Làm thế nào để khởi động một cuộc chiến
Các cuộc chiến tranh thường nảy sinh từ sự bấp bênh. Khi các nước mạnh tỏ ra yếu thế, thì các nước thực sự yếu hơn sẽ liều lĩnh hơn các tình huống khác.
Những lời khoác lác tùy tiện cùng những lời hứa liên miên về sự kiềm chế cũng có thể kích hoạt chiến tranh. Những cuộc đối thoại cứng rắn nhưng rỗng tuếch có thể kích động những kẻ hiếu chiến một cách không cần thiết. Nhưng những lời nói sáo rỗng không tưởng khiến cho những kẻ chuyên bắt nạt tin rằng những mục tiêu của họ phức tạp quá tới mức không thể chống trả lại các cuộc tấn công.
Đôi khi việc công bố “một tiến trình hòa bình mới” mà không có bất kỳ năng lực nào để mang lại những nhượng bộ hay sức ép mới thì chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền—và [gây ra] cơn thịnh nộ.
Mỗi vị tân tổng thống của Hoa Kỳ đều được khảo nghiệm để xem liệu Hoa Kỳ có còn bảo vệ được những bằng hữu như Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn và Israel hay không. Và liệu vị tổng tư lệnh mới có ngăn chặn được những kẻ thù của Hoa Kỳ như Iran và Triều Tiên-và ngăn cản Trung Quốc và Nga xâm chiếm các nước láng giềng của họ hay không?
Ông Joe Biden, và những người xung quanh ông ta, dường như quyết tâm làm đảo lộn nền hòa bình mà họ đã được thừa hưởng.
Ngay sau khi ông Donald Trump rời nhiệm sở, ông Vladimir Putin bắt đầu tập trung quân đội ở biên giới Ukraine và đe dọa tấn công.
Ông Putin trước đó đã kết luận rằng ông Trump là một người nguy hiểm khó lường và có lẽ tốt nhất là không nên khiêu khích. Cuối cùng, chính phủ TT Trump đã tiêu diệt lính đánh thuê của Nga ở Syria. Họ cũng tăng cường chi tiêu quốc phòng và gia tăng các lệnh trừng phạt.
Chính phủ TT Trump đã làm thế giới ngập tràn với dầu giá rẻ, trước sự phẫn nộ của Nga. Họ rút khỏi các hiệp ước hỏa tiễn bất đối xứng với Nga. Họ bán các vũ khí tiên tiến cho người Ukraine. Người Nga kết luận rằng ông Trump có thể làm bất cứ điều gì, và vì vậy hãy chờ đợi một tổng thống khác trước khi thử thách Hoa Kỳ một lần nữa.
Trái lại, ông Biden thường ăn nói một cách khiêu khích-trong khi lại đang cầm một cây gậy mỏng mảnh trên tay. Ông ta đã vô cớ gọi ông Putin là “một kẻ sát nhân.” Và ông ta đã cảnh báo rằng nhà độc tài Nga này “sẽ phải trả giá” vì được cho là đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.
Đáng tiếc thay, lời lẽ khoa trương này của ông Biden chỉ là sự tiếp nối sau bốn năm dựng lên một trò lừa bịp thông đồng với Nga, được hậu thuẫn bằng một hồ sơ ngụy tạo do Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ và chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân Chủ Hillary Clinton năm 2016 chi tiền để làm ra. Theo lời của ông James Clapper, cựu giám đốc tình báo quốc gia của ông Barack Obama, ông Biden cùng những người khác đã tuyên bố rằng ông Trump là một “bảo bối của Nga.”
Nếu ông Biden đang tìm cách khiêu khích một quốc gia sở hữu hơn 6,000 vũ khí hạt nhân có thể khai triển, thì hẳn là ông ta sẽ không chứng tỏ luận điệu của mình bằng vũ lực.
Ông Biden cũng có thể giảm ngân sách của Ngũ Giác Đài và dường như ông ta đã quên rằng ông Trump đã bị đàn hặc vì được cho là đã đe dọa Ukraine, trong khi trên thực tế, ông ấy đã bán vũ khí cho Ukraine.
Trong khi ông Biden đang lớn tiếng nói chuyện với ông Putin, thì chính phủ của ông đã liên tiếp bị Trung Quốc làm cho bẽ mặt. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã la lối om sòm với những người đồng cấp Hoa Kỳ trong một cuộc đối thoại mới đây ở Anchorage, Alaska. Họ hả hê tái chế hình mẫu thiên tả của Hoa Kỳ rằng một nước Hoa Kỳ phân biệt chủng tộc không có tư cách đạo đức để chỉ trích Trung Quốc.
Nếu ông Trump thẳng thừng một cách khó đoán, thì ông Biden lại thường xuyên bối rối một cách dễ đoán. Và ông ta tỏ ra yếu ớt, đồng thời gửi thông điệp đến những kẻ độc tài rằng tổng tư lệnh của Hoa Kỳ không hoàn toàn có quyền quyết định.
Ông Biden, như đã hứa hẹn, đã không yêu cầu Trung Quốc minh bạch về nguồn gốc của virus COVID-19 ở Vũ Hán. Tới mùa hè, bệnh dịch đó có thể đã giết chết 600,000 người dân Hoa Kỳ.
Đáng lo ngại hơn, là khi Nga đưa quân đến biên giới Ukraine, Trung Quốc thì đang bay vào không phận Đài Loan, khảo sát khả năng phòng thủ của nước này—và mức độ quan tâm của Hoa Kỳ [đối với Đài Loan].
Trong suốt nửa thế kỷ, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã nhằm bảo đảm rằng Nga không xích lại gần với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ. Giờ đây, hai chế độ độc tài này có vẻ gần như gắn bó với nhau, trong khi từng chế độ này thăm dò phản ứng hoặc không phản ứng của Hoa Kỳ. Không ngạc nhiên khi vào cuối tháng Ba, Triều Tiên đã nối lại việc bắn hỏa tiễn trên Biển Nhật Bản.
Ở Trung Đông, ông Biden được thừa hưởng một khung cảnh tương đối yên tĩnh. Theo truyền thống, các quốc gia Ả Rập đang làm hòa với Israel. Đôi bên đều nỗ lực ngăn chặn những kẻ khủng bố do Iran tài trợ. Bản thân Iran cũng bị chao đảo bởi các lệnh trừng phạt và suy thoái. Kẻ chủ mưu khủng bố-Tướng Qassem Soleimani của Iran-đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của Hoa Kỳ.
Dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ đã rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, như một cách trừng trị việc Iran thu mua vũ khí hạt nhân. Chế độ thần quyền ở Tehran, nhà tài trợ chính cho lực lượng khủng bố trên thế giới, đang ở trong bối cảnh sống còn mong manh nhất trong suốt 40 năm tồn tại của nó.
Giờ đây, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm một cách kỳ lạ đến việc khôi phục mối quan hệ thân tình với Iran, khởi động lại thỏa thuận đó với Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên chế độ này. Nếu toàn bộ những điều đó xảy ra, Iran có thể sẽ sớm sở hữu được một quả bom.
Quan trọng hơn, Iran có thể kết luận rằng Hoa Kỳ đã xa rời Israel và các chế độ ôn hòa của Ả Rập. Một trong hai mối nguy hiểm sau đó sẽ nảy sinh. Hoặc là Iran sẽ cảm thấy mình có thể tiếp tục gây hấn hoặc những kẻ thù của nước này sẽ kết luận rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu diệt tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ông Biden sẽ phải làm tốt hơn nữa để ghi nhớ những câu châm ngôn ngoại giao lâu đời của Hoa Kỳ rằng hãy nói nhỏ nhẹ trong khi mang theo một cây gậy lớn, hãy tách rời Trung Quốc và Nga, đừng trở thành bạn bè tốt hơn nữa (hoặc là kẻ thù tồi tệ hơn), và đừng khuấy động tình hình để chiêu mời rắc rối.
Victor Davis Hanson là nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống, học giả nghiên cứu về những nền văn minh Hy lạp và La Mã cổ đại đồng thời là nhà sử học quân sự. Ông là giáo sư danh dự về văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại tại Đại học Tiểu bang California, một nghiên cứu viên cao cấp về văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại và lịch sử quân sự tại Đại học Stanford, là thành viên của trường Cao đẳng Hillsdale và là thành viên xuất sắc của Trung tâm Hoa Kỳ Vĩ đại. Ông Hanson đã viết 16 cuốn sách, trong đó có “The Western Way of War,” “Fields Without Dreams,” và “The Case for Trump.”
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Victor Davis Hanson thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: