Lệnh bắt buộc chích ngừa: Không khoa học, gây chia rẽ và rất tốn kém
Cho tới nay, chỉ có hai nghiên cứu về vaccine được thực hiện theo phương pháp lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên mù đôi. Nhưng rất tiếc, hai thử nghiệm có thiết kế chặt chẽ nhất của nhân loại đã không trả lời được câu hỏi quan trọng nhất là chích vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna có làm giảm nguy cơ tử vong hay không.
Kế hoạch thực thi chích ngừa COVID-19 cho các doanh nghiệp lớn gây tranh cãi của Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn Lao động (OSHA) — gần đây đã bị Tòa Phúc thẩm Khu vực thứ Năm ra lệnh tạm hoãn — bề ngoài dường như được tạo ra để giảm thiểu “sự bùng phát chết chóc của COVID-19”. Khả năng của vaccine COVID-19 trong việc ngăn ngừa lây truyền và bảo vệ tính mạng là trọng tâm của quy định bắt buộc của OSHA và cuộc tranh luận gay gắt về các quy định bắt buộc tương tự hiện đang nổ ra trên nhiều khu vực của thế giới.
Có gần 18,000 bài báo khoa học đã được xuất bản kể từ năm ngoái về COVID-19 và vaccine, vì vậy việc sàng lọc bằng chứng để giúp đánh giá một cách nghiêm túc liệu vaccine có làm giảm nguy cơ lây truyền và tử vong hay không có vẻ khó khăn. Tuy nhiên, có hai nghiên cứu vượt xa số còn lại về mức độ nghiêm ngặt và chất lượng.
Được công bố vào tháng 12/2021 trên Tạp chí New England Journal of Medicine, đây là hai nghiên cứu tiếp nối các thử nghiệm lâm sàng mà FDA yêu cầu cho cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Điều cần lưu ý là hai nghiên cứu này được thiết kế theo phương pháp lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên mù đôi — vốn là tiêu chuẩn vàng và là công cụ khoa học nghiêm ngặt nhất hiện có để kiểm tra mối quan hệ nhân quả.
Đối tượng nghiên cứu là người trưởng thành chích vaccine COVID-19 (của Pfizer hoặc Moderna) hoặc chích giả dược và sau đó theo dõi họ theo thời gian.
Phương pháp nghiên cứu này hạn chế nhiều nhất có thể ảnh hưởng của các yếu tố khác, dù đã biết hay chưa biết, có thể tác động đến kết quả. Nhiều nghiên cứu đã sử dụng các thiết kế khác để thử nghiệm và tìm hiểu mức độ bảo vệ của vaccine chống lại COVID-19, nhưng cho dù được lên kế hoạch hoặc thực hiện tốt như thế nào, không có nghiên cứu nào trong số này đạt đến mức độ nghiêm ngặt khoa học mà một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên mù đôi được tiến hành tốt cung cấp.
Vậy hai nghiên cứu lâm sàng này có phát hiện ra rằng chích ngừa làm giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 không? Không. Các thử nghiệm này không được thiết kế để làm điều đó. Cả hai nghiên cứu đều báo cáo về hiệu quả cao của vaccine trong việc giảm triệu chứng COVID-19, ở đâu đó trong phạm vi hiệu quả 89-95%, cũng như bệnh nặng, trong khoảng 80-100%.
Họ đã không tuyển đủ những người lớn tuổi có nguy cơ cao để có kích thước mẫu đủ lớn nhằm xác định xem liệu vaccine có làm giảm tử vong do COVID-19 hay không.
Nghiên cứu của Moderna báo cáo một ca tử vong do COVID-19 ở nhóm được chích ngừa và ba ca ở nhóm không được chích ngừa, quá ít để đưa ra bất kỳ kết luận nào có ý nghĩa thống kê. Thử nghiệm của Pfizer thậm chí còn khó kết luận hơn vì những phát hiện được công bố trong báo cáo của Tạp chí New England (một ca tử vong do COVID-19 ở nhóm được chích ngừa và hai ca ở nhóm không được chích ngừa) khác với những gì Pfizer sau đó đã báo cáo với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), và cập nhật của FDA đã không nêu rõ số người tử vong vì COVID-19.
Ngoài các ca tử vong do COVID, các nghiên cứu trên cũng đánh giá tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, nghĩa là gom tất cả các ca tử vong xảy ra trong thời gian nghiên cứu làm cho cỡ mẫu lớn hơn.
Tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân là một kết quả được quan tâm không chỉ vì nó tránh được quyết định thường là chủ quan về lý do tại sao một người nào đó tử vong mà còn vì nó cân bằng tất cả các tác dụng có thể có của vaccine COVID-19, cả tốt lẫn xấu có thể gây ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong.
Nói cách khác, tỷ lệ này cho phép chúng ta định lượng số người được cứu sống nhờ vaccine COVID-19 đồng thời tính đến những ca tử vong tiềm ẩn do bệnh tim, cục máu đông, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, và có thể là các nguyên nhân khác liên quan đến vaccine.
Vì kết quả từ hai thử nghiệm rất giống nhau bất kể loại vaccine được sử dụng nên việc hợp nhất các kết quả sẽ rất hữu ích. Sau khi hợp lại có tổng cộng 74,580 người, một nửa được chích vaccine COVID-19 và một nửa được chích giả dược. Trong hơn sáu đến bảy tháng, hai nghiên cứu báo cáo rằng 37 người được chích ngừa đã tử vong so với 33 người được chích giả dược. Những kết quả này cũng không mang lại kết luận có ý nghĩa thống kê.
Nói một cách đơn giản, hai nghiên cứu khoa học có thiết kế chặt chẽ nhất của nhân loại đã không trả lời được các kết quả quan trọng nhất rằng chích vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna làm giảm nguy cơ tử vong hay không. Rất tiếc, đây không phải là lần đầu tiên FDA chấp thuận một sản phẩm dựa trên một chỉ số đại diện* ít quan trọng hơn thay vì dựa trên các kết quả được quan tâm.
Có một số điểm bổ sung cần xem xét.
Thứ nhất, những phát hiện của các nghiên cứu này bị hạn chế bởi thực tế là thiết kế của chúng không tính đến rằng việc bị lây nhiễm COVID-19 trước đó dẫn đến khả năng miễn dịch chống lại việc bị lây nhiễm sau đó. Trong khi những người có khả năng miễn dịch tự nhiên từ việc khỏi COVID trước đó được yêu cầu chích ngừa ở nhiều nơi, hai thử nghiệm ngẫu nhiên này không đánh giá liệu vaccine có mang lại bất kỳ lợi ích nào cho họ hay không ngay cả khi xét về mặt chỉ số đại diện.
Thứ hai, vì cả hai thử nghiệm trên hầu như đều loại trừ các nhóm có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao nhất như người già yếu và người rất béo phì, nên chúng ta không biết và không thể biết được từ các thử nghiệm đó về việc vaccine bảo vệ những nhóm người này tốt như thế nào.
Thứ ba, hầu hết những người tham gia nghiên cứu là người trưởng thành trong độ tuổi lao động, và tỷ lệ tử vong do COVID-19 rất thấp được quan sát thấy trong cả hai nghiên cứu sẽ nhắc nhở chúng ta rằng nguy cơ [tử vong] ở nhóm tuổi này là nhỏ đến mức độ nào.
Cuối cùng, hai thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên không đánh giá khả năng giảm lây truyền của vaccine.
Do đó, đối với những câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến lệnh bắt buộc chích ngừa, chúng ta buộc phải dựa vào các nghiên cứu quan sát thay vì các nghiên cứu ngẫu nhiên thông thường vốn thường tạo cơ sở cho quyết định chấp thuận dược phẩm và vaccine của FDA.
Dựa trên đánh giá lâm sàng và các nghiên cứu quan sát cho thấy vaccine làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID, sẽ là có lý khi cho rằng đối với những bệnh nhân lớn tuổi, lợi ích của vaccine lớn hơn nguy cơ của nó và do đó nên ủng hộ việc sử dụng vaccine cho họ, mặc dù chúng ta không thể chắc chắn rằng nó có khả năng bảo vệ khỏi tử vong vì thiếu bằng chứng đối chứng ngẫu nhiên ở nhóm tuổi này và cho kết quả này. Việc thiếu bằng chứng loại này là một sự thất bại của cả các công ty dược phẩm và FDA, và một phần nguyên nhân đến từ sự do dự về vaccine.
Một thông điệp chính rút ra là các lệnh bắt buộc chích ngừa COVID-19 chuyên chế, cứng nhắc như lệnh mà OSHA đã đưa ra là không dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất có thể. Các lệnh bắt buộc trên toàn bộ dân số như vậy đi ngược lại với nguyên tắc y tế phổ quát về phân tầng rủi ro, theo đó việc điều trị được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân dựa trên rủi ro và lợi ích tích lũy của cá nhân đó. Các lệnh này cũng vi phạm triết lý chủ đạo của y học thực chứng là yêu cầu sử dụng các thiết kế nghiên cứu tốt nhất có thể để làm bằng chứng khi đưa ra các quyết định về chăm sóc bệnh nhân.
Các lệnh bắt buộc chích ngừa, vốn tốn kém rất nhiều và gây chia rẽ khủng khiếp, là một phương pháp chữa bệnh tồi tệ hơn cả bản thân căn bệnh, và nếu không có bằng chứng chắc chắn, chúng có khả năng làm tăng sự do dự về vaccine hơn là niềm tin vào vaccine. Điều này không chỉ xảy ra với vaccine COVID, mà còn với các cả các loại vaccine cứu người hiện hành, dùng để chống lại các bệnh chẳng hạn như bệnh sởi và bại liệt.
Bài viết này ban đầu do Viện Brownstone xuất bản.
Ông Allon Friedman là Giáo sư Y khoa tại Trường Y Đại học Indiana và là một nhà nghiên cứu y khoa chuyên về các chủ đề liên quan đến bệnh thận. Những quan điểm được thể hiện trong bài viết này hoàn toàn là của ông ấy và không nhất thiết là của đơn vị chủ quản thuê ông.
Thu Anh và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Chú thích của dịch giả:
(*) Thuật ngữ “surrogate end-point” là một chỉ số có thể đo lường được giúp chúng ta biết kết quả bệnh. Một ví dụ về điều này là mức cholesterol và nguy cơ bị đau tim.
Quý vị tham khảo hai nghiên cứu trên New England Medical of Journal, của Pfizer tại đây và của Moderna tại đây.
Xem thêm: