Lập trường của ông Biden và ông Trump về Trung Quốc
Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Donald Trump có những cách tiếp cận khác nhau khi đối phó với Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các cố vấn chính trị và chuyên gia về Trung Quốc chỉ ra mối quan hệ lịch sử hàng thập kỷ của Bắc Kinh với ông Biden. Với tư cách là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông Biden đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, dẫn đến mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ.
Từ lâu, Bắc Kinh đã bị cáo buộc lợi dụng vị thế của mình trong WTO với tư cách là một “quốc gia đang phát triển” để thực hiện một loạt các hành vi thương mại không công bằng, mà các quan chức và chuyên gia của ông Trump đã thốt lên rằng, hầu như không bị trừng phạt – ít nhất là thông qua các quy định hiện hành của WTO.
Ông Biden đã lên tiếng chỉ trích chế độ này nhiều hơn về những vi phạm nhân quyền trong khi chiến dịch tranh cử của ông tô vẽ ông như một người sẽ đối đầu với Trung Quốc về mặt kinh tế. Ông Trump, trong khi đàm phán về các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đã chỉ trích dữ dội quốc gia này vi phạm nhân quyền, đồng thời gặp gỡ các nạn nhân bị đàn áp bởi chủ nghĩa cộng sản tại Phòng Bầu dục. Ông cũng nhiều lần nêu ra triển vọng tách rời khỏi Trung Quốc để chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào sản xuất tại nước này.
Theo Brian Kennedy, chủ tịch của “Ủy ban về mối nguy hiểm hiện tại: Trung Quốc,” và tác giả của cuốn “Chiến tranh Trung Quốc ngay tại Hoa Kỳ”, cách tiếp cận của hai nhà lãnh đạo đối với Trung Quốc là “khác nhau về căn bản, đặc biệt là về kinh tế”.
Ông nói với The Epoch Times: “Tổng thống Trump tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế đối với tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ và sự thịnh vượng trong tương lai của quốc gia chúng ta”. Phó Tổng thống Biden là người theo chủ nghĩa toàn cầu, người tin rằng bạn phải đặt lợi ích kinh tế của thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trước lợi ích của Hoa Kỳ.”
“Thật không may, ông [Biden] vẫn coi Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển,” ông nói thêm. Ông Biden đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Ông Trump buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, trong khi với ông Biden, “bạn thấy mong muốn trường kỳ của ông ấy là đảm bảo rằng CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] có thể tiếp cận được Wall Street,” Kennedy nói thêm.
Vào năm 2013, sau những cuộc họp giữa các quan chức Trung Quốc và ông Biden, chính quyền Obama đã cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư vào thị trường vốn Hoa Kỳ mà không bị các cơ quan quản lý Hoa Kỳ kiểm tra sổ sách.
Michael Johns, người từng viết bài phát biểu của Tòa Bạch Ốc cho George H.W. Bush và một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Quỹ Di sản, nói với The Epoch Times rằng ông Trump hiểu cách mà Trung Quốc đã thao túng vai trò của mình trong các tổ chức quốc tế và “đang sử dụng những nỗ lực tích cực và tinh vi để mở rộng ảnh hưởng quân sự, tình báo và kinh tế toàn cầu”.
Dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh lo ngại rằng cơ quan này chịu ảnh hưởng nặng nề từ chế độ Trung Quốc.
Khi nói đến mối quan hệ của ông Biden với Trung Quốc, không còn sự khác biệt nào rõ ràng hơn. Johns nói, ông tin rằng chắc chắn Biden đã “tận dụng” mối quan hệ của mình với Trung Quốc“ vì lợi ích tài chính trực tiếp của con trai ông ấy” chính là Hunter Biden. Điều đó trái ngược với những cảnh báo của ông Trump trong nhiều thập kỷ về việc Trung Quốc đã “cố ý phá hủy cơ sở sản xuất của chúng ta”, ông nói.
Ông Biden và con trai của mình, từng là thành viên ban giám đốc của một công ty cổ phần tư nhân do Trung Quốc hậu thuẫn, đều đã công khai phủ nhận mọi hành vi sai lầm liên quan đến Trung Quốc.
“Trong suốt 47 năm sự nghiệp của mình ở Washington, ông Biden đã tham gia hỗ trợ… một trong những lời nói dối về chính sách đối ngoại lớn nhất từng được nói đến là: sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự hài hoà và tự do hóa hơn trong cách tiếp cận với Hoa Kỳ và thế giới tự do, và trong cả vấn đề nhân quyền”, Johns nói.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển từ khoảng “300 tỷ đô la năm 1980 lên 14 ngàn tỷ đô la vào năm ngoái”, thì giới lãnh đạo cộng sản của nó “đã trở nên hung hãn hơn, chứ không phải ngược lại”, Johns cho biết và nói thêm rằng Trung Quốc hiện đại diện cho một trong những “quốc gia có điều kiện nhân quyền tồi tệ nhất so với bất kỳ quốc gia nào. ”
Các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng Bắc Kinh muốn ông Trump thua trong năm nay. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công khai lên tiếng ủng hộ cho chức vị tổng thống của ông Biden, chế độ này nói rằng đàm phán với ông sẽ “dễ chịu” hơn so với TT Trump.
Hồ sơ Trung Quốc
Blair Brandt, một cố vấn chính trị, nói rằng từ sự xác thực về vị thế, hồ sơ theo dõi hoặc các kế hoạch trong tương lai, TT Trump nhận ra rõ ràng mối đe dọa từ Trung Quốc, trong khi ông Biden vẫn giữ thái độ của các chính quyền trước đây.
“Ông Trump đã hết lần này đến lần khác chứng tỏ rằng về cơ bản ông ấy hiểu và sẵn sàng đương đầu với mối đe dọa hiện hữu đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi Joe Biden có vẻ bằng lòng với việc giữ nguyên hiện trạng”, Brandt nói với The Epoch Times.
Ông nói thêm: “Chúng ta không còn có thể cho phép các doanh nghiệp và việc làm của Hoa Kỳ, những thứ đáng lẽ nằm trong phạm vi bờ biển của chúng ta, lại giúp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, điều khá trớ trêu là sau đó chúng lại được sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta trên mặt trân quân sự và không gian mạng”.
Thoạt tiên ông Biden đánh giá thấp mối đe dọa từ Trung Quốc. Tại điểm vận động tranh cử ở Iowa vào tháng 5 năm 2019, ông Biden từng nói, “Trung Quốc sắp cướp lấy bữa trưa của chúng ta sao? Đừng bi quan như vậy chứ”.
“Ý tôi là, bạn biết đấy, họ không phải là những người xấu, này các bạn”, ông Biden nói vào thời điểm đó. “Đoán xem, với chúng ta họ không phải là đối thủ cạnh tranh.”
Sau khi nhận nhiều lời chỉ trích vì những bình luận của mình, chiến dịch của ông Biden đã áp dụng một giọng điệu gay gắt hơn đối với Trung Quốc.
Mối quan hệ của ông Biden với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng sâu sắc hơn. Họ biết nhau khi ông Biden là Phó Tổng thống. Vào năm 2015, ông Biden lưu ý rằng ông và ông Tập “đã có vô số cuộc thảo luận riêng tư vượt ra ngoài những cuộc hội thoại thông thường”.
“Tôi đã trao đổi với chủ tịch [Tập] điều này sau nhiều cuộc họp giữa chúng tôi – rằng tôi ấn tượng với sự kiên cường, quyết tâm của chủ tịch và năng lực của ông ấy để tiếp quản những gì ông ấy được kế thừa”, ông nói.
William S. Bike, tác giả của cuốn sách “Chiến thắng trong các chiến dịch vận động chính trị”, cho biết ông Trump tin rằng nỗ lực của ông Obama trong việc chọn Trung Quốc làm đối tác chiến lược là một “thất bại” và ông đã “thể hiện một giọng điệu cứng rắn và cả các hành động cứng rắn hơn”.
Nếu ông Trump tái đắc cử, Bike cho biết ông hy vọng chính quyền Trump sẽ lên án mạnh mẽ và có chính sách cứng rắn để “đẩy mạnh kế hoạch hơn nữa”.
Bike trao đổi với The Epoch Times qua email: “Nếu ông Biden đắc cử, Hoa Kỳ sẽ không thể quay lại chính sách của thời Obama trong bối cảnh hợp tác với Trung Quốc ngay lập tức, vì mối quan hệ đang quá căng thẳng”. “Thay vào đó, ông Biden sẽ tiến hành tăng khả năng cạnh tranh kinh tế của Hoa Kỳ và siết chặt các liên minh và quan hệ đối tác ở Viễn Đông để gây áp lực kinh tế và ngoại giao từ bên ngoài đối với Trung Quốc, khiến họ phải hợp tác với Hoa Kỳ.”
Tại một hội nghị bàn tròn năm 2011 ở Bắc Kinh, ông Biden nói: “Tổng thống Obama và tôi, chúng tôi hoan nghênh, khuyến khích và không thấy gì ngoài những lợi ích tích cực do đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ từ các doanh nghiệp Trung Quốc và các tổ chức, pháp nhân đến từ Trung Quốc.”
Mối quan hệ trong quá khứ của Biden với ông Tập cũng giúp ông có cơ hội “xây dựng mối quan hệ công việc cá nhân với Chủ tịch Trung Quốc”, theo Bike.
Chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump hứa sẽ đối đầu với Trung Quốc về các hoạt động kinh tế không công bằng của quốc gia này. Các chuyên gia nói rằng cách tiếp cận của Tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là chưa từng có về độ cứng rắn. Ông Trump đã thi hành một cách tiếp cận an ninh quốc gia “toàn chính phủ” để chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, ở quy mô lớn tới mức mà chưa từng thấy ở các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ.
Ông Trump đã nhiều lần trừng phạt các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả việc Trung Quốc ủng hộ luật an ninh quốc gia độc tài mới ở Hồng Kông và vì những hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.
Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây đã tiết lộ rằng cơ quan này hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra đang hoạt động mà có nguồn gốc từ Trung Quốc, đánh dấu sự gia tăng khoảng 1.300% các cuộc điều tra gián điệp kinh tế có liên quan đến chế độ Trung Quốc.
Ông cho biết cứ mỗi 10 tiếng, văn phòng lại mở thêm “một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc.”
Bộ Ngoại giao cũng phê phán “cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ về đức tin” của Trung Quốc, bao gồm cả cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Một số công ty do Trung Quốc hậu thuẫn đã bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen vì các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.