Lãnh đạo Bộ Tứ tuyên bố sẽ sát cánh cùng nhau vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở
TOKYO – Để mắt tới một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, các nhà lãnh đạo “Bộ Tứ” (Quad) từ các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc đã gặp nhau vào sáng thứ Ba (24/05) tại Tokyo, Nhật Bản, để thảo luận về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bốn nhà lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuyên bố sát cánh cùng nhau vì một khu vực tự do và cởi mở tại hội nghị thượng đỉnh nói trên, cam kết hợp tác hướng tới hòa bình, thịnh vượng, và ổn định trong khu vực, đồng thời phối hợp các biện pháp ứng phó để giải quyết các dự báo của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu thảm khốc và an ninh năng lượng.
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden nói: “Đây chính là vấn đề, dân chủ so với chuyên quyền — chúng ta phải bảo đảm nền dân chủ được thực thi.”
Ngoài hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào buổi sáng, TT Biden cũng sẽ gặp gỡ để đàm thoại song phương với Ấn Độ và Úc, đất nước có thủ tướng mới đắc cử Anthony Albanese, người đã tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Hai (23/05).
Theo một quan chức, ông Biden sẽ tìm cách “xây dựng dựa trên những điểm tương đồng” mà ông chia sẻ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong các cuộc hội đàm bất chấp những khác biệt về các vấn đề, trong đó có vấn đề về Nga. Ông Modi cũng sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho buổi hội đàm và một bữa tiệc tối làm việc.
Tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo, ông Modi nói rằng Ấn Độ sẽ hướng tới tầm nhìn chung của Bộ Tứ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và “tiếp tục củng cố hình ảnh của Bộ Tứ như một lực lượng vì chính nghĩa.”
Đài Loan không phải là một mục chính thức trong nghị trình của Bộ Tứ, tuy nhiên một quan chức Mỹ cho biết, đây được cho là một chủ đề chính khi bốn nhà lãnh đạo gặp nhau một ngày sau khi ông Biden phá vỡ quy ước và cam kết Hoa Kỳ hỗ trợ quân sự cho hòn đảo tự quản mà Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc, vốn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Đài Loan, tuyên bố chủ quyền.
Ấn Độ là thành viên duy nhất của Bộ Tứ không lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Nước này có một mối quan hệ lâu dài với Moscow, nơi vẫn là một nhà cung cấp chính về thiết bị quốc phòng và một số nguồn cung cấp dầu mỏ cho Ấn Độ. Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề này, mặc dù họ đã nêu lên những lo ngại về một số vụ sát hại thường dân ở Ukraine.
Nhưng các quan chức tại Bộ Tứ sẽ nhấn mạnh quan điểm chung về Trung Quốc, mà các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương coi là một thách thức dài hạn lớn hơn so với Nga.
Một quan chức Hoa Kỳ cho biết, “Tổng thống biết rõ rằng các quốc gia có lịch sử riêng của họ, có các lợi ích riêng của họ, họ có các triển vọng riêng, và ý tưởng này là xây dựng dựa trên những điểm tương đồng.”
Ấn Độ đã phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn trong những năm gần đây và là một phần quan trọng của nhóm Bộ Tứ nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Hôm thứ Hai (23/05), New Delhi cho biết Hoa Kỳ đang xem xét “hỗ trợ đầu tư” 4 tỷ USD cho Ấn Độ ngoài hàng tỷ dollar đã gia hạn trước đó, sau khi hai bên đã ký thỏa thuận về sản xuất vaccine COVID-19, chăm sóc y tế, năng lượng tái tạo, tài chính toàn diện, và cơ sở hạ tầng.
Ấn Độ cũng tham gia cùng với Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác trong các cuộc hội đàm kinh tế do Hoa Kỳ dẫn đầu có tên là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: