Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình báo hiệu quay trở lại thời Mao
Hôm 04/04/2021, ngày Lễ Phục sinh, là cùng ngày với Lễ hội Thanh Minh ở Trung Quốc, còn được gọi là Ngày Tảo mộ, ngày mà người Trung Quốc tôn kính tổ tiên và tụ họp gia đình để tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Vào ngày này, Trung Cộng đã lặng lẽ mở đường [cho người dân thăm viếng] mộ của bà Giang Thanh, vợ cựu Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, nhưng lại chặn đường vào ngôi mộ của cựu Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, người đã từ chức vì phản đối vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Việc mở cái này và đóng cái khác đã đưa ra một tín hiệu chính trị quan trọng.
Hôm 04/04, nhà văn Trung Quốc Gao Falin đã tweet rằng, “Vào lúc này, là sáng ngày 04/04 ở Trung Quốc. Tôi nhận được một bài viết: Hôm nay là Ngày Tảo mộ. Những điều kỳ lạ đang diễn ra ở Bắc Kinh—có rất nhiều người tỏ lòng kính trọng đối với bà Giang Thanh. Lối đi đến mộ của ông Tử Dương đã được canh gác và không ai được phép đến gần nó.”
Ngày hôm sau, bà Thái Hà, một cựu giáo sư của Trường Đảng Cộng sản hiện đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, đã đăng lại dòng tweet này và giải thích: “Mọi người không được phép bày tỏ lòng thành kính đối với mộ của ông Triệu Tử Dương, và mộ của bà Giang Thanh lại mở cửa cho công chúng. Điều này nói rõ ai là người mà chính quyền Trung Cộng ngưỡng mộ và sợ hãi.”
Giang Thanh: Người thực hiện Cách mạng Văn hóa
Bà Giang Thanh, trước đây được gọi là Lý Vân Hạc, người vợ cuối cùng của ông Mao Trạch Đông, là người tiên phong của ông Mao trong việc phát động Cách mạng Văn hóa. Với thân phận đặc biệt của mình, bà Giang Thanh đã luôn ở tuyến đầu kể từ khi ông Mao phát động Cách mạng Văn hóa vào năm 1966. Bà ta đã kích động xung đột dân sự và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Trong nhiều dịp, bà ta đã đóng vai trò là phát ngôn viên của ông Mao.
Sau cái chết của ông Mao năm 1976, bà Giang Thanh bị bắt với tư cách là thành viên của Bè lũ Bốn tên và bị kết án tử hình cho hưởng án treo. Năm 1991, bà ta tự sát trong nhà tù Tần Thành tại Bắc Kinh. Kể từ đó, từ “Giang Thanh” đã là chủ đề cấm kỵ đối với Trung Cộng.
Kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình, Trung Cộng đã giữ thái độ tiêu cực đối với Cách mạng Văn hóa. Mọi người đã không được phép đến thăm mộ của bà Giang Thanh. Giờ đây, Trung Cộng lại mở cửa khu mộ của bà Giang Thanh cho công chúng, đây được coi là một tín hiệu mạnh mẽ rằng ông Tập Cận Bình sẽ trở lại thời Mao.
Bà Giang Thanh cũng là người quảng bá quan trọng cho các vở kinh kịch cách mạng trong thời Cách mạng Văn hóa. Các vở kinh kịch cách mạng, hay còn gọi là các vở kinh kịch kiểu mẫu, là những vở nhạc kịch Bắc Kinh Trung Hoa truyền thống được “cải cách” với các yếu tố âm nhạc hiện đại. Nội dung đều là các vở kịch “đỏ” quảng bá cho Trung Cộng. Vào thời đại đó, tất cả các vở kinh kịch Trung Hoa truyền thống đều bị cấm. Bà Giang Thanh đã sử dụng các vở kinh kịch kiểu mẫu để thay đổi nghệ thuật truyền thống và biến nó thành vũ khí để bức hại những người bất đồng chính kiến.
Vào tháng Bảy năm nay, các buổi biểu diễn ca kịch của Trung Cộng kỷ niệm trăm năm ngày thành lập đảng này sẽ một lần nữa trình diễn những vở kinh kịch kiểu mẫu đỏ đó. Về vấn đề này, nhà bình luận các vấn đề thời sự của đài NTD Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) tin rằng ông Tập Cận Bình đang phát động một cuộc cách mạng văn hóa mềm. Ông nói, “Việc ông Tập quảng bá các vở kinh kịch kiểu mẫu đó báo hiệu rằng ông ta đã phát động một chiến dịch thanh trừng các giới tư tưởng và văn sỹ từ bây giờ cho đến khi ông ta hoàn tất việc tái đắc cử.”
Triệu Tử Dương: Chủ đề cấm kỵ lớn nhất của Trung Cộng
Ông Triệu Tử Dương, một trong những tổng bí thư của Trung Cộng dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, là người ủng hộ cải cách chính trị quan trọng. Vì những đề nghị của ông khác với những cải cách kinh tế của ông Đặng, nên ông Đặng gọi ông là người theo chủ nghĩa tự do, và từ chối chấp nhận ông.
Trong phong trào sinh viên năm 1989, ông Triệu bị lật đổ vì ông đồng tình với sinh viên, phản đối sự đàn áp, và phơi bày mâu thuẫn của ông với ông Đặng trước cộng đồng quốc tế. Ông Triệu bị quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào năm 2005. Sau khi ông Triệu qua đời, tro cốt của ông được lưu giữ tại tư dinh ở Bắc Kinh cho đến khi gia đình ông được phép chôn cất ông cùng vợ ông vào ngày 18/10/2019. Vợ của ông, bà Lương Bá Kỳ (Liang Boqi), qua đời vào năm 2013.
Vì những đề nghị cải cách của ông Triệu Tử Dương đã được lòng dân chúng, nên hàng năm vào ngày giỗ của ông Triệu có rất nhiều người đến nơi ở cũ của ông để bày tỏ lòng thương tiếc. Ngày này được coi là một thời điểm nhạy cảm, và Trung Cộng luôn cử một lượng lớn cảnh sát đến chặn đường. Về vấn đề này, ông Li Yanming, một nhà bình luận thời sự về vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, tin rằng ông Triệu đại diện cho dư luận ở một mức độ nhất định và gây ra một mối đe dọa cho Trung Cộng.
Theo một dòng tweet của nhà báo độc lập Trung Quốc Cao Du (Gao Yu), Trung Cộng đã thông báo cho gia đình ông Triệu chuyển ra khỏi nhà của ông ở Bắc Kinh. Cao Du đã đăng những bức ảnh có liên quan lên Twitter và để lại lời nhắn rằng, “Hôm nay là Tiết Thanh Minh, những chiếc hộp đã được đóng gói có mặt ở trong mọi căn phòng của dinh thự này nơi mà gia đình ông Tử Dương đã trú ngụ trong 32 năm. Đây có phải là Tiết Thanh Minh cuối cùng trong sân nhà này không?”
Ông Tập quay trở lại hệ thống của Mao để tập trung hóa
Ông Tập là lãnh đạo đảng thứ hai kể từ thời Mao Trạch Đông nắm giữ quyền lực của đảng, chính phủ, và quân đội. Năm 2017, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội Đặc sắc Trung Quốc cho Kỷ Nguyên Mới” đã được đưa vào điều lệ đảng này, đưa ông Tập trở thành nhà lãnh đạo đảng thứ hai có một hệ thống tư tưởng trong lịch sử của Trung Cộng. Ông được mệnh danh là “Tập Trạch Đông.”
Ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), một học giả chính trị ở Thượng Hải, tin rằng mặc dù Tư tưởng Tập Cận Bình đã được ghi vào điều lệ đảng, nhưng các dấu hiệu định tính lâu nay cho thấy quyền lực thực sự của ông ta chưa đạt đến đỉnh cao như của ông Mao.
Ông Li Yanming chỉ ra rằng nếu ông Tập Cận Bình muốn hoàn toàn nắm giữ quyền lực, thì ngoài việc liên tục tấn công các lực lượng đối lập trong đảng thông qua chiến dịch chống tham nhũng của mình, ông ta còn phải kiểm soát vững chắc hệ tư tưởng của quốc gia, và sự cai trị tập trung và độc tài của ông Mao Trạch Đông là mô hình tốt nhất.
Về khía cạnh này, ông Li Yanming đã nhận xét rằng, “Ông Tập Cận Bình phải từ bỏ những ý tưởng cải cách của ông Đặng Tiểu Bình nếu ông ấy muốn quay trở lại thời Mao. Phát triển kinh tế sẽ giúp Trung Cộng có được sự ủng hộ từ người dân, nhưng Trung Cộng phải không được có những nhượng bộ về mặt chính trị. Mượn lời ông Tập nói vào cuối năm 2018 thì, đó là: “Chúng ta phải kiên quyết cải cách những gì cần phải và có thể thay đổi, chúng ta phải kiên quyết không cải cách những gì không nên và không thể thay đổi.”
Trên thực tế, kế hoạch trở lại thời Mao của ông Tập Cận Bình đã và đang được tiến hành rồi. Chẳng hạn như, vào ngày 15/09/2020, Văn phòng Trung ương Trung Cộng đã ban hành “Ý kiến về việc Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của Nền Kinh tế Tư nhân trong Kỷ Nguyên Mới,” yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân phải luôn “nhạy bén về mặt chính trị,” khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào “các cải cách sở hữu hỗn hợp,” chấp nhận mặt trận thống nhất này, và tham gia tích cực vào các chiến lược lớn, bao gồm cả tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ngay từ ngày 20/09/2019, các quan chức của Hàng Châu, nơi tập trung các công ty lớn của Trung Quốc, đã thông báo rằng họ sẽ đưa 100 quan chức chính phủ vào 100 công ty bao gồm cả Alibaba, Hikvision Digital Tech, Geely Auto, và Wahaha Group. Họ sẽ trở thành nhóm Người đại diện cho Các vấn đề Chính phủ đầu tiên trong 100 công ty chủ chốt.
Mặc dù ông Tập Cận Bình đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để chuẩn bị cho sự trở lại trọn vẹn về thời Mao, nhưng liệu ông ta có thể được tái đắc cử tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng vào năm tới hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của đài NTD Đường Tĩnh Viễn tin rằng nếu ông Tập muốn xóa bỏ hoàn toàn đường lối của ông Đặng Tiểu Bình, thì cũng tương đương với việc cắt bỏ ý tưởng “thay nhau làm lãnh đạo” của các gia tộc quyền lực của Trung Cộng. Những gì ông ta đang phải đối mặt sẽ là một cuộc phản công điên cuồng từ nhiều đối thủ chính trị.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Winnie Han thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: