Lập trường của Bắc Kinh giữa Moscow và Hoa Thịnh Đốn trong vấn đề Ukraine
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm được vị trí ngư ông đắc lợi từ việc leo thang căng thẳng ở Ukraine — mặc cho bất kể bên nào, nếu có, khơi mào một cuộc đối đầu quân sự giữa Kyiv và Moscow.
Hôm 19/02, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trình bày tại Hội nghị An ninh Munich, kêu gọi từ chối chia rẽ đối đầu và thay vào đó nắm lấy “ngọn cờ của chủ nghĩa đa phương.”
Những thông báo này diễn ra trong lúc tình hình địa chính trị đang xấu đi nhanh chóng ở miền Đông Ukraine. Ông Vương đã tái khẳng định cam kết của Trung Quốc đối với “chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ” của tất cả các nước. “Ukraine không phải là ngoại lệ đối với nguyên tắc này.”
Lời kêu gọi của giới lãnh đạo ĐCSTQ về một giải pháp ngoại giao và ngừng gây hấn trong khu vực này không nên được hiểu là một hành động rời bỏ trục Moscow-Bắc Kinh đang ngày càng bền chặt; mà thay vào đó, lời kêu gọi này là hiện thân của cách tiếp cận chính trị thực tế, đặt Trung Quốc lên trên hết trong các mối quan hệ quốc tế, vốn là nền tảng của chính sách ngoại giao của ĐCSTQ. Đó thực sự là nguyên tắc Sao Bắc Cực duy nhất chỉ dẫn cho việc đưa ra quyết định của Trung Quốc.
Nhiều người đã coi cuộc gặp hôm 04/02 giữa lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin là dấu hiệu cho thấy một liên minh chống phương Tây đang phát triển giữa hai quốc gia này. Đây chỉ là một phần của câu chuyện. Dẫu ĐCSTQ luôn sẵn sàng bày tỏ sự đoàn kết đối với bất kỳ quốc gia nào dám thách thức sự ưu việt của Hoa Kỳ trong trật tự quốc tế — đặc biệt nếu thách thức đó là một thử thách thuộc loại quân sự — Bắc Kinh là một địch thủ quá lọc lõi để có thể cam kết với nước Nga của ông Putin đến mức không chừa lại đường lui cho mình.
Thay vào đó, ông Tập đã cẩn thận lựa chọn một lập trường địa chính trị để bảo đảm lợi ích kinh tế của Trung Quốc được nâng cao bất kể kết quả của tình hình này là gì. Các nguồn tin phương Tây cho biết các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine đã pháo kích; truyền thông Nga cho rằng ngày càng có nhiều cuộc pháo kích do Kyiv ra lệnh vào khu vực Donbas, dẫn đến thương vong cho dân thường. Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào khu vực này, thì các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc sẽ là kết quả chắc chắn.
Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất nhận thấy mình có lợi thế nếu điều này xảy ra. Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin đã dẫn đến hơn 16 thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ giữa hai nước. Điều này bao gồm một cam kết của Trung Quốc về việc mua dầu và khí đốt của Nga trị giá hơn 100 tỷ USD.
Việc Nga bị tẩy chay khỏi cộng đồng kinh tế thế giới chắc chắn sẽ khiến nước này phụ thuộc hơn vào mối bang giao với Trung Quốc, và do đó, sẽ đặt nước này vững chắc hơn dưới sự ảnh hưởng của sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ có lợi thế trong việc đàm phán lại các thỏa thuận đã thực hiện với Moscow để có được các điều khoản tốt hơn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ chẳng dại gì giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt được áp đặt lên nước này. Các quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ là những đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc, mức độ hợp tác kinh tế hiện tại của Trung Quốc với các quốc gia này cao hơn nhiều so mức độ hợp tác kinh tế với Moscow.
ĐCSTQ cũng có mối quan hệ song phương bền chặt với Ukraine, và sẽ không sẵn sàng từ bỏ mối liên hệ đối tác đó. Kyiv đang là thành viên của dự án đầu tư Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, hay còn gọi là “Một vành đai, một con đường”) của Trung Quốc, khiến nước này trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng quốc tế không ngừng của Bắc Kinh. Đứng về phía Nga trong vấn đề Ukraine cũng có thể lập nên một ví dụ xấu cho các quốc gia muốn tham gia BRI khác (hoặc ít nhất là các quốc gia mà Trung Quốc muốn họ tham gia BRI).
Trung Quốc cũng muốn bảo đảm rằng họ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Bắc Kinh từ lâu đã thể hiện mình ủng hộ chủ quyền nhà nước và tin rằng không có bên thứ ba hoặc thể chế đa phương nào có quyền thực hiện hành động trực tiếp chống lại các chính sách trong nước của một quốc gia khác. Đó là một phần lý do tại sao Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận việc Nga chiếm Crimea vào năm 2014.
Tuy nhiên, để mà coi lập trường của Nga về miền Đông Ukraine và Crimea là tương đồng với lập trường của Trung Quốc về Đài Loan thì lại là một phép so sánh sai lầm, bởi vì Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một phần của đất nước mình. Do đó, bất kỳ hành động nào — kể cả bằng vũ lực — để thống nhất hai quốc gia đều được ĐCSTQ coi như không chỉ là hành động hợp pháp mà còn là một điều tất yếu.
Tuy nhiên, giống như việc cam kết của Trung Quốc với Nga tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc tế, việc nước này tạm về phe Hoa Kỳ và Tây Âu cũng không nên quá được chú trọng. Bằng chứng hơn nữa cho thấy Trung Quốc đang dự phòng cho các khoản cá cược của mình và không cam kết quá mức theo cách này hay cách khác là việc gần đây Bắc Kinh đã lên tiếng lên án mối liên hệ quốc phòng của Hoa Kỳ với Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã công bố các biện pháp đối phó với các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ là Công ty Raytheon và Tập đoàn Lockheed Martin. Trích dẫn “các điều khoản liên quan của luật chống trừng phạt từ ngoại quốc,” ông Uông đã nêu lên ý định của Bắc Kinh để “bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.”
Nga và Trung Quốc đều đồng ý với nguyên tắc chủ quyền của nhà nước và không chấp nhận các hành vi xâm phạm đa phương vào công việc nội bộ của các nước. Một ví dụ về sự thống nhất của họ trên mặt trận này là việc cả hai đều đã bỏ phiếu trắng cho vùng cấm bay đối với Libya vào năm 2011. Một ví dụ khác là cả Moscow và Bắc Kinh đều lên án các cuộc không kích của NATO vào Serbia năm 1998.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với vấn đề chủ quyền lại liên quan nhiều hơn đến lợi ích quốc gia và ít liên quan hơn đến nguyên tắc. ĐCSTQ men theo một lối đi hẹp khi vừa lên án việc Hoa Kỳ coi thường lợi ích an ninh của Nga, vừa không đồng tình với bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào ở miền Đông Ukraine (kể cả khi bên sử dụng vũ lực là Moscow) và kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.
Nếu một cuộc đối đầu quân sự bùng nổ ở miền Đông Ukraine, thì sẽ khó có thể phân định rõ ràng là ai đã sử dụng vũ lực đầu tiên. Việc nói qua nói lại về các cuộc pháo kích và các cáo buộc về các chiến dịch “cờ giả” (vu oan giá họa — dịch giả) khiến cho chắc chắn cả hai bên sẽ đổ lỗi cho bên kia.
Bất chấp điều đó, Bắc Kinh đã đặt mình vào vị thế sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế và địa chính trị nhất có thể từ một cuộc đối đầu quân sự — hoặc không — ở Ukraine.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Dominick Sansone viết về quan hệ quốc tế tập trung vào chính trị so sánh, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, và quan hệ Nga-Trung. Ông từng nhận được học bổng Fulbright ở Bulgaria, ông cũng đã sống ở Bắc Macedonia và Bologna, Ý. Các bài viết của ông được đăng trên National Interest, RealClear Defense, và American Conservative.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: