vào các chương trình man rợ này.
Quyết sách ngăn chặn việc nhập cảng các tấm pin mặt trời từ khu vực Tân Cương của chính phủ của TT Biden – một hành động mà hiệp hội ngành năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đến cuối cùng đã công khai ủng hộ – là một bước đi đúng đắn và là một điều tốt đẹp khi sự lạm dụng triền miên đối với nhóm người thiểu số tại Trung Quốc đến cuối cùng cũng đã chạm đến lương tri của cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điển hình như tại Congo, các trẻ em chỉ mới 4 tuổi đã bị buộc phải lao động trong các hầm mỏ coban để cung ứng cho chuỗi sản xuất pin xe hơi điện. Còn quá nhiều việc phải hoàn tất để có thể bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo đảm tất cả mọi người đều được cư xử đúng với phẩm giá của một con người.
Ngoài các lo ngại về nhân quyền, sự thống trị của Trung Quốc trong ngành năng lượng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường cho toàn thế giới. Phần lớn khoáng sản đất hiếm, được sử dụng trong nhiều loại hình sản xuất nhưng đặc biệt là trong ngành năng lượng tái tạo, cũng được nhập cảng từ Trung Quốc. Chẳng hạn như việc chế tạo tuabin gió phụ thuộc vào nam châm Neodymium, với các tuabin công suất lớn ngoài khơi đòi hỏi đến một tấn nguyên tố cho mỗi tuabin.
Các quy tắc môi trường lỏng lẻo của Trung Quốc cho phép việc khai thác các kim loại quý diễn ra một cách bừa bãi. Các bài báo của một số ít phóng viên thực địa tại các mỏ đất hiếm của Trung Quốc khiến người ta ớn lạnh. Một cơ sở thuộc sở hữu nhà nước tại Bao Đấu đã để lại một hồ chất thải phóng xạ độc hại, tàn phá đất đai và khiến các gia đình gần đó phải di dời. Các làng mạc lân cận buộc phải từ bỏ việc trồng trọt khi cây trồng không cho trái và gia súc mắc bệnh tật. Có những lo ngại đã dấy lên rằng chất thải này có thể làm ô nhiễm sông Hoàng Hà, nơi cung cấp nước cho nhiều cư dân Trung Quốc. [Còn] các thành phố gần các mỏ đất hiếm được gọi là “làng ung thư”.
Và không chỉ người dân Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả bởi sự vô trách nhiệm đối với môi trường của đất nước mình. Các nghiên cứu trong năm 2010 và 2017 đã cho thấy; ô nhiễm không khí ở Á Châu là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đến 65% nồng độ ozone tại Bờ Tây và gần 30% lượng chì trong không khí tại khu vực Vịnh San Francisco. Việc tạo điều kiện cho các hành vi bừa bãi đối với môi trường của Trung Quốc gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với môi trường toàn cầu, kể cả ngay tại đây, Hoa Kỳ.
Nếu ông Biden muốn có nguồn năng lượng sạch cho tất cả [các lĩnh vực] trong tương lai, ông ấy cần tuân theo lệnh cấm năng lượng mặt trời đối với Trung Quốc không phải với các cam kết năng lượng tái tạo nhiều hơn và các ngân quỹ mờ ám, mà là với việc thay đổi chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng của chính phủ đối với ngành sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ.
Dù cho những người ủng hộ năng lượng xanh có thể hy vọng rằng năng lượng tái tạo là đường hướng trong tương lai, thì ngay cả hàng thập kỷ trợ cấp và hàng trăm tỷ USD đã không thể khiến cho công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió trở nên bền vững như những nguồn năng lượng chính. Các nguồn năng lượng này vẫn chỉ cung cấp khoảng 4% năng lượng sử dụng hàng năm của Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than sạch và năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cung cấp năng lượng cho quốc gia, cung cấp nguồn năng lượng phải chăng, đáng tin cậy và thân thiện với môi trường mà chúng ta cần.
Vị trí dẫn đầu toàn cầu của Hoa Kỳ về chất lượng không khí và nguồn nước sạch đang minh chứng rằng nguồn năng lượng dồi dào và chất lượng môi trường luôn đi đôi với nhau. Ngay cả khi mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng phương tiện cũng như dân số và nền kinh tế của Hoa Kỳ đã bùng nổ – [môi trường của Hoa Kỳ vẫn] sạch hơn gấp 5 lần so với Trung Quốc. Tiến trình đó vẫn sẽ tiếp tục, trừ khi chính phủ liên bang tiếp tục trừng phạt các nhà sản xuất năng lượng trong nước.
Cũng như việc phụ thuộc vào Trung Quốc về các tấm pin năng lượng mặt trời, sẽ tạo ra ô nhiễm môi trường của Trung Quốc, việc bóp nghẹt các công ty sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch có trách nhiệm của Hoa Kỳ bằng các thủ tục hành chính sẽ chuyển các hoạt động sản xuất sang các quốc gia bất ổn định và không có chung các tiêu chuẩn về môi trường hoặc lao động với Hoa Kỳ. [Và] việc nhượng lại quyền lực do trở nên phụ thuộc vào dầu mỏ ngoại quốc một lần nữa sẽ đe dọa sự ổn định cũng như sức mạnh kinh tế – và môi trường của Hoa Kỳ.
Chính phủ TT Biden đang được ca ngợi vì đã dẹp bỏ nạn cưỡng bức lao động trong ngành năng lượng mặt trời. Nhưng đây chỉ mới là một thay đổi nhỏ, và ông Biden không có dấu hiệu lùi bước trong nghị trình về năng lượng tái tạo. Người dân Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu các nhà sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch được phép phát triển một cách tự do khỏi [chính sách] quan liêu quá mức. Thật không may là, việc chính phủ TT Biden vội vàng lật ngược các chính sách thời TT Trump cho thấy sự phát triển tự do của các nhà sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch không phải là một ưu tiên.
Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Jason Isaac thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: