Lãnh đạo Hồng Kông phủ nhận quyền tự do báo chí của thành phố đứng trước nguy cơ ‘tuyệt chủng’
Sau khi hai hãng thông tấn độc lập địa phương đóng cửa trong những ngày gần đây, nối tiếp một cuộc trấn áp của cảnh sát đối với một trong số họ hồi cuối tháng 12/2021, nhà lãnh đạo Hồng Kông thân Bắc Kinh, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố rằng quyền tự do báo chí vẫn tồn tại ở thành phố này.
Bà Lâm nói trong một cuộc họp báo hàng tuần của bà hôm 04/01: “Sáng nay, tôi đọc tin tức về việc, bởi vì các hãng thông tấn trực tuyến đóng cửa, nên quyền tự do báo chí ở Hồng Kông đứng trước nguy cơ tuyệt chủng … Tôi thật đúng là không thể chấp nhận những lời cáo buộc kiểu đó.”
“Các ký giả và tổ chức truyền thông, cũng như tất cả chúng ta, phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp,” bà Lâm nói thêm, trước khi cho biết thêm rằng Hồng Kông không “đàn áp quyền tự do báo chí” mà là đang hành động “tuân theo luật pháp”.
Hôm 29/12, hơn 200 cảnh sát an ninh quốc gia đã đột kích vào văn phòng của Lập Trường Tân Văn (Stand News), chính thức trở thành hãng thông tấn địa phương thứ hai bị cảnh sát Hồng Kông đột kích vào năm 2021. Hồi tháng Sáu năm ngoái (2021), 500 cảnh sát đã đột kích trụ sở của tờ báo địa phương Apple Daily, và chưa đầy 10 ngày sau đó tờ báo này đã cho ra bản in cuối cùng của họ.
Cảnh sát cũng bắt giữ sáu giám đốc điều hành tiền nhiệm và đương nhiệm của tờ Lập Trường Tân Văn, cáo buộc họ tham gia vào “âm mưu xuất bản các ấn phẩm xúi giục nổi loạn”. Bốn người trong số họ, tất cả đều là các cựu thành viên hội đồng quản trị, bao gồm cả ca sĩ Hồng Kông nổi tiếng Hà Vận Thi (Denise Ho), đã được tại ngoại. Hai người khác – trong đó có cựu tổng biên tập Chung Phái Quyền (Chung Pui-kuen) – vẫn bị giam giữ sau khi bị buộc tội xúi giục nổi loạn và bị từ chối bảo lãnh hôm 30/12.
Vài giờ sau cuộc đột kích này, Lập Trường Tân Văn thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động. Cuộc đột kích kể từ đó đã làm dấy lên sự lên án của quốc tế.
Hôm 02/01, Citizen News thông báo rằng họ sẽ ngừng cập nhật trang web của mình vào ngày 04/01 do “môi trường truyền thông đã xấu đi”. Ông Chris Yeung, người đứng đầu hãng thông tấn này, nói với các phóng viên hôm 03/01 rằng quyết định đóng cửa được đưa ra vì nhân viên tại hãng “không còn nắm bắt được một cách rõ ràng các đường lối thực thi pháp luật”.
Hiện tại, trang web của Lập Trường Tân Văn không thể truy cập được và Citizen News đăng một thông điệp ngắn gọn trên trang web của mình để cảm ơn độc giả và tạm biệt họ.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 03/01, Hiệp hội Ký giả Hồng Kông cho biết họ rất “đau lòng” trước quyết định đóng cửa của Citizen News. Hiệp hội cho biết họ sẽ thúc giục chính quyền Hồng Kông thực hiện Luật Căn bản, hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, để bảo vệ quyền tự do báo chí của thành phố.
Cũng trong cuộc họp báo này, bà Lâm đã bác bỏ ý kiến cho rằng chính luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh đang ép các hãng thông tấn ngừng hoạt động.
Bà Lâm nói: “Nếu việc thực thi luật an ninh quốc gia sẽ làm xói mòn quyền tự do báo chí, thì chúng ta sẽ không thấy có bất kỳ quyền tự do báo chí nào ở thế giới phương Tây. Quý vị hãy kể tên quốc gia phương Tây nào không có luật an ninh quốc gia cho tôi xem.”
Luật an ninh quốc gia, vốn có hiệu lực vào mùa hè năm 2020, hình sự hóa các tội danh được xác định chung chung là ly khai, lật đổ, khủng bố, và cấu kết với các lực lượng ngoại quốc với hình phạt tối đa là tù chung thân.
Trong một cuộc thăm dò được công bố hồi tháng Mười Một năm ngoái, Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc ở Hồng Kông phát hiện rằng 84% người được hỏi cho biết môi trường làm việc của thành phố cho các ký giả đã xấu đi kể từ khi thực hiện luật an ninh quốc gia này.
“Nhiều nguồn tin của tôi hiện đang ở trong tù. Một số người đã trốn ra hải ngoại,” một người ẩn danh được hỏi nói với cuộc thăm dò.
Người được hỏi cho biết thêm, “Những người khác hiện từ chối bình luận với các hãng thông tấn ngoại quốc, dựa trên lời khuyên từ luật sư của họ hoặc do – rất chính đáng – sợ rằng việc nói chuyện với một ký giả ngoại quốc có thể hỗ trợ một vụ kiện của công tố viên chống lại họ theo luật an ninh quốc gia.”
Bà Nabila Massrali, nữ phát ngôn viên của Dịch vụ Hành động Ngoại giao Âu Châu, cơ quan ngoại giao của Liên minh Âu Châu, đã nói trên Twitter rằng việc đóng cửa của Citizen News là một ví dụ khác về “môi trường xấu đi cho các kênh thông tấn độc lập” ở Hồng Kông.
Bà Massrali nói thêm: “Quyền tự do báo chí đã liên tục bị xói mòn kể từ khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng.”
“EU nhắc lại #các cam kết quốc tế của Trung Quốc theo Luật Căn Bản của Hồng Kông nhằm tôn trọng độ tự chủ cao và các quyền cũng như tự do của nước này, bao gồm cả quyền tự do báo chí.”
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một bài đăng trên Twitter.
“Các cuộc đàn áp gần đây của #ĐCSTQ lên quyền tự do báo chí ở #HồngKông, bao gồm cả việc đóng cửa Lập Trường Tân Văn & Citizen News, làm rõ những gì chúng ta đã biết từ lâu rằng: #BắcKinh không có ý định cho phép Hồng Kông tồn tại như bất kỳ thứ gì khác ngoài việc nằm dưới quyền cai trị của #TậpCậnBình trong nhà nước độc tài #TrungQuốc,” vị thượng nghị sĩ này viết.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Reuters đã đóng góp cho bài báo này
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: