Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn?
Sống trên đời bạn khó tránh khỏi gặp phải những chuyện không vừa ý. Đôi khi chúng ta còn bị những chuyện đó tác động, sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực như oán hận, đố kỵ hoặc bất bình. Kết quả, chúng ta không những không thay đổi được sự việc, mà còn khiến cảm xúc của bản thân trở nên tồi tệ hơn.
Vài ngày trước, người đồng nghiệp của tôi là Ngọc gặp phải một chuyện phiền não. Bố chồng cô ấy có một cậu cháu ngoại, tuy còn nhỏ nhưng rất biết tiêu tiền, hết tiền liền xin ông ngoại. Vì chiều cháu nên ông dù không có tiền cũng đi vay mượn hàng xóm để đưa cho cháu, đến mức hầu hết hàng xóm quanh đó đều bị ông vay tiền. Ban đầu, Ngọc chỉ biết tiền của bố chồng cô đều để cho cháu ngoại, mà không biết rằng ông còn phải đi vay tiền. Sau đó, một người hàng xóm nói với cô ấy rằng bố chồng cô hay vay tiền của mọi người, nhìn ông nhiều tuổi vậy không cho mượn thì không đành lòng, nhưng cho mượn thì ông mãi không trả, hơn nữa họ đều biết ông vay tiền là để cho cháu ngoại tiêu xài hoang phí.
Ngọc nghe thấy vậy rất tức giận, liền đi tìm bố chồng để nói chuyện, hy vọng ông không đi mượn tiền hàng xóm nữa, cũng khuyên ông như vậy là không tốt với thằng bé. Bố chồng cô ấy chấp thuận lời chia sẻ, nhưng không ngờ vài ngày sau ông lại làm như cũ. Ngọc đem chuyện đó kể với chồng, hy vọng anh có thể khuyên bảo bố mình. Tuy nhiên, do không hiểu ý nhau, hai người đi đến cãi vã. Ngọc đã tính bỏ nhà ra đi.
Ngọc gọi điện cho tôi, nói rằng cô bị oan ức. Còn nói chuyện nội bộ trong nhà, thị phi đúng sai, người ngoài như tôi khó mà biết rõ cho được. Từ bề ngoài mà xét, thì con trai cô Ngọc là đứa cháu nội duy nhất trong nhà, đáng lẽ bố chồng cô ấy nên quan tâm nó nhiều hơn, nhưng trước giờ ông chưa từng cho cháu nội một đồng nào. Ngọc nói, cô cũng chẳng mong chờ ông nội sẽ cho con mình nghìn nào, chỉ mong ông có thể tích tiền dưỡng già sau này, để bản thân giảm nhẹ gánh nặng. Hơn nữa, đứa cháu ngoại đó cũng như động không đáy, nhưng bố chồng cô luôn không nhận ra.
Từ góc độ lợi ích của của Ngọc mà xét, thì nghĩ như vậy cũng không sai. Tuy nhiên những suy nghĩ này đều là suy nghĩ chủ quan của Ngọc, vì vậy cô không thể cấm chuyện bố chồng mình vay tiền cho cháu, và còn cảm thấy bất bình chịu thua.
Do đó tôi khuyên cô ấy, nếu đã không thể cải biến được người khác, vậy thì hãy cải biến bản thân mình trước. Chuyện này đã như cốc nước nóng tràn ra làm bỏng tay rồi thì hãy buông nó xuống, đừng tổn hao tinh thần thêm nữa, cũng đừng cãi nhau với chồng, khiến bản thân tổn thương, cũng khiến chồng mình khó xử. Ngọc là một người lương thiện, sau một hồi nghe tôi khuyên nhủ cô ấy cuối cùng đã nghĩ thông suốt và nói rằng bản thân cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Sau khi cúp máy, tôi quay lại phản tỉnh mình. Khi không vui, chẳng phải tôi cũng phải hy vọng người khác cải biến theo cách mình muốn hay sao? Nếu không được, thì ôm hận, cảm thấy bất công, canh cánh trong lòng. Nhưng trên đời này có bao nhiêu chuyện có thể thuận được theo ý muốn?
Có lẽ, khi đối diện với mâu thuẫn, điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến là làm sao để thay đổi người khác, chứ không phải là thay đổi tâm thái bản thân mình trước.
Vì vậy, cách xử lý tốt nhất là chúng ta cần khống chế được cảm xúc tiêu cực của bản thân, sau đó bình tĩnh lại rồi mới có thể xem xét vấn đề một cách đúng đắn nhất. Cho dù mâu thuẫn kia có được giải quyết hay không, kỳ thực chúng ta cũng đã bước ra khỏi nó rồi. Có lẽ, đây mới là con đường đúng đắn mà mỗi người cần hướng tới: Khi đối diện với mâu thuẫn, trước tiên cần thay đổi chính mình.