Hồng Kông: Lễ kỷ niệm ngày 25/04 làm nổi bật sự ôn hòa và dũng khí của các học viên Pháp Luân Công
Mặc dù việc hạn chế tập trung nơi công cộng nằm trong các biện pháp theo chính sách zero COVID, nhưng cũng như các năm trước, Hồng Kông đã chứng kiến một lễ kỷ niệm Cuộc Thỉnh Nguyện Ôn Hòa ngày 25/04/1999, cho thấy dũng khí của các học viên Pháp Luân Công trong nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng) đối với đức tin này.
Các học viên Pháp Luân Công cầm các biểu ngữ màu vàng với các chữ màu đỏ và xanh bắt mắt, ghi rằng “Kỷ niệm 23 năm Cuộc Thỉnh Nguyện Ôn Hòa ngày 25/04 do hơn 10,000 học viên Pháp Luân Đại Pháp thực hiện,” và “Kiên định Đức tin Chân, Thiện, Nhẫn.”
Đây là một sự kiện có quy mô khá nhỏ do Hồng Kông giới hạn số người tham dự một buổi tập trung nơi công cộng là bốn người trở xuống.
Nhưng quy mô đã không làm giảm giá trị của buổi lễ kỷ niệm trang nghiêm nói trên, “cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04 mang ý nghĩa lịch sử to lớn vì đã thể hiện các nỗ lực điềm tĩnh và ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại,” một người tham gia sự kiện này cho biết.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần theo ba nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn. Môn này được tập luyện và tôn vinh ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, chỉ với một ngoại lệ là ở Trung Quốc đại lục, nơi cuộc đàn áp của ĐCSTQ bắt đầu từ năm 1999 vẫn tiếp diễn đến ngày nay.
Vào ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công đã tới Văn phòng Kháng cáo của Quốc Vụ Viện ở Bắc Kinh, để kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền hiến định của người dân về tự do tín ngưỡng.
Về sau sự kiện này đã được xem như cuộc thỉnh nguyện tập trung đông người lớn nhất ở Trung Quốc kể từ phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989. Sự ôn hòa và lý trí của những người tham gia trong suốt sự kiện đã được xã hội quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, một vài tháng sau đó, lãnh đạo đương thời Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc bức hại trên toàn quốc đối với những người theo học Pháp Luân Công. Vì thế, sau đó cuộc thỉnh nguyện bị bộ máy truyền thông tuyên truyền gán cho là “một cuộc bao vây”, để thâm vào những lời biện minh của nhà cầm quyền cho cuộc đàn áp nghiêm trọng đối với Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20/07 năm đó.
Cô Chu, một học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông đang sống ở thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc, nhớ lại rằng cô đã đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng Mười Một năm 1999 và đã bị bắt ngay lập tức sau khi cô giơ cao một tấm biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp.” Ngày hôm sau, cô được trả về Hồng Kông.
Cô Chu nhớ lại rằng lúc đó một số người Hồng Kông đã bị sự tuyên truyền của Trung Cộng lừa dối, và cô đã cố gắng kể cho họ nghe cảm nhận chân thật trong lòng cô. “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp không chống đối chính phủ. Họ chỉ đang biểu lộ những suy nghĩ của họ… Cho phép những người đang bị đối xử bất công được lên tiếng về điều đó là hết sức bình thường, nhưng dưới chế độ của ĐCSTQ, không ai được quyền lên tiếng.” Tuy nhiên không phải ai cũng tin vào những lời nói dối của Trung Cộng, ngay cả ở đại lục, “Nhiều công an đã hiểu ra sự thật và biết rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy người ta làm người tốt. Một số người trong số họ không muốn bắt giữ các học viên.”
Cô Ngô, một học viên khác ở Hồng Kông, cho biết cô hy vọng buổi lễ kỷ niệm này sẽ khích lệ các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, những người đang sống trong cuộc bức hại và sẽ giúp cho mọi người biết về cuộc đàn áp đang tiếp diễn của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Đại Pháp.
Hàng năm, các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc đều tổ chức các cuộc tụ họp hoặc các buổi diễn hành để đánh dấu lễ kỷ niệm Cuộc Thỉnh Nguyện Ôn Hòa ngày 25/04.
ĐCSTQ ở Hồng Kông
Những năm gần đây, các cuộc họp và các buổi diễn hành khá hiếm hoi ở Hồng Kông vì phải tuân theo một cách chặt chẽ Luật An ninh Quốc gia năm 2020 và các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong năm 2021.
Ngày 04/06/2021, một buổi thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, được tổ chức hàng năm ở Công viên Victoria kể từ năm 1990, đã bị cảnh sát Hồng Kông cấm với lý do kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên nhiều kênh truyền thông, trong đó có một bài báo của BBC hôm 03/06/2021, đã nói rằng điều này có thể liên quan đến việc thi hành Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông.
Pháp Luân Công đã bị các tổ chức và các cơ quan ngôn luận khác nhau của ĐCSTQ ở Hồng Kông sách nhiễu, mà khét tiếng nhất là Hội Thanh niên Quan ái Hồng Kông (HKYCA), một tổ chức ngoại vi của “phòng 610” — vốn là một cơ quan tương tự như Gestapo của Đức Quốc Xã được thành lập chỉ để tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công.
HKYCA bất chấp các luật và quy định của địa phương và công khai quấy rối các học viên Pháp Luân Công, cư dân, và khách du lịch. Theo một báo cáo trên trang Minghui.org vào ngày 30/04/2018, một số thành viên của HKYCA được cho là có liên quan đến các vụ tấn công cá nhân và cố ý gây thương tích.
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04
Ngày 11/04/1999, nhà khoa học Hà Tộ Hưu (He Zuoxiu) đã đăng một bài báo công kích Pháp Luân Công trong một cuốn tạp chí của Viện Giáo dục Thiên Tân. Các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã yêu cầu tờ tạp chí này công khai cải chính những thông tin sai lệch về đức tín của họ trong bài báo này.
Số lượng lớn công an chống bạo động ở Thiên Tân đã tấn công các học viên Pháp Luân Công đang ngồi biểu tình ở viện giáo dục và bắt giữ 45 người vào ngày 23/04/1999. Một quan chức thành phố Thiên Tân nói rằng Bộ Công an đã can thiệp và đề nghị các học viên Pháp Luân Công tới Bắc Kinh để giải quyết vấn đề này.
Ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công đã thực hiện các quyền hiến pháp của mình khi đến thỉnh nguyện với văn phòng thỉnh nguyện của Quốc Vụ Viện. Năm người trong số họ, đóng vai trò là những người đại diện, đã vào Quốc Vụ Viện để yêu cầu trả tự do cho các học viên bị bắt giữ, sửa lại lệnh cấm các kinh sách của Pháp Luân Công, và chấm dứt sự sách nhiễu của chính quyền đối với môn tu luyện này.
Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ đã gặp các học viên và đồng ý thực hiện các yêu cầu của họ.
Các học viên Pháp Luân Công tham dự cuộc thỉnh nguyện đã bình tĩnh trong suốt buổi thỉnh nguyện và lặng lẽ rời đi sau khi các học viên Thiên Tân được trả tự do.
Bản tin có sự đóng góp của Minghui.org
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times