Lên án vụ tấn công mới nhất của Bắc Kinh vào quyền tự do báo chí
Trong một chiến dịch ngày càng leo thang nhằm trấn áp quyền tự do ngôn luận, giới chức cộng sản Trung Quốc đã bắt giữ và buộc tội 11 công dân Trung Quốc vì bị cáo buộc là đã cung cấp cho The Epoch Times thông tin ghi lại các biện pháp phong tỏa virus hà khắc.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của đảng cộng sản Trung Quốc, 11 công dân này sẽ phải đối diện với án tù chung thân nếu họ bị kết án.
Ban Biên tập The Epoch Times lên án hành động đàn áp quyền tự do báo chí và các quyền căn bản của con người này bằng những văn từ mạnh mẽ nhất có thể, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh lập tức trả tự do cho 11 công dân Trung Quốc này.
Các vụ bắt giữ mới nhất này đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án, cơ quan này đang thúc giục Bắc Kinh “ngừng những nỗ lực của mình nhằm bịt miệng những người tìm cách đưa tin về sự thật.”
Ủy ban Bảo vệ các Ký giả cũng lên án các vụ bắt giữ này, kêu gọi giới chức cộng sản lập tức trả tự do và hủy bỏ các cáo buộc cho 11 công dân Trung Quốc này.
Trong hơn 20 năm qua, người dân Trung Quốc đã nhìn nhận The Epoch Times như một tiếng nói đáng tin cậy và đã cung cấp cho chúng tôi các lời dẫn câu chuyện, hình ảnh, video, tài liệu, và các thể loại thông tin khác. Điều này gồm cả thông tin nội bộ từ chính các quan chức Trung Cộng đã mất lòng tin [vào đảng].
Nguồn thông tin quan trọng này đã cho chúng tôi cơ hội để đưa tin cho thế giới biết về những gì đang thực sự xảy ra ở Trung Quốc.
Nhưng đối với Trung Cộng, hành động kiểm soát tuyệt đối luồng thông tin là yếu tố then chốt để duy trì sự cai trị của nhà cầm quyền này trong bảy thập kỷ qua.
Thời báo The Epoch Times do những người Mỹ gốc Hoa, thấy được nhu cầu về một tờ báo độc lập cung cấp các tin tức trung thực và không bị kiểm duyệt, thành lập vào năm 2000 để phá bỏ sự kiểm duyệt và tuyên truyền này. Cam kết chung đối với ngành báo chí độc lập này tạo nên sự kế thừa cho ấn bản Anh ngữ của The Epoch Times, được ra mắt bốn năm sau đó.
Nhưng trong khi The Epoch Times cung cấp cho hàng chục triệu công dân Trung Quốc những tin tức không bị kiểm duyệt, thì Trung Cộng lại luôn tìm cách cản trở luồng thông tin tự do này.
Nhóm phóng viên và biên tập viên đầu tiên của chúng tôi ở Trung Quốc đã bị bắt và một số người đã bị tống giam tới 10 năm – hầu như ai trong số họ cũng đều bị tra tấn – vì làm việc cho The Epoch Times.
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, chúng tôi thường xuyên phải đối diện với sự sách nhiễu và can thiệp từ Trung Cộng.
Ở Hồng Kông, xưởng in ấn của chúng tôi đã bị tấn công vài lần. Xưởng in này đã bị phóng hỏa vào tháng 11/2019 và vào tháng 04/2021, thiết bị của xưởng báo đã bị những kẻ xâm nhập đập vỡ bằng búa tạ.
Trong bài diễn văn bảo vệ quyền tự do báo chí vào năm 1735, ngài Andrew Hamilton đã nói: “Quyền lực có thể được so sánh không kém gì một dòng đại giang; khi được hai bên bờ giữ lại, dòng sông ấy vừa đẹp vừa hữu ích, nhưng khi nước sông tràn khỏi bờ, dòng nước này sau đó tuôn trào mãnh liệt đến nỗi không thể ngăn lại được; nó nhấn chìm hết thảy những gì ở phía trước. Và mang đến sự tàn phá và hoang tàn ở bất cứ nơi nào nó cuốn đến.”
Trong thế giới tự do này, chúng tôi hiểu rằng quyền tự do báo chí giúp xã hội cởi mở và lành mạnh. Trong thế giới được kết nối rộng rãi hiện nay của chúng ta, tin tức ở một nơi có thể mang tính sống còn đối với phần còn lại của thế giới.
Những gì xảy ra ở Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn có khả năng ảnh hưởng đến toàn thế giới, như những gì chúng ta đã chứng kiến với đại dịch.
Nếu như ngay từ đầu thế giới biết được chủng virus này lây lan nhanh ra sao ở Vũ Hán, nếu như chúng ta biết có bao nhiêu người đã tử vong ở giai đoạn đầu (số người thiệt mạng thực sự ở Trung Quốc vẫn đang bị che đậy), thì có lẽ thế giới này đã có những biện pháp khác nhau để bảo vệ con người.
Một thực tế mà ai cũng biết là có nhiều tổ chức truyền thông ở phương Tây đã bị Trung Cộng mua chuộc và xâm nhập. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi là đứng vững trước sự đàn áp của Trung Cộng và nói lên sự thật. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều tổ chức truyền thông hơn có thể can đảm đưa tin một cách trung thực về Trung Cộng – và trên thực tế, cách làm đó có thể cứu sống nhiều sinh mệnh – cả trong lẫn ngoài Trung Quốc.
Chúng tôi không chỉ đang bảo vệ những công dân Trung Quốc can đảm này, những người đã mạo hiểm sự an nguy của bản thân mình để cho thế giới này biết được sự thật. Chúng tôi không ở đây chỉ để bảo vệ quyền tự do báo chí. Chúng tôi ở đây để bảo vệ phẩm giá căn bản của nhân loại chúng ta.
Chúng tôi biết ơn sự tín nhiệm và ủng hộ từ các công dân Trung Quốc. Trong suốt lịch sử của chúng tôi, họ đã can đảm chấp nhận những rủi ro to lớn để chuyển tin tức cho chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cảm kích sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Ủy ban Bảo vệ các Ký giả.
Ban Biên Tập The Epoch Times
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: