Lãnh đạo Kim của Bắc Hàn sẵn sàng khôi phục liên lạc với Nam Hàn
Seoul hối thúc Bình Nhưỡng mở lại đường dây nóng; Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp hôm thứ Năm.
Hôm 30/09, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã bày tỏ thái độ sẵn sàng khôi phục liên lạc vốn đã ngưng hoạt động với Nam Hàn, vài ngày sau khi Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng hành động như vậy.
Bài diễn văn của ông diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Hàn bắn một hỏa tiễn siêu thanh mới phát triển về phía Biển Nhật Bản ngoài khơi bờ biển phía đông nước này, đánh dấu đợt thử nghiệm vũ khí lần thứ ba chỉ trong hơn hai tuần.
Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp kín sau đó vào hôm 30/09 về cuộc thử nghiệm gần đây nhất của quốc gia ẩn dật này theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp.
Khôi phục đường dây nóng
Hôm 30/09, cơ quan ngôn luận nhà nước KCNA đưa tin, ông Kim nói rằng ông sẵn sàng khởi động lại đường dây nóng xuyên biên giới, mà phần lớn đã bị tạm dừng trong hơn một năm qua. Ông đã đưa ra nhận xét này tại quốc hội không thực quyền của Bắc Hàn vào hôm thảo luận thứ hai.
Bắc Hàn đã cắt đường dây nóng vào đầu tháng Tám, chỉ vài tuần sau khi hai miền Bắc và Nam Hàn khôi phục đường dây nóng này hôm 27/07. Hành động của Bắc Hàn rõ ràng là để trả đũa cho các cuộc tập trận chung giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ bắt đầu hôm 10/08.
Bộ Thống nhất Nam Hàn, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên Triều, hôm 26/09 đã thúc giục Bắc Hàn khôi phục các kênh liên lạc ngưng hoạt động như một điểm khởi đầu để khởi động lại các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950–53, vốn đã dừng lại với một lệnh ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình.
Hôm 30/09, Bộ Thống nhất Nam Hàn đã hoan nghênh bài diễn thuyết của ông Kim nói về các liên lạc xuyên biên giới và cho biết họ sẽ chuẩn bị cho việc khôi phục các đường dây nóng, mà họ cho là cần thiết để thảo luận liên quan đến nhiều vấn đề đang chờ giải quyết. Bộ Thống nhất Nam Hàn cũng nói thêm rằng họ mong đợi các kênh này “hoạt động ổn định.”
Trước đó hồi tháng 06/2020, Bắc Hàn đã cắt đứt liên lạc sau khi một hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình thất bại, sau đó Bắc Hàn đã cho nổ tung một tòa nhà văn phòng liên lạc liên Triều vốn được xây dựng để cải thiện thông tin liên lạc ngay bên trong biên giới nước này.
Những cáo buộc từ Bình Nhưỡng
Bộ đã không bình luận về các nhận xét khác của ông Kim hôm 30/09, liên quan đến việc ông chỉ trích Nam Hàn về các liên hệ với Hoa Kỳ. Ông Kim cũng cáo buộc Seoul đang “nỗ lực cầu xin sự trợ giúp và hợp tác từ bên ngoài trong khi kêu gọi hợp tác quốc tế để phụng sự cho Hoa Kỳ,” theo một bản dịch của The Associated Press.
Ông Kim cũng cáo buộc Hoa Kỳ không thay đổi “chính sách thù địch” đối với Bắc Hàn và tiếp tục các hoạt động quân sự của riêng mình trong khi tìm kiếm các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.
Theo một bản dịch của Reuters, ông Kim nói “Hoa Kỳ đang ca tụng việc ‘tham gia ngoại giao’ và ‘đối thoại không cần các điều kiện tiên quyết’ nhưng điều đó không hơn gì một thủ đoạn nhỏ để lừa dối cộng đồng quốc tế và che giấu các hành vi thù địch của mình.” Ông cũng cáo buộc chính phủ Tổng thống Biden “sử dụng nhiều cách thức và phương pháp xảo quyệt hơn.”
Hôm 28/09, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jalina Porter cho biết, “Chúng tôi vẫn cam kết tiếp cận ngoại giao với [Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên] và chúng tôi cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên tham gia đối thoại.”
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, trong bài diễn thuyết trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 21/09, đã kêu gọi chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và đề nghị hai miền Nam Bắc Hàn đưa ra một tuyên bố hòa bình mang tính biểu tượng. Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Thae Song cho biết lời kêu gọi này là quá sớm vì không có gì bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ rút lại “chính sách thù địch” của mình.
Trước vụ phóng hỏa tiễn siêu thanh gần đây nhất của Bắc Hàn hôm 28/09, quốc gia này đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm khác. Hôm 11 và 12/09, Bắc Hàn đã bắn thử nghiệm hỏa tiễn hành trình tầm xa mới có khả năng đánh trúng mục tiêu cách khoảng 932 dặm, điều này sẽ đặt tất cả các cơ sở quân sự của Nhật Bản và Hoa Kỳ trong phạm vi tấn công. Chỉ vài ngày sau đó, Bình Nhưỡng phóng hai hỏa tiễn đạn đạo từ một đoàn tàu, đánh trúng mục tiêu dự định cách đó 497 dặm.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên tại Úc. Cô phụ trách mảng tin tức thế giới và tập trung vào tin tức tại Hoa Kỳ. Cô có bằng Cử nhân về phương pháp đo thị lực và khoa học thị lực của Đại học New South Wales. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: