‘Lên tiếng vì người dân’: 14 nhà hoạt động Trung Quốc bị chính quyền ngăn cản trong nỗ lực tranh cử cuộc bầu cử cấp huyện
Mười bốn nhà hoạt động Trung Quốc tại Bắc Kinh đang tranh cử với tư cách là các ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử Đại hội Đại biểu Nhân dân địa phương, đặt ra thách thức đối với Đảng Cộng sản cầm quyền vốn kiểm soát chặt chẽ sự kiện diễn ra hai lần trong một thập niên này.
Hầu hết trong số họ đã trực tiếp trải nghiệm sự khắc nghiệt của kiểm soát độc tài, nhưng nói rằng họ hy vọng biểu lộ sự thất vọng của mình vì lợi ích cộng đồng lớn hơn.
Họ nói trong một tuyên bố, “Là những công dân cấp cơ sở, 14 người chúng tôi đã cảm nhận sâu sắc những thách thức trong việc liên lạc với chính phủ, Đại hội Đại biểu Nhân dân, các tòa án, và các viện kiểm sát. Chúng tôi thường tìm kiếm các đại diện của Đại hội Đại biểu Nhân dân thông qua tất cả các kênh khác nhau, hy vọng họ có thể giúp chúng tôi chuyển tải mối quan tâm của chúng tôi tới chính phủ, nhưng chúng tôi không có hy vọng gặp được họ.”
“Chúng tôi muốn tất cả những người hàng xóm và tất cả các cử tri của chúng tôi liên lạc với chúng tôi bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẵn sàng lên tiếng vì những công dân bình thường và làm việc cho họ,” tuyên bố viết.
Tìm kiếm một tiếng nói
Cuộc bầu cử Đại hội Đại biểu Nhân dân Thành phố Bắc Kinh, dự kiến vào tháng tới, sẽ xác định các đại diện cho các quận thành thị và nông thôn trong khu vực. Các cuộc bầu cử địa phương như vậy là cơ hội duy nhất để các công dân bỏ phiếu của họ ở đất nước do cộng sản cai trị này.
Trong khi luật pháp Trung Quốc cho phép các ứng cử viên độc lập tranh cử, việc cố gắng ghi tên họ vào lá phiếu có thể là một việc khó khăn. Các ứng cử viên độc lập ở Trung Quốc thường phải đối mặt với sự quấy rối và giam giữ từ cảnh sát cùng với những rào cản về thủ tục.
Nhà hoạt động Dã Tĩnh Hoàn (Ye Jinghuan) đang tranh cử lần thứ ba mặc dù đã nhận được những lời đe dọa của cảnh sát trong quá khứ.
Sau khi tuyên bố ứng cử lần đầu tiên vào năm 2011, bà nhanh chóng bị nhắm mục tiêu và bị cảnh sát mặc sắc phục đánh đập. Lần thứ hai, vào năm 2016, các thành viên ủy ban khu phố địa phương lân cận và cảnh sát mặc thường phục đã cố gắng ngăn cản bà vận động.
“Họ bao vây nhà chúng tôi, bao vây sân của chúng tôi để ngăn chúng tôi đến những nơi đông dân cư để vận động bầu cử,” bà nói với The Epoch Times và nói thêm rằng cảnh sát cũng cố gắng ngăn cản các phóng viên phương Tây phỏng vấn bà.
Bà Dã đã trở thành một người kiến nghị sau khi bà và chị gái trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo đầu tư tương lai vào năm 1998, khi có hàng trăm người mất tiền tiết kiệm cả đời của họ.
Bà cho biết, “Chúng tôi muốn giải thích tình hình của mình với các đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân vì họ có một số quyền lực, ít nhất họ có thể nói chuyện với các cơ quan chính phủ.”
Tuy nhiên, trên thực tế, họ có thể bị giam giữ vì cố gắng bày tỏ sự bất bình với các đại biểu, theo bà Dã. Bà nói “họ đang ngày càng xa cách chúng ta.”
Vì vậy, bà Dã quyết định tự ứng cử.
Bà Lý Hải Vinh (Li Hairong), một nông dân sống ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, đã tìm kiếm công lý trong thập niên qua sau khi chính quyền phá nhà của bà bằng vũ lực vào năm 2011.
“Tôi thực sự muốn trở thành một đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân mà những người khác có thể trông cậy,” bà nói với The Epoch Times.
Hầu hết các ứng cử viên đã không thể liên lạc được kể từ ngày 17/10.
‘Những người này là tương lai’
Vợ của hai luật sư nhân quyền nổi tiếng trước đây bị bắt giữ trong “Sự cố 709” – một làn sóng bắt giữ hồi năm 2015 nhắm vào hàng trăm luật sư bào chữa và nhà bất đồng chính kiến của đất nước này, cũng đã tuyên bố ứng cử.
Cô Lý Văn Túc (Li Wenzu), người mới đoàn tụ với chồng mình là anh Vương Tiểu Lĩnh (Wang Quanzhang) vào năm ngoái (2020), đã bị từ chối quyền thăm nom trong suốt gần 4 năm anh Vương bị giam giữ. Trong suốt nhiều năm vận động cho việc trả tự do cho chồng mình, chính quyền đã gây áp lực buộc chủ nhà trục xuất cô Lý và con trai. Cô nói, con trai của cô, hiện tám tuổi, đã bị buộc thôi học bốn lần.
“Các đại diện của Đại hội Đại biểu Nhân dân chỉ tồn tại trên TV,” cô Lý nói với The Epoch Times. Cô cho biết, việc thiếu vắng những người đại diện hợp pháp có thể lên tiếng bênh vực chồng cô trong những năm tháng khó khăn đó đã làm dấy lên mong muốn hành động mạnh mẽ.
Ông Dương Hiến Hoành (Yang Sen-hong), người đứng đầu nhóm nhân quyền Hiệp hội Đài Loan cho nhân quyền Trung Quốc, cho biết 14 ứng cử viên đại diện cho hy vọng của Trung Quốc về các quyền tự do lớn hơn.
“Những người này là tương lai,” ông nói với The Epoch Times. Ông tự tin rằng họ sẽ thắng trong một cuộc bầu cử bình thường.
Nhưng áp lực từ các nhà chức trách ngày càng gia tăng.
Ứng cử viên Quách Khởi Tăng (Guo Qizeng) nghi ngờ rằng giới chức trách đã nghe lén điện thoại của mình. Ông nói với The Epoch Times, các cuộc gọi từ Hoa Kỳ sẽ có cảnh báo hoặc tự động bị treo.
Bà Lưu Tú Trân (Liu Xiuzhen), người đã nhận được nhiều cuộc viếng thăm của cảnh sát, nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng hai quy trình đánh giá để sàng lọc các ứng viên bất lợi.
“Họ không bao giờ muốn chúng tôi tham gia vào các cuộc bầu cử,” bà nói với The Epoch Times.
Người dân Trung Quốc từ lâu đã tìm cách để bảo vệ nền dân chủ khỏi Trung Cộng độc tài, và đã thất bại.
Phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo năm 1989 đã kết thúc bằng việc xe tăng lăn trên Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh, sát hại hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn người.
Vào tháng 09/2011, Ô Khảm – một làng chài nhỏ ở phía nam tỉnh Quảng Đông với dân số 20,000 người – đã cho thấy tia sáng le lói của nền dân chủ cơ sở. Trong một thời gian ngắn, dân làng đã nổi dậy vì nạn tham nhũng và các nỗ lực chiếm đoạt đất đai và đuổi họ ra ngoài của các quan chức.
Sau đó, hàng ngàn người đã bầu ra đại diện của chính họ và thành lập các tổ chức như hội đồng lâm thời và hội phụ nữ để phối hợp hòa giải với Đảng. Nhưng giới chức trách sớm thông báo rằng các tổ chức của họ là bất hợp pháp và bắt đầu thực hiện các vụ bắt giữ.
Vào ngày 11/12/2011, một trong năm người đại diện đã bị bắt, ông Tiết Cẩm Ba (Xue Jinbo), bị thiệt mạng khi bị cảnh sát giam giữ. Tất cả những người bị bắt đều bị tra tấn, The Epoch Times đưa tin.
Không rõ liệu 14 ứng cử viên có được phép tiếp tục tranh cử hay không. Nhưng ông Trình Hải (Cheng Hai), một luật sư dân quyền tại Trung Quốc, người đã bảo vệ những người đồng cấp của mình bị bắt trong cuộc đàn áp 709, tin rằng người dân Trung Quốc cần phải kiên trì.
Ông nói với The Epoch Times, “Từ bỏ lá phiếu của quý vị cũng giống như từ bỏ quyền ra quyết định chính trị của quý vị. Điều đó tương đương với sự mặc nhận.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times, chuyên đưa tin về Mỹ-Trung, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Li Bei và Hong Ning
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: