Làm thế nào để phân biệt giữa giáo dục và tuyên truyền
Vào một ngày nọ, tôi vô tình đọc lướt qua một đoạn trong cuốn “That Hideous Strength” (tạm dịch: Sức mạnh ghê tởm), nó dường như có thể áp dụng một cách kỳ lạ vào thời đại của chúng ta.
Đó là một quyển tiểu thuyết dystopia (phản địa đàng) được viết bởi C.S.Lewis vào giai đoạn gần cuối của Đệ Nhị Thế Chiến. “That Hideous Strength” viết về một trong những nhân vật chính là Mark Studdock – một nhân viên của N.I.C.E – một tổ chức nắm thực quyền, kiểm soát mọi mặt trong một xã hội toàn trị.
Studdock được chỉ định viết một bài tuyên truyền cho tổ chức N.I.C.E, anh đã phản đối nhiệm vụ này ngay từ khi ông chủ anh yêu cầu – Bà Hardcastle. Studdock tranh luận rằng việc viết bài tuyên truyền trên báo sẽ không có tác dụng bởi vì báo chí dành cho những người có giáo dục và học thức đọc – đó là những người có thừa sự thông minh để không bị lôi kéo. Câu chuyện sau đó tiếp diễn như sau:
Bà Hardcastle nói: “Điều này chứng tỏ rằng cậu vẫn chỉ là một đứa bé trong nhà trẻ mà thôi, chàng trai à! Cậu vẫn chưa thể nhận ra đây là một con đường vòng hay sao?”
“Ý bà là sao?”
“Cậu thật là ngốc, chính những độc giả trí thức thì mới dễ bị lừa dối chứ. Tất cả những khó khăn của chúng ta là đến từ những tầng lớp khác. Có khi nào cậu thấy một người công nhân tin vào những điều mà một tờ báo viết không? Họ sẽ coi tất cả những điều trên báo hiển nhiên là tuyên truyền và đều bỏ qua tất cả các bài xã luận. Họ mua tờ báo chỉ vì muốn coi kết quả bóng đá và một vài đoạn nhỏ viết về những cô gái rơi xuống từ cửa sổ hoặc những tin tức về xác chết được tìm thấy trong khu căn hộ cao cấp nào đó. Họ mới chính là vấn đề của chúng ta. Chúng ta cần phải cải tạo lại họ. Nhưng với những người có học thức thì khác – chính là những người đọc các tuần báo trí thức – họ không cần phải được cải tạo. Họ đã đáp ứng mọi yêu cầu của chúng ta rồi. Họ sẽ tin bất cứ thứ gì.”
Sau khi đọc được đoạn văn này, tôi không thể không nghĩ về việc có bao nhiêu người dân Hoa Kỳ suy nghĩ giống như Studdock. Chúng ta được thuyết phục rằng giáo dục chính là liều thuốc đặc trị bách bệnh, và nếu như toàn bộ xã hội chỉ cần đơn giản nâng cao trình độ học vấn lên thì chúng ta sẽ không có nhiều vấn đề phải lo nghĩ.
Nhưng nếu việc giáo dục ấy được thực hành theo cách Bà Hardcastle đã ngụ ý trong trích đoạn phía trên để che mắt công chúng trong xã hội? Hoặc có lẽ chúng ta nên bàn luận về chủ đề: thế nào là giáo dục.
Bạn thấy đó, rõ ràng là có sự khác biệt giữa cái mà chúng ta gọi là giáo dục và cái mà bao hàm giáo dục thực chất. Thứ chúng ta gọi là giáo dục hiện nay thường được thấy trong các tổ chức học thuật khác nhau – những hội trường giảng dạy lớn công hoặc tư như: Tiểu học, Trung học, Phổ thông và rất nhiều các bậc học thuật cao cấp hơn nữa. Chúng ta thường đưa con mình đến những học viện như vậy, dự định những điều tốt nhất cho chúng, hy vọng rằng chúng sẽ phát triển một cách khôn ngoan khi tốt nghiệp, trở thành những người trưởng thành thật sự sáng suốt. Nhưng không may, chúng lại trở thành những người thấm nhuần những lời tuyên truyền.
Richard Weaver mô tả điều này một cách rõ ràng và chân thật trong bài viết năm 1955 của ông với tiêu đề “Tuyên truyền” (Propaganda) như sau:
“Điều quan trọng bậc nhất chính là loại bỏ những điều tuyên truyền trong giáo dục. Tư tưởng của nhiều người hay nhầm lẫn hai thứ này bởi vì cả hai thứ này đều liên quan đến việc giao tiếp. Giáo dục là truyền đạt thông tin và tìm kiếm cách thức thấm nhuần những quan điểm. Còn tuyên truyền thường chứa đựng những thông tin mà nó muốn tác động đến quan điểm của người khác. Một điểm khác của việc tuyên truyền hiện đại chính là cố gắng hòa lẫn vào cùng với giáo dục. Sự khác biệt then chốt chỉ xuất hiện khi người ta cân nhắc mỗi vấn đề cụ thể.”
Nếu vậy, làm sao chúng ta tránh được những tuyên truyền giáo dục giả mạo này? Weaver cũng đưa ra câu trả lời như sau:
“Nhà giáo dục chân chính sẽ cố gắng định hướng người nghe vì lợi ích của chính người nghe theo sự giác ngộ đầy đủ nhất hiện có. Để làm điều đó, anh ta xây dựng và cố gắng tuân thủ một tiêu chuẩn khách quan chân thật. Còn những nhà tuyên truyền thì ngược lại, họ cố gắng định hướng thính giả của mình theo các lợi ích của riêng họ, cho dù đó là về kinh tế, chính trị, xã hội hay những chuyện cá nhân.”
Đã có nhiều cuộc thảo luận trong suốt những năm qua về thành công của nền giáo dục tại gia. Đã có rất nhiều trẻ em học tại nhà thông qua những ngôi trường trực tuyến bên cạnh sự giám sát của cha mẹ, và được giáo dục tốt từ hệ thống. Hệ thống này bao gồm những nhà giáo chân chính, những người thật sự muốn đem lại lợi ích cho học sinh của họ, nhưng nó cũng gồm những nhà giáo không chân chính, những người đạp đổ thành quả của hệ thống giáo dục và sẵn sàng tuyên truyền chương trình nghị sự “thức tỉnh” của họ.
Trái lại, hãy suy ngẫm về trường học tại gia khi cha mẹ nhận lấy toàn bộ trách nhiệm về việc giáo dục con cái của mình. Như vậy, một số người sẽ nói rằng đây mới chính là nguồn gốc của nền giáo dục tuyên truyền. Nhưng xin hãy cân nhắc lập luận đó theo lời mà Weaver đã nói: “nhà giáo dục chân chính cố gắng định hình tư tưởng của học sinh vì lợi ích của học sinh ấy”. Nếu suy nghĩ theo hướng đó, thì kiểu nhà giáo nào luôn tìm kiếm lợi ích cho học sinh? Sẽ có rất nhiều, tuy nhiên người tốt nhất thì chính là cha mẹ của họ.
Chúng ta ngày càng sống trong một thế giới nơi mà Big Tech, những chính trị gia, và những người được gọi là “chuyên gia” bảo chúng ta nên làm gì và lý do vì sao, trong suốt đại dịch COVID-19, trong vấn đề về vaccine, bầu cử và rất nhiều chủ đề khác. Và giống với N.I.C.E, họ dường như không lo lắng về việc thuyết phục những “người trí thức”. Hơn thế, họ lo lắng về những người đã được giáo dục thật sự, những người mà họ đóng khung là “công nhân”, những người mà không có công việc thuộc những lĩnh vực tinh hoa hoặc những người chưa bao giờ học ở những ngôi trường ưu tú, nhưng đã được đào tạo bởi những nhà giáo chân chính và bởi những người luôn mong muốn họ theo đuổi sự thật.
Đây là điều mà chúng ta nên hướng con mình tập trung vào. Không quan trọng là chúng có thể có những công việc danh giá, hay có thể giao lưu với giới quý tộc hay không. Vấn đề là chúng có thể có khả năng phân biệt được điều gì là tuyên truyền và điều gì là giáo dục thực chất.
Hãy dạy con quý vị hiểu và yêu sự thật. Con quý vị sẽ vô cùng biết ơn quý vị và những người dân Hoa Kỳ khác cũng vậy.
Annie Holmquist là biên tập viên của tạp chí Intellectual Takeout. Bài viết này đã được xuất bản lần đầu tiên trên tạp chí Intellectual Takeout.
Annie Holmquist
Hoàng Long biên dịch
Xem thêm: