Làm thế nào để hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ em
Thay vì tập trung vào nỗi sợ hãi về những kẻ xâm lược vi sinh vật, hãy nỗ lực nhiều hơn để tăng cường khả năng miễn dịch cho con trẻ.
Bên trong mỗi cá nhân trên hành tinh này là một hệ miễn dịch mạnh mẽ, được thiết kế để bảo vệ cơ thể khỏi những kẻ xâm lược bên ngoài. Đáng buồn thay, hệ thống miễn dịch đã không được chú trọng trong những năm gần đây. Điều này dẫn đến việc nhiều người bỏ qua cả những hành vi làm tổn thương hệ thống miễn dịch và những hành vi giúp ích cho hệ miễn dịch của họ.
Cha mẹ nên được được trang bị các chiến lược để hỗ trợ hệ miễn dịch của con cái họ. Bệnh tật là một phần bình thường của thời thơ ấu và đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Bệnh tật thời thơ ấu gần như là một nghi thức của sự trưởng thành. Thông qua việc hồi phục sau bệnh tật, trẻ em có được sự hiểu biết về năng lực của cơ thể để vượt qua những trở ngại và học cách nhận biết một số loại thực phẩm, chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi có thể trang bị cho cơ thể của mình khả năng tự chữa lành.
Chúng ta cần ghi nhớ ý tưởng về khả năng phục hồi miễn dịch. Mục tiêu chính của chúng ta không nên là bảo vệ bản thân và con cái chúng ta khỏi các mầm bệnh. Điều đó đơn giản là không nên quá chú trọng nỗ lực để vệ sinh nhà cửa quá mức hoặc sử dụng thuốc kháng sinh để quét sạch vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đây đều là những cách có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Đài Loan đã cảnh báo về vấn đề này trong một bài báo đăng trên Tạp chí Quốc tế về các tác nhân kháng khuẩn. (International Journal of Antimicrobial Agents.)
Họ viết: “Đã có sự gia tăng nhanh chóng các sinh vật đa kháng thuốc,” liệt kê một số chủng vi khuẩn có biểu hiện tăng sức đề kháng. “Nguyên nhân là do nhiều yếu tố và đặc biệt liên quan đến tỷ lệ cao sử dụng kháng sinh cao trên bệnh nhân COVID-19 với tỷ lệ đồng nhiễm hoặc nhiễm trùng thứ phát tương đối thấp.” Nói cách khác, việc lạm dụng kháng sinh trong đại dịch COVID đã gây ra sự gia tăng các mầm bệnh nguy hiểm hơn.
Bằng cách tránh phơi nhiễm như vậy, hệ miễn dịch của con người bị từ chối những phơi nhiễm giúp hệ thống này luôn được điều chỉnh và cập nhật với các vi khuẩn trong môi trường. Thay vì ưu tiên tập trung vào việc né tránh, chúng ta nên tập trung vào việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ lên.
Thực tế là các mầm bệnh có mặt khắp nơi trong môi trường của chúng ta. Chúng ta thường xuyên tiếp xúc với virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Chúng ta không thể sống trong lồng kính vô khuẩn để thoát khỏi sự hiện diện của nó. Thông thường, cơ thể có thể dễ dàng đối phó với những sự phơi nhiễm này. Tuy nhiên, đôi khi, nhiễm trùng diễn ra và các triệu chứng phát sinh.
Có một số yếu tố cần xem xét khi đối mặt với bệnh tật. Đầu tiên, việc tăng cường phản ứng miễn dịch thích hợp là rất quan trọng. Hệ thống miễn dịch bao gồm các tế bào miễn dịch khác nhau làm việc cùng nhau để xác định, nhắm mục tiêu và loại bỏ mầm bệnh mà cơ thể tiếp xúc. Thứ hai, là trang bị cho cơ thể những gì để đối phó với tình trạng viêm và thiếu oxy phát sinh do nhiễm trùng.
Hệ thống miễn dịch là một đội quân phức tạp của các tế bào làm việc cùng nhau để chống lại nhiễm trùng được chia thành hai phần: miễn dịch tự nhiên không đặc hiệu và miễn dịch thích ứng. Miễn dịch tự nhiên là lớp bảo vệ đầu tiên chống lại những kẻ xâm nhập và bao gồm da, nước bọt, acid dạ dày, màng nhầy và hàng rào ruột. Hệ thống miễn dịch thích ứng hoạt động chống lại các mầm bệnh cụ thể và bao gồm tế bào lympho B và tế bào lympho T. Cả hai bộ phận của hệ thống miễn dịch hoạt động mật thiết với nhau để tạo ra phản ứng chống lại mầm bệnh ngoại lai.
Lối sống
Các yếu tố lối sống khác nhau có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Trẻ em cần được hít thở không khí trong lành và tham gia các hoạt động thể chất vừa phải hàng ngày. Quản lý căng thẳng cũng là một chiến lược nâng cao sức khỏe quan trọng – ngay cả đối với con trẻ của chúng ta. Căng thẳng không chỉ cản trở các tế bào miễn dịch của chúng ta hoạt động bình thường mà còn thúc đẩy các cytokine gây viêm khác nhau. Dạy con bạn các bài tập thở sâu và cách nuôi dưỡng lòng biết ơn để giúp các con kiểm soát căng thẳng.
Chế độ ăn
Chế độ ăn uống là nền tảng bảo đảm cho chức năng của hệ miễn dịch và sức khỏe tổng quát. Cha mẹ nên tập trung vào các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho con mình, bao gồm rau, trái cây, protein và chất béo. Tập trung vào các loại rau và trái cây giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp khắc phục tình trạng căng thẳng oxy hóa do bệnh tật gây ra.
Tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến, đường, chất phụ gia và chất tạo màu thực phẩm nhân tạo vì chúng dễ gây viêm và có thể cản trở chức năng miễn dịch.
Giữ lượng đường trong máu ổn định là một chiến lược cần thiết để hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt. Lượng đường trong máu tăng đột biến làm tê liệt khả năng chống lại nhiễm trùng của các tế bào bạch cầu của chúng ta.
Dị ứng thực phẩm cũng khá phổ biến ở trẻ em mà cha mẹ cần lưu ý. Tiêu thụ thực phẩm mà trẻ nhạy cảm, có thể cản trở chức năng miễn dịch và góp phần gây viêm trong cơ thể. Các chất nhạy cảm với thực phẩm thường gặp là gluten, sữa, trứng, đậu nành, ngô, và các chất phụ gia và chất bảo quản thực phẩm khác nhau.
Vệ sinh giấc ngủ
Trẻ em cần có giấc ngủ chất lượng từ 10 đến 14 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ rất quan trọng đối với khả năng của cơ thể để vượt qua các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là trong những mùa bệnh cấp tính.
Trẻ em nên tránh màn hình ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để thúc đẩy sản xuất melatonin thích hợp và có được giấc ngủ tối ưu. Tôi thường khuyên cha mẹ nên giảm bớt ánh sáng nhân tạo khi mặt trời lặn để giúp các cháu ngủ ngon và ngủ sâu.
Bổ sung vitamin A, D và K
Vitamin A, D và K hoạt động hiệp đồng để tăng cường các tế bào khác nhau trong hệ thống miễn dịch. Hãy nhớ rằng vì vitamin A, D và K hòa tan trong chất béo nên chúng có thể tích tụ đến mức gây độc cho cơ thể. Tuy nhiên, điều này là khá hiếm, đặc biệt là khi các chất dinh dưỡng này được sử dụng cùng nhau.
Những loại vitamin này có thể được tìm thấy trong các nguồn động vật ăn cỏ và chăn nuôi trên đồng cỏ khác nhau bao gồm gan, thịt bò, sữa, bơ, trứng và dầu gan cá.
Đừng ngại cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 15 đến 20 phút mỗi ngày để giúp cơ thể sản xuất vitamin D một cách tự nhiên. Thực tế là hormone này được tạo ra trong da thông qua việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nên người ta thường hay gọi vitamin D là vitamin sự sống.
Bổ sung vitamin C
Vitamin C nổi tiếng với vai trò hỗ trợ các chức năng tế bào khác nhau trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích ứng. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh (và rẻ tiền) chống lại các gốc tự do và giảm viêm. Vitamin Ccũng hỗ trợ phản ứng histamine thích hợp, là một phần của phản ứng miễn dịch. Thiếu vitamin C dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng hơn. Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước nên cần được bổ sung thường xuyên. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, quả mọng, cà chua, ớt và bông cải xanh.
Kẽm
Kẽm đã được chứng minh là cho phép hệ thống miễn dịch làm chậm sự nhân lên của virus và chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Kẽm thực sự có thể ngăn virus tấn công các tế bào để tự tái tạo. Thiếu kẽm là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng rất phổ biến. Điều thú vị là, lượng kẽm không đủ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhau. Tối ưu hóa mức kẽm là một phần quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, thịt bò, thịt gà, cua, tôm hùm, hạt bí ngô, hạt điều và đậu gà.
Các chất bổ sung kẽm cần được dùng chung với ionophore để giúp đưa kẽm qua màng tế bào đến nơi nó có thể thực hiện công việc của mình. Ionophores giống như chiếc xe taxi hỗ trợ quá trình này. Một trong những chất tốt nhất để sử dụng là quercetin, một chất chống oxy hóa được tìm thấy trong nhiều loại thực vật, bao gồm hành tây, cải xoăn, trà, bông cải xanh, quả việt quất, v.v.
Nói cách khác, chế độ ăn vẫn là cách tốt nhất để có được những chất dinh dưỡng này.
Glutathione
Glutathione được sản xuất tự nhiên trong gan và được biết đến như là chất chống oxy hóa chính của cơ thể. Glutathione tác động mạnh mẽ đến hệ miễn dịch thông qua các cơ chế khác nhau. Glutathione có khả năng làm giảm các gốc tự do và stress oxy hóa. Glutathione làm tăng hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên, đây là cơ chế bảo vệ chính chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng.
N-acetyl cysteine (NAC) là tiền thân của glutathione và cũng có thể làm tăng mức glutathione. Thực phẩm giàu lưu huỳnh, bao gồm hành tây, tỏi và măng tây, cùng với các loại rau họ cải, cũng rất giàu glutathione. Ngoài ra, cho trẻ tắm nước ấm bằng muối Epsom có thể tăng mức glutathione. Các dạng glutathione liposomal là hiệu quả nhất để sử dụng làm chất bổ sung.
Probiotics
Tăng cường sức khỏe đường ruột thích hợp bằng cách xây dựng các chủng vi khuẩn có lợi giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, vì khoảng 80% hệ thống miễn dịch nằm trong ruột. Lợi khuẩn thấp là điều kiện cho các mầm bệnh tiếp tục sinh sôi và phát triển. Probiotics cũng cải thiện tính toàn vẹn của niêm mạc ruột. Không chỉ vậy, lợi khuẩn đường ruột còn hỗ trợ chức năng não, sự tập trung và tâm trạng tích cực.
Thực phẩm lên men như dưa bắp cải, kim chi, sữa chua, kombucha, kvass, kefir và giấm táo sống cung cấp một lượng lợi khuẩn khổng lồ cho đường ruột. Bạn cũng nên ăn prebiotics, là loại carbohydrate khó tiêu được tìm thấy trong thực phẩm giàu chất xơ. Đây là những nguồn thức ăn tốt nhất cho vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
Acid béo thiết yếu Omega 3
Omega 3 là một acid béo thiết yếu, có nghĩa là cơ thể bạn không thể tạo ra chúng – mà cần được bổ sung từ bên ngoài vào. Acid béo Omega 3 hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe não bộ và giảm viêm. Nguồn cung cấp acid béo Omega 3 là cá hồi đánh bắt tự nhiên và các loại cá và hải sản khác. Ngoài ra, dầu gan cá, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó và hạt cây gai dầu là những nguồn cung cấp axit béo omega 3 dồi dào.
Nếu bạn xây dựng chế độ ăn uống của mình xung quanh các loại thực phẩm hỗ trợ chức năng miễn dịch thích hợp, bạn sẽ cung cấp cho con bạn sự hỗ trợ quan trọng cần thiết để các con không chỉ có bữa ăn ngon mà còn giúp các con quý trọng những loại thực phẩm giúp chúng khỏe mạnh. Đừng sống trong tâm trạng sợ hãi vì mải mê đối phó với các mầm bệnh như vi trùng và virus … mà hãy tiếp thêm sức mạnh cho những chiến lược giúp các con phát triển thể chất vượt bậc.
Khi bạn chăm chút đến chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, nghĩa là bạn đang trang bị cho cơ thể nền tảng quan trọng cho phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và tránh bệnh nặng. Bổ sung những vi chất dinh dưỡng quan trọng cũng là một phần then chốt trong việc ngăn ngừa bệnh tật và chữa lành các bệnh nhiễm trùng cấp tính.
Bài báo này ban đầu được đăng tại Tạp chí Radiant Life.
Tiến sĩ Ashley Turner là một bác sĩ trị liệu tự nhiên được đào tạo theo phương pháp truyền thống và là bác sĩ được hội đồng chứng nhận về sức khỏe toàn diện của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Phục hồi.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: