Lầm tưởng đằng sau nhân quyền ‘đặc sắc Trung Quốc’
Ngày 10/12 đánh dấu Ngày Nhân Quyền, kỷ niệm ngày Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền (UDHR) vào năm 1948.
Chưa đầy một năm sau, vào ngày 01/10/1949, lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Năm 1947, để chuẩn bị cho việc soạn thảo UDHR của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về những nguồn gốc và cơ sở triết học của các quyền con người.
Tài liệu phản hồi của Trung Quốc về cuộc điều tra này có nhan đề “Nhân Quyền trong Truyền Thống Trung Quốc” và đến từ ông La Trung Thứ (Lo Chung-Shu), một giáo sư triết học tại Đại học Hoa Tây ở Thành Đô, Tứ Xuyên, đồng thời là cố vấn đặc biệt cho UNESCO.
Ông La đã giải thích rằng Trung Quốc không có khái niệm các quyền con người của phương Tây như các hiến pháp chính trị tuyên bố, nhưng người dân Trung Quốc đã yêu cầu và được hưởng các quyền căn bản của con người dựa trên khái niệm “nghĩa vụ tương hỗ” của Nho Giáo để ngăn chặn sự xâm phạm các quyền cá nhân.
“Thay vì đòi hỏi các quyền lợi, tư tưởng đạo đức luân lý của Trung Quốc nhấn mạnh thái độ thông cảm, cho rằng tất cả đồng bào đều có cùng loại nguyện vọng như mình, và do đó được hưởng cùng loại quyền lợi, như những quyền lợi mà mình muốn hưởng.” (*)
Ông La cũng đề cập đến cuốn Kinh Thư (còn gọi là Thượng Thư) trong bộ Ngũ Kinh của Trung Quốc, trong việc giải thích quy tắc đạo đức giữa người dân và nhà nước trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.
“Trời nhìn tựa dân ta nhìn; Trời nghe tựa dân ta nghe. Trời thương xót dân chúng. Những gì dân chúng muốn, Trời tất ban cho. Trời thuận theo dân, thì Thiên Tử ắt phải thuận theo Trời.” (**)
Vì phúc lợi của người dân phụ thuộc vào thiện chí của những người cai trị, nếu một vị Hoàng Đế không còn cai trị vì lợi ích của người dân, thì người dân có quyền nổi dậy, như đã chứng kiến trong việc thay đổi triều đại hàng ngàn năm nay ở Trung Quốc.
Nhân quyền ở Trung Quốc và Pháp Luân Công
Mặc dù được đặt tên là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng “nhân dân” tồn tại để phục vụ nhà nước. Hệ tư tưởng Cộng Sản phủ nhận sự tồn tại của Thần hoặc các đấng siêu nhiên, cho rằng tôn giáo là sự sáng tạo của con người, và nhân quyền cá nhân là một công trình kiến tạo của phương Tây.
Kể từ năm 1949, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vận động phá hủy nền tảng truyền thống của văn hóa và các mối quan hệ xã hội của Trung Quốc để thế chỗ bằng hệ tư tưởng Cộng Sản của mình. Sau tác động mang tính tàn phá của Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976, đã có một giai đoạn ngắn vào những năm 1980 khi Trung Quốc có vẻ như đang trở nên cởi mở. Các khía cạnh truyền thống của văn hóa Trung Quốc, chẳng hạn như khí công (các bài tập năng lượng), đã được ĐCSTQ chấp nhận và quảng bá.
Chính trong khoảng thời gian này, Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) lần đầu tiên được ông Lý Hồng Chí giảng dạy công khai ở Trung Quốc vào năm 1992 và pháp môn này đã được đăng ký với Hiệp hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc của chính quyền.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần theo truyền thống Phật gia gồm các bài tập nhẹ nhàng, tĩnh tại và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý của chân, thiện, và nhẫn. Phù hợp với văn hóa truyền thống của Trung Quốc, môn tu luyện này giáo huấn về trách nhiệm cá nhân về các hành động và lựa chọn đạo đức của tự thân trong cuộc sống.
Hồi năm 1998, cuộc khảo sát của chính ĐCSTQ cho thấy rằng Pháp Luân Công được hơn 70 triệu người ở Trung Quốc tập luyện. Môn tu luyện này đã giúp cải thiện sức khỏe của họ và tiết kiệm cho chính quyền hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Tuy nhiên, những người theo đường lối cứng rắn trong ĐCSTQ không thể chịu đựng được việc người dân Trung Quốc ngày càng đón nhận Pháp Luân Công, vì môn tu luyện này đã dạy một lối suy nghĩ đạo đức đối lập với tư tưởng cộng sản mà chế độ cộng sản này sử dụng trong việc duy trì sự kiểm soát đối với người dân Trung Quốc. Hồi tháng 07/1999, ĐCSTQ bắt đầu chiến dịch bạo lực của mình nhằm loại bỏ Pháp Luân Công, chiến dịch này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.
Về căn bản, ĐCSTQ sợ người dân Trung Quốc sẽ thức tỉnh và gạt bỏ họ, giống như số phận của các nhà cầm quyền hủ bại trong quá khứ ở Trung Quốc. Quá trình thức tỉnh đó bắt đầu vào cuối năm 2004 với phong trào xã hội cấp cơ sở được gọi theo tiếng Trung là “Tuidang” (Thoái Đảng).
Ngày nay, hơn 387 triệu người Trung Quốc ở Trung Quốc và trên khắp thế giới đã từ bỏ mọi quan hệ của họ với ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, và đăng các tuyên bố [thoái xuất] trên trang web Tuidang.
Nhân quyền phương Tây và nhân quyền Á Châu?
ĐCSTQ và các quốc gia khác đặt sự kiểm soát của nhà nước lên trên nhân quyền của cá nhân đã thúc đẩy ý tưởng về các quyền con người độc đáo hoặc “đặc sắc Á Châu”.
Hiểu biết về quyền của con người trong truyền thống của Trung Quốc có liên quan đến mối quan hệ giám sát của Thiên Đàng đối với cuộc sống của con người trên trái đất. Các khái niệm phương Tây về các quyền con người cũng được liên kết với Thiên Đàng theo các giáo lý khác nhau của các tôn giáo dòng Judeo-Christian (Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo).
Về bản chất, nhân quyền của phương Tây và nhân quyền trong truyền thống của Trung Quốc có cùng một nền tảng – sự kính trọng và hướng dẫn từ các thế giới thần linh. Tương tự, các nguyên tắc về chân, thiện, nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp (Zhen Shan Ren trong tiếng Trung) được tìm thấy ở trung tâm của tất cả các tôn giáo chính thống.
Tất cả mọi người, bất kể thuộc về nền văn hóa nào, dù là phương Tây hay nơi nào khác, đều trải qua những bất công đòi hỏi được công nhận và khắc phục.
Đó là điểm chung mà tất cả chúng ta đều chia sẻ. Không thành vấn đề nếu một người đến từ một quốc gia phương Tây hay một quốc gia Á Châu; họ đều sẽ trải nghiệm một khát vọng tự do nếu bị giam cầm, cảm thấy đau đớn nếu bị tra tấn, và tất cả sẽ thiệt mạng nếu bị bắn vào đầu.
Nhân quyền – Do con người tuyên bố hay được Thượng Đế ban cho?
Một học thuyết nhân quyền mà không có một nền tảng thiêng liêng của sinh mệnh con người thì sẽ có nguy cơ bị thao túng bởi mối bận tâm của con người với lợi ích thế tục.
Nếu nhân quyền là do con người tuyên bố, thì chúng ta sẽ bước vào lĩnh vực tranh chấp những quyền nào là tối quan trọng và những quyền nào có thể được thương lượng vì những lợi ích khác, như phát triển và thương mại. Một số người nói rằng vấn đề này vốn dĩ đã tồn tại, vì có các quốc gia đưa ra các quyết định thiên về lợi ích kinh tế hoặc lợi ích quốc gia để không đối đầu với các nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền hàng loạt, như ĐCSTQ.
Khi ĐCSTQ tuyên bố thái độ thù địch công khai dành cho khái niệm về Thần, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ sẽ thách thức các quyền của con người do Thần ban cho. Điều vô cùng quan trọng là mọi dân tộc và quốc gia hiểu được nền tảng của các quyền con người phổ quát phải có một lập trường.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp tu luyện bản thân họ chiểu theo các nguyên lý truyền thống do Thượng Đế ban cho. Từ góc độ này, chúng tôi nhìn nhận những hành động tàn bạo mà ĐCSTQ đã gây ra cho nhiều bạn đồng môn của mình như một sự thật để người dân trên thế giới thấy được cái gì là thiện và cái gì là ác.
Chúng tôi cũng tin rằng việc lên tiếng về điều này sẽ giúp mọi người có một cơ hội quyết định điều gì họ cho là đúng hoặc sai, và họ lựa chọn đứng về phía nào.
Ngày 10/12 là một ngày để suy ngẫm về những gì mà thế giới này đã trở thành và những gì mà thế giới này có thể trở thành. Quý vị không cần phải có một niềm tin tôn giáo hoặc văn hóa cụ thể để thừa nhận rằng con người có một quyền thiêng liêng được sống.
Đối đãi với những người khác như cách mà quý vị muốn bản thân mình được đối đãi là đã có thể nắm bắt được nguyên lý phổ quát về các quyền con người — và phản ứng chung cần thiết để duy trì những quyền này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John A. Deller là một thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Úc.
Chú thích:
(*) Đây là đạo lý là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, nghĩa là điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác.
(**) “Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính”, trích Thư Kinh, Thái Thệ, Trung, 7.
Nhóm phụ trách tin tức Anh ngữ của Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: