Lễ hội Thánh St. Rupert của Thành phố Salzburg, nước Áo
Đôi gò má hồng hào khỏe mạnh, cô chủ Gabriele Jenner đứng phía sau quầy thu ngân nhiệt thành giới thiệu với chúng tôi về Jahn-Markl – một cửa hàng “Tracht” (Trang phục truyền thống của người Áo) của cô ấy. Phía trên cánh cửa có ghi ký hiệu 1408. Xưởng thuộc da cũ kỹ lâu đời nhất của Thành phố Salzburg đã được thành lập hơn 600 năm trước, cũng vào thời điểm đó có một niềm đam mê lớn khác của thành phố bắt đầu nhen nhóm – nghề nấu bia.
Gia đình Jenner sở hữu nơi này từ những năm 1890 và cô rất háo hức mở quyển sổ khách hàng – được đặt trang trọng ngay đầu quầy thu ngân – cho chúng tôi xem danh sách khách hàng lớn của cửa hàng cô.
Lướt qua một vài trang giấy tinh xảo, cô ấy chọn ra một số nhân vật “nặng ký” của thế kỷ 20th như: “Diễn viên Marlene Dietrich, Danh họa Pablo Picasso, và Đạo diễn Max Reinhart – người đã thành lập Lễ Hội Âm Nhạc Salzburg,” cô ấy vừa nói vừa lướt ngón tay trên những dòng chữ ký của họ.
“Thậm chí cả Hoàng đế Franz Josef của nước Áo cũng yêu thích màu da sẫm cổ xưa đặc thù là Salzburger Altschwarz,” cô ấy vừa nói vừa kéo quyển sổ bìa bọc bằng da trên kệ xuống cho chúng tôi xem.
Tracht – trang phục truyền thống của người Áo – đã có một sự hồi sinh thực sự ở nước Áo trong thời gian này, và cửa hàng Jahn-Markl chắc chắn phải được coi là một phần của nguồn cảm hứng cho sự hồi sinh đó. Cửa hàng thậm chí còn thu hút sự chú ý của các nhà thiết kế thời trang lớn từ khắp Châu Âu.
Jenner kể lại về việc cô ấy không nhận ra nhà thiết kế Vivienne Westwood khi bà đến thăm cửa hàng một cách bất ngờ. Ngoài ra còn có những cống hiến của các nhà thiết kế thời trang như Karl Lagerfeld và Louis Vuitton trong “Quyển Sổ Tay,” vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các khía cạnh của quốc phục nước Áo đã tìm được đường đến với các kinh đô thời trang trên thế giới.
Vào năm 2014 tại Khách Sạn Schloss Leopoldskron ở ngoại ô Salzburg, nhà thiết kế Lagerfeld đã trình diễn bộ sưu tập mang tên “Trang phục văn hóa dân gian Alpine” cho Hãng Chanel.
Lễ Hội Thánh St. Rupert
Bên ngoài cửa hàng Jahn-Markl, Lễ Hội Thánh St. Rupert đã được tổ chức thêm một năm nữa và sự phục hồi của trang phục Tracht là quá rõ ràng. Một loạt các màu sắc và vải mang các thiết kế thêu tay tinh xảo rủ xuống ngoài lối đi. Du khách trên khắp cả Salzburgerland đang tụ tập tại đây để chuẩn bị cho lễ khai mạc.
Để vinh danh Thánh Rupert, vị Thánh bảo trợ của Salzburg, lễ hội đã được tổ chức lần thứ 40 vào năm nay. Ở quảng trường bên ngoài Nhà Thờ Salzburg, những khẩu súng pháo dành cho nghi lễ đã được bắn với tốc độ chói tai để đánh dấu thời điểm khai mạc của lễ hội. Sau khi tiếng nổ súng vang dội cuối cùng kết thúc, không khí tưởng niệm im lặng đã kết thúc và thay thế bằng những âm thanh ăn mừng hào hứng, những người dân địa phương Salzburg chuyển sự chú ý của họ trở lại các món ăn và những sản phẩm tại địa phương của mình.
Hội chợ nằm đan xen trong các kiến trúc cổ xưa Baroque tại các quảng trường Altstadt (Khu phố cổ). Bối cảnh trang nhã và ấn tượng này sàn diễn thời trang cho tất cả các thanh thiếu niên mang giày Converse trong những bộ Lederhosen (một kiểu quần có dây đeo lên vai – người dịch) hướng tới các buổi hội chợ vintage và các biến tấu thời trang của những chiếc váy dirndl được các quý cô Salzburger chưng diện.
Khi trò chuyện với những người tham gia lễ hội, rõ ràng là trang phục Tracht phản ánh một nước Áo hiện đại với cách giải thích mới về văn hóa truyền thống vui tươi, sáng tạo và yêu quý đất nước.
“Cả nhà chúng tôi hôm nay đều mặc trang phục này, nhưng chúng tôi mỗi người tự có cách sáng tạo của mình,” một sinh viên vừa nói với tôi vừa chỉ tay về phía các anh chị em của mình.
Một nhà thiết kế trẻ tuổi là Lena Hoschek, cũng có cùng một quan điểm như vậy. Cô đã tự may cho mình một chiếc váy dirndl đầu tiên vào năm cô 13 tuổi cùng với sự giúp đỡ của bà ngoại, trước khi trở thành một nhà thiết kế thời trang quốc tế sau này.
Nhà thiết kế Hoschek đem bản sắc cá nhân vào các bộ váy Dirndl để tạo ra một số bộ sưu tập cap cấp nhằm tôn vinh và làm nổi bật phong cách truyền thống và thân hình đồng hồ cát đầy nữ tính của phái đẹp.
Sự hồi sinh của bia tươi
Cũng theo cách tương tự mà trang phục Tracht đã truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế trẻ và một thế hệ mới làm quen và phát triển trang phục truyền thống của đất nước Áo, lịch sử sản xuất bia của Salzburg cũng đã gây được tiếng vang với các nhà sáng tạo trẻ muốn phát triển các nhãn hiệu bia thủ công của riêng họ.
Xung quanh khu vực hội chợ, rất nhiều lá cờ bay phấp phới bên trên các quầy hàng với các tên tuổi như Stiegl, Hofbräu, Die Weisse, Trumer Pils, Gusswerk – quy tụ hầu hết các nhà máy bia thuộc sở hữu gia đình từ khắp vùng đất này, mỗi nhà đều có những câu chuyện của riêng đặc sắc.
“Lễ hội Thánh Rupert vẫn đang dần nóng lên, nếu bạn muốn thử một trong những loại bia ngon nhất và lâu đời nhất của Salzburg thì chúng ta sẽ lên đến nơi đó,” hướng dẫn viên của chúng tôi vừa nói vừa chỉ tay về phía Pháo Đài HohenSalzburg uy nghiêm.
Nằm trên đỉnh đồi Mönchsberg, tòa lâu đài đã canh phòng cho cả vùng trung tâm Thành Phố Salzburg. Nơi đây đã được Unesco công nhận là Di Sản Thế Giới từ thế kỷ 11th. Từ đây, bạn có thể phóng tầm nhìn ấn tượng ra phía xa đến các ngọn núi phủ đầy tuyết trắng của dãy Alps, một trong số đó là Đỉnh Untersberg cao đến 1,972m từ thị trấn Grödig gần đó.
Chúng tôi đã thăm đỉnh núi Untersberg bằng cáp treo thẳng đứng, đung đưa một cách ngoạn mục sát với mặt vách đá lởm chởm, trước khi thưởng cho chúng tôi một vòng quay để ngắm toàn cảnh vùng Salzburgerland.
Từ Pháo đài HohenSalzburg, chúng tôi đi theo một con đường rừng trải dài về phía bắc dọc theo sườn núi Mönchsberg đến Mülln và Nhà máy bia Augustiner, từ đây sẽ có các góc nhìn khác nhau hướng về thành phố và tòa pháo đài xuyên qua các hàng cây.
Hầu hết những khung ảnh đẹp nhất của thành phố là được chụp từ gò đất cao của Bảo Tàng Nghệ Thuật Đương Đại, bao quát toàn cảnh con Sông Salzach uốn lượn cắt ngang qua trái tim của Salzburg. Dòng sông chảy xiết này được nuôi dưỡng bởi những con sông cần mẫn nằm ở dãy Alps và chính dòng nước tinh khiết từ những ngọn núi này đã duy trì di sản nấu bia của vùng Salzburg.
“Các tòa nhà tu viện hiện vẫn còn được bảo tồn trên sườn phía Bắc của ngọn Mönchsberg kể từ khi thành lập bào năm 1621 bởi các tu sĩ dòng Augustino,” người hướng dẫn của chúng tôi cho biết khi chúng tôi đang đi xuống theo một chiếc cầu thang lớn bên trong nhà máy bia Augustiner Bräu. Từ nơi đây sẽ đến được Schamankerlgang, tên được đặt cho một nơi bán thức ăn ngon và có thể mua được các đặc sản địa phương.
Chúng tôi nhấc một chiếc ca bằng gốm sứ từ kệ hàng và chờ bia Bräustübl được chiết trực tiếp ra từ những chiếc thùng gỗ. Với một ca bia to đùng trong tay cùng một đĩa thịt nguội, chúng tôi hòa vào những con người đang tận hưởng niềm vui ở đây, và tham gia vào một trong số nhiều bàn ăn chung ở Stockhammersaal, hội trường to lớn nhất trong số năm hội trường ở đây.
Tại đây chúng tôi đã gặp một trong số những nhà sản xuất bia thủ công trẻ tuổi của Salzburg, anh ấy đến Augustiner vì một số lý do: “Đầu tiên là vì bầu không khí xã hội và thân thiện ở đây, tiếp nữa là để được truyền cảm hứng từ một nhà máy nấu bia lâu đời lên đến hàng thế kỷ và để suy nghĩ về nguồn nước của thành phố từ những ngọn núi vẫn có thể sử dụng để tạo ra hương vị đặc trưng của Bia Augustiner.”
Anh ấy đặt tinh thần khởi nghiệp của mình vào thực tế rằng Salzburg là một vùng đất độc lập từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 19 và có lịch sử bảo vệ và gìn giữ văn hóa nghệ thuật truyền thống vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Anh bộc bạch rằng: “Sự tự chủ này có thể vẫn tồn tại tốt đẹp trong tinh thần của người dân Salzburg, chứ không phải trên tấm bản đồ.”
Có lẽ đây chính là điều làm cho chuyến đi đến Salzburg trong dịp Lễ Hội Thánh St. Rupert trở nên thật đặc biệt, vì bản chất chân thật của thành phố được thể hiện, và bạn có thể thấy trang phục truyền thống của những thanh thiếu niên tại Salzburg là thời thượng như thế nào.
Để có thêm thông tin về các ngày lễ ở Thành phố Salzburg và nước Áo, hãy truy cập vào trang www.salzburg.info và www.austria.ìno
Ramy Salameh là một nhà báo du lịch từng đoạt giải thưởng với tư cách là thành viên của NUJ và Câu lạc bộ Báo chí London.
Ramy Salameh là một nhà báo du lịch và chuyên gia PR quốc tế từng đoạt giải thưởng. Anh ấy là ‘Thành viên của Liên minh Nhà báo Quốc gia’ làm việc với tư cách là một nhà văn du lịch tự nguyện và tự do và đã viết về các địa điểm khác nhau trên toàn cầu. Anh ấy coi việc viết lách như một sở thích nghề nghiệp cùng với vai trò hiện tại là Giám đốc PR cho Tổ chức Du lịch Hàn Quốc ở London mà anh ấy đã đảm nhiệm hơn 14 năm. Ramy sử dụng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đáng kể của mình trong lĩnh vực du lịch trong nhiều thập kỷ để giúp phát triển chương ‘Cuộc Họp của Những Nhà Hoạch Định Quốc Tế” ở London với tư cách là Giám đốc truyền thông của họ.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: