Lần đầu tiên các nhà đầu tư vay ít hơn để mua cổ phiếu kể từ khi đại dịch bùng phát, một dấu hiệu đáng ngại
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã cắt giảm việc sử dụng đòn bẩy [tài chính] vào tháng Bảy, đánh dấu tháng đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát có sự sụt giảm việc sử dụng vay ký quỹ (margin) để mua cổ phiếu, có khả năng đây là một dấu hiệu cảnh báo đối với các thị trường đang nóng do sử dụng quá nhiều tiền đi vay.
Dữ liệu từ Cơ quan quản trị ngành tài chính (FINRA) về việc sử dụng vay ký quỹ, tức là tiền mà các nhà đầu tư vay từ các công ty môi giới để mua chứng khoán, cho thấy 844 tỷ USD đã được vay để tài trợ cho danh mục đầu tư trong tháng Bảy. Đó là tháng đầu tiên mà chỉ số này giảm xuống kể từ khi bắt đầu đà tăng đều đặn hàng tháng kể từ tháng 03/2020, khi vay ký quỹ ở mức 479 tỷ USD. Vào tháng 06/2021, các khoản cho vay ký quỹ đạt mức cao kỷ lục 882 tỷ USD, cũng theo số liệu của FINRA.
Theo Financial Times, một cơ sở dữ liệu riêng biệt từ Interactive Brokers, phục vụ khoảng 1.5 triệu khách hàng, cho thấy vay ký quỹ của khách hàng của họ đã giảm 2% từ tháng Sáu đến tháng Bảy.
Một số người coi việc giảm đi vay là một dấu hiệu đáng ngại cho thị trường, diễn ra khi một số nhà phân tích tin rằng đợt tăng giá đáng kinh ngạc trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sắp gặp phải một đợt điều chỉnh.
Ông Stephen Suttmeier, chiến lược gia nghiên cứu [phân tích] kỹ thuật tại Bank of America, đã viết trong một bản lưu ý gần đây được Fortune trích dẫn rằng “đòn bẩy gia tăng có xu hướng xác nhận các đợt tăng giá cổ phiếu của Hoa Kỳ” và mức cao kỷ lục mới đối với các khoản vay ký quỹ không phải là lý do gây lo lắng, nhưng “chúng tôi lo ngại khi vay ký quỹ ngừng tăng gợi ý rằng các nhà đầu tư đã bắt đầu giảm sử dụng đòn bẩy.”
Ông Nick Reece, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Merk Investments, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email rằng sự gia tăng vay ký quỹ kể từ cuối năm 2019 đã khớp với sự gia tăng trên thị trường và “điều đó không có gì đáng lo ngại”.
Theo quan điểm của ông, “điều cần quan tâm là nhìn thấy sự gia tăng lớn về vay ký quỹ so với thị trường”, điều này liên quan đến ý tưởng rằng nếu giá tài sản tiếp tục tăng, thì sự gia tăng tương xứng trong khoản vay không có gì đáng lo ngại, đặc biệt khi – như bây giờ – chi phí vay thấp.
Đồng thời, ông Reece tin rằng đợt tăng giá gây sốt đối với chỉ số chuẩn S&P 500, đã tiếp tục đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại, đã chín muồi cho một đợt giảm giá.
Ông nói: “Tôi tiếp tục cho rằng thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn hoặc đi ngang. Thị trường đang giao dịch ở đỉnh cuối của xu hướng thị trường tăng giá. Và chưa có sự điều chỉnh 10% nào kể từ mức thấp nhất vào tháng 03/2020 – luôn đáng để chuẩn bị tinh thần cho một sự điều chỉnh.”
“Tất nhiên, mức điều chỉnh 10% có thể chỉ bắt đầu cao hơn 10% kể từ đây, vì vậy theo quan điểm của tôi, cố gắng dự đoán thời gian là một việc làm ngu ngốc,” ông nói thêm, lưu ý rằng triển vọng thị trường trung hạn tích cực đối với chứng khoán tiếp tục được hỗ trợ bởi một số dữ liệu, bao gồm cả việc mở rộng chu kỳ kinh doanh và điều được gọi là hiệu ứng TINA, từ viết tắt của “không có sự thay thế”, đó là quan điểm cho rằng thị trường bong bóng sẽ tiếp tục tăng mặc dù có dấu hiệu của các nguyên tắc căn bản yếu hơn vì không có các lựa chọn cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.
Ông Suttmeier đã lập luận trong ghi chú của mình rằng đòn bẩy tụt giảm là một tín hiệu đáng ngại.
Ông nói: “Mặc dù đỉnh của vay ký quỹ không phải lúc nào cũng trùng với mức cao của [S&P 500], nhưng chúng thường chỉ ra xu hướng giảm giá của cổ phiếu.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: