Lao động di trú nhiễm COVID trách chính quyền Trung Quốc để dịch lây lan tại bệnh viện
Lao động di trú từ khắp vùng đông bắc của Trung Quốc đã được tuyển đến làm việc ở tỉnh Cát Lâm, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, để mau chóng thi công các bệnh viện cách ly dã chiến. Nhưng toàn bộ những nhóm công nhân này sau đó đã bị lây nhiễm từ các ca bệnh cách ly được đưa đến các bệnh viện mà họ đang phụ trách, vì việc thi công vẫn chưa hoàn thiện.
Theo các công nhân, chính quyền địa phương đã che giấu các ca nhiễm và không cung cấp bất kỳ sự chăm sóc hay hỗ trợ nào cho họ.
Một số công nhân xây dựng đang làm việc tại bệnh viện dã chiến Đại Hồng Thổ Cát Lâm nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng hàng trăm đồng nghiệp của họ đã bị nhiễm bệnh và tất cả bọn họ đều được điều chuyển từ trung tâm cách ly này sang trung tâm cách ly khác mà không được điều trị, khiến họ có cảm giác chính quyền địa phương không quan tâm đến họ.
Theo sau Thượng Hải, Cát Lâm đang ghi nhận đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất của mình.
Hôm 01/04, ông Trương Lực (Zhang Li), Phó giám đốc Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Cát Lâm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo rằng tỉnh Cát Lâm đã mở tổng cộng 22 bệnh viện dã chiến với 31,786 giường, và hiện đang điều trị cho 24,181 bệnh nhân.
Các quan chức thành phố Cát Lâm thừa nhận rằng nhiều ca nhiễm đã xảy ra tại công trường thi công bệnh viện dã chiến ở Khu Công nghệ cao Phía Bắc của thành phố vào ngày 28/03. Tuy nhiên, các quan chức địa phương đã khẳng định rằng không có sự lây nhiễm virus ở công trường, và rằng các quyền cũng như lợi ích của người lao động đã được bảo vệ và bảo đảm một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều công nhân ở nhiều công trường đã báo cáo họ bị nhiễm COVID-19 vì ở gần các bệnh nhân đang được cách ly tại những bệnh viện này.
Một số công nhân tại công trường xây dựng bệnh viện dã chiến Đại Hồng Thổ Cát Lâm đã nói với The Epoch Times vào ngày 31/03 về sự lây nhiễm virus tại nơi làm việc và điều kiện làm việc không tưởng của họ. Họ đổ lỗi cho công ty xây dựng và sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương khiến họ nhiễm bệnh.
Công nhân Đàm Thông Minh (Tan Congming, hóa danh) nói với The Epoch Times, “Khi công trình xây dựng của chúng tôi chưa hoàn thành, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe buýt đưa những trường hợp tiếp xúc gần đến bệnh viện dã chiến này. Nhiều người trong số họ có kết quả dương tính và ngày nào cũng có 120 người được chở đi (bằng xe cứu thương). Ban quản lý đã không nói với chúng tôi bất cứ điều gì, và nơi này chưa từng được phun khử trùng.”
Công nhân Tăng Đào (Zeng Tao, hóa danh) nói với The Epoch Times, “Họ đã đưa bệnh nhân vào đây trước khi việc xây dựng hoàn thành. Không có biện pháp bảo vệ nào. Một đợt bùng phát theo cụm đã xảy ra hôm 23/03 giữa các công nhân, và nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính cùng một lúc.”
Kể từ khi bắt đầu thi công vào giữa tháng Ba, các công nhân đã buộc phải làm việc theo ca 18 giờ. Có lần họ phải làm việc theo ca dài 24 giờ, sau đó họ chỉ được ngủ hai tiếng trước khi bị gọi dậy làm việc tiếp.
Hàng trăm công nhân đều ăn và ngủ tại công trường. Họ nói với The Epoch Times rằng Cục Kỹ thuật Xây dựng số 8 Trung Quốc, cơ quan giám sát việc thi công của họ, đã không cung cấp cho bất kỳ công nhân nào thiết bị bảo hộ.
Các công nhân tiết lộ rằng một số người trong số họ có kết quả dương tính tại công trường vào ngày 22/03, nhưng lãnh đạo Cục Xây dựng số 8 và thành phố Cát Lâm không cho họ ngừng tay ngay và thậm chí còn yêu cầu họ làm thêm giờ.
Hôm 24/03, những công nhân này đã được chuyển đến các địa điểm cách ly tập trung và cũng bị chuyển quanh đến các nơi khác nhau, sau khi trên mạng xã hội xuất hiện các bài đăng về chuyện có một số công nhân đã bị nhiễm COVID-19.
“Theo tôi biết, hiện có thể có hơn 400 công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính,” anh Đàm, người cũng có kết quả dương tính, cho hay. Anh cho biết anh cảm thấy nguy cơ lây nhiễm tăng lên khi các nhà chức trách di chuyển họ từ cơ sở này sang cơ sở khác.
Công nhân Mã Kỳ (Ma Qi, hóa danh) nói với The Epoch Times hôm 30/03 rằng hơn 100 ca bệnh, bao gồm cả anh, đã được chuyển từ Bạch Thành đến bệnh viện dã chiến trong trường Cao đẳng Nữ sinh Cát Lâm. Quá trình di chuyển này mất bảy giờ đồng hồ.
Anh Mã cho hay: “Ở đây, chúng tôi không hề được cấp thuốc, cũng không được xét nghiệm. Những bệnh nhân ho ra máu hay bị sốt cao cũng không được cho một viên thuốc nào. Những trường hợp tiếp xúc gần và những ca dương tính đều bị đưa hết vào cùng một phòng.”
Anh Mã cho biết điều kiện trong các bệnh viện rất tồi tàn: “Có khoảng 2,000 người trong bệnh viện cách ly dã chiến này. Tám người ở chung một phòng giường tầng, cả nam lẫn nữ. Đồ ăn được phát đều đã nguội lạnh. Trong phòng già trẻ trai gái đều có cả. Một người cha và hai con trai phải ngủ chung một giường. Hệ thống thông gió trong phòng rất tệ.”
The Epoch Times đã gọi điện đến Chi nhánh Đông Bắc của Công ty TNHH Cục Kỹ thuật Xây dựng số 8 Trung Quốc, để hỏi về việc nhiễm bệnh và cách ly của hàng trăm công nhân xây dựng, đồng thời kêu gọi bồi thường. Một nhân viên nói rằng tất cả chỉ là tin đồn trên mạng.
Những người được phỏng vấn đã được đặt hóa danh để không bị nhà cầm quyền trả đũa.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Cổ Thanh Nhi và Cố Hiểu Hoa
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: