Lên án ĐCSTQ, Thượng nghị sĩ Úc bị cáo buộc phân biệt chủng tộc
Khi được hỏi, 3 nhân chứng cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra của Thượng viện [Úc] về các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng người Hoa ở Úc đã từ chối lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc độc tài. Kể từ đó, họ công khai chỉ trích Thượng nghị sĩ Eric Abetz và cáo buộc ông là phân biệt chủng tộc do cách chất vấn của mình.
Cô Yun Jiang, anh Osmond Chiu và cô Wesa Chau trong cuộc điều tra đã chia sẻ về các vấn đề như sự đe dọa của Bắc Kinh đối với người Úc gốc Hoa, sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và cách các thành viên cộng đồng [người Hoa] tránh lên tiếng, do lo sợ bị chế độ Bắc Kinh nhắm mục tiêu.
Khi ông Abetz hỏi các nhân chứng liệu họ “có sẵn sàng lên án vô điều kiện chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không”, [họ không trả lời thẳng câu hỏi], thay vào đó, họ đưa ra những tuyên bố về ủng hộ nhân quyền và bày tỏ sự không đồng tình với những vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc. Nhưng họ đã kiềm chế, không lên án trực tiếp bản thân ĐCSTQ.
Thượng nghị sĩ Abezt:…Tôi có thể hỏi mỗi người trong số 3 nhân chứng, hãy nói ngắn gọn cho tôi biết liệu họ có sẵn sàng lên án vô điều kiện chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không? Đây không phải là một câu hỏi khó.
Cô Jiang: Như tôi đã từng nêu rõ trong nhiều bài phát biểu trước công chúng của mình, tôi lên án những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn của chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng tôi cũng đã nói trước đây rằng tôi không nghĩ sẽ công bằng khi buộc tất cả Người Úc gốc Hoa phải thể hiện quan điểm hoặc hành động chính trị, khi những người Úc khác không bị yêu cầu tương tự.
Chủ tọa: Anh Chiu?
Anh Chiu: Như tôi đã nói trước đây, tôi ủng hộ và tin tưởng vào tính phổ quát của nhân quyền. Tôi không ủng hộ Đảng Cộng sản, nhưng tôi không tin rằng việc tham gia vào một trò chơi tố cáo chính trị sẽ giúp ích.
Thượng nghị sĩ Abetz: Vì vậy anh không thể lên án nó?
Anh Chiu: Tôi nghĩ tuyên bố của tôi khá rõ ràng về việc tôi không ủng hộ Đảng Cộng sản, và tôi cũng không ủng hộ những gì đảng này làm.
Thượng nghị sĩ Abetz: Có sự khác biệt giữa việc không ủng hộ điều gì đó và tích cực lên án một chế độ tham gia vào việc mổ cướp nội tạng và nhốt một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung v.v., và tất cả những gì chúng ta có là tuyên bố lấp lửng rằng “chúng tôi không ủng hộ nó”. Thế còn cô Chau?
Cô Chau: Tôi nghĩ rằng tất cả những người nhập cư phải có quyền tham gia vào nền dân chủ Úc, và có thể phân biệt được sắc tộc và chủng tộc của mình với các vấn đề chính trị kép. Là công dân, trước hết chúng tôi phải được đối xử như mọi công dân khác — và không phải mọi người Úc, thuộc bất kỳ sắc tộc nào khác, đều bị đặt câu hỏi giống như vậy.
Sau buổi điều trần, anh Osmond Chiu đã viết một bài báo (op-ed) cho Sydney Morning Herald (một tờ báo lớn của Úc), nói rằng cuộc điều tra chứng tỏ việc tranh luận xung quanh mối quan hệ Trung-Úc đã trở nên “độc hại”, và rằng anh ấy không muốn trả lời câu hỏi của ông Abetz vì đây là một “trò chơi chính trị.”
“Có lẽ, họ cố gắng tạo ra sự liên đới đó, là do sắc tộc của tôi, [họ nghĩ rằng] có khả năng lòng trung thành [của tôi] sẽ bị phân chia [giữa các bên có lợi ích đối lập nhau]”, anh Chiu nhận xét.
Là thành viên nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Per Capita và là cựu thư ký của của tổ chức xã hội chủ nghĩa Fabians-Úc ở tiểu bang New South Wales [NSW], anh Chiu đã đệ trình một văn bản về cuộc điều trần, trong đó bắt đầu với [tiêu đề], “Chính trị Úc quá [thiên lệch cho người da] trắng (too white)”, và biện luận để các đảng áp dụng mục tiêu 20% đa dạng văn hóa cho các ứng cử viên có thể dành chiến thắng trong các khu vực bầu cử.
Thượng nghị sĩ Abetz đã đáp trả trong một tuyên bố, rằng ông không xin lỗi về cuộc đấu khẩu [tại phiên điều trần], và nói: “(Chiu) sẵn sàng chỉ trích Úc trên cơ sở màu da, nhưng lại không lên án Trung Quốc trên cơ sở các giá trị. Mối quan tâm của anh ấy rõ ràng là về chính trị bản sắc của màu da/chủng tộc chứ không phải về các giá trị, niềm tin và tính cách.”
Trong đại dịch virus Vũ Hán, Bắc Kinh đã tận dụng sự nhạy cảm của Úc đối với vấn đề phân biệt chủng tộc, và cáo buộc rằng người Trung Quốc đang nếm trải “sự gia tăng đáng kể” về phân biệt chủng tộc. Các cáo buộc của ĐCSTQ được đưa ra sau khi Úc ban hành luật đầu tư nước ngoài mới và nghiêm ngặt hơn, có khả năng sẽ ngăn chặn các công ty Trung Quốc [thâm nhập vào Úc] – khi Bắc Kinh đối mặt với khủng hoảng kinh tế trong nước.
Hai nhân chứng khác cũng đưa ra các tuyên bố.
Viết trên trang mạng Twitter, cô Jiang đã ví trải nghiệm của mình tại phiên điều trần như một “cuộc săn lùng phù thủy công khai”. Cô Jiang nói rằng nó chứng minh lý do tại sao người Úc gốc Hoa đấu tranh để tham gia vào chính trị hoặc các chính sách công [ở Úc].
Cô Wesa Chau, người đang tranh cử chức Phó thị trưởng [thành phố] Melbourne, cho biết vụ việc đã khẳng định niềm tin của cô rằng mỗi khi có người mang dáng vẻ của người Trung Quốc muốn làm việc cho cơ quan nhà nước, thì “lòng trung nghĩa và sự trung thành của họ đối với Úc sẽ bị nghi ngờ”.
Cô Chau còn cáo buộc thượng nghị sĩ theo “Chủ nghĩa McCarthy, phân biệt chủng tộc.” Chủ nghĩa McCarthy là một “điệp khúc” phổ biến được Bắc Kinh sử dụng để ám chỉ thái độ ngày càng mạnh mẽ của Washington đối với Bắc Kinh. [McCarthy là chủ nghĩa buộc tội ai đó là cộng sản, từ đó né tránh họ hay không tin tưởng họ].
Trong phiên điều trần, cô Chau đã thách thức ông Abetz về việc liệu ông có bị yêu cầu trung thành với Úc hay không, bởi vì ông ấy sinh ra ở Đức.
Thượng nghị sĩ Abezt: Ồ, hoàn toàn có thể! Cô chưa đọc những lời chế giễu khủng khiếp mà tôi đã nhận được? Tôi vô cùng ngạc nhiên rằng cô đặt hỏi câu hỏi đó! Và thật đáng buồn, nếu cô là người gốc Ý, cô sẽ được hỏi liệu cô có phải là thành viên của [băng đảng tội phạm] Mafia hay không?
Thượng nghị sĩ Fierravanti-Well: Đúng vậy!
Thượng nghị sĩ Abetz: Nếu cô là người Việt Nam, cô sẽ được hỏi liệu cô có phải là thành viên Hội Tam Hoàng hay không. Nếu cô là người Đức, giống như tôi, cô [sẽ được hỏi] có phải là người theo chủ nghĩa Phát xít ngay từ khi sinh ra, bất kể các phát biểu công khai của cô là gì và v.v. Đó là lý do tại sao tôi có thể nói thêm rằng, trong gần như mọi cuộc phỏng vấn mà tôi chắc chắn lên án ĐCSTQ, tôi sẽ nhấn mạnh rằng đây không phải là sự lên án người dân Trung Quốc – bởi vì tôi tin rằng họ cũng yêu tự do như bao con người khác ở trên hành tinh – nhưng tôi đang lên án chế độ mà họ phải chịu đựng, cũng giống như không phải tất cả người Đức đều là Đức Quốc xã, hoặc tất cả những người Nga là cộng sản, hoặc tất cả người Ý đều thuộc băng đảng Mafia, hoặc tất cả người Việt Nam đều thuộc Hội Tam Hoàng.
Cô Chau nói rằng thật không công bằng khi yêu cầu người Úc gốc Hoa cam kết trung thành và tuyên bố trung thành với Úc. Cô Chau cho biết cuộc điều tra là về các vấn đề cộng đồng [người Hoa], và nên tập trung vào những vấn đề phân biệt chủng tộc và giáo dục công dân để giúp người dân Trung Quốc hiểu cách thức hoạt động của nền dân chủ.
Úc và các đồng minh chiến lược, tiếp tục gia tăng sức ép lên Bắc Kinh vì lo ngại các hoạt động trong ‘vùng xám’ [grey zone] và sự xâm lược địa chính trị (bao gồm Biển Đông và biên giới Ấn Độ – Trung Quốc) [của Trung Quốc].
[Chiến thuật “vùng xám” được định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra, để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức].
Nhưng, trong khi một số [người Hoa] ở Úc công khai chỉ trích khi được yêu cầu lên án ĐCSTQ, thì ít nhất 365 triệu công dân Trung Quốc ở Trung Quốc đại lục và trên toàn thế giới đã công khai ký tuyên bố từ bỏ mọi liên kết với ĐCSTQ.
Trung tâm Dịch vụ Thoái đảng Toàn cầu ở Thành phố New York đã đăng ký tuyên bố thoái đảng cho hơn 365 triệu người, cắt đứt mối quan hệ của họ với [ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó]. Đây là phong trào cấp cơ sở lớn nhất trên thế giới.
Sự thoái đảng là để phản ứng lại việc ĐCSTQ tiếp tục phá hủy các giá trị và văn hóa truyền thống của Trung Quốc, gây ra những biến động chính trị và xã hội. [ĐCSTQ] phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với những cái chết bất thường của 60 đến 80 triệu người [tại Trung Quốc].