Làm thế nào để đối mặt với sự đau thương khi mất đi người quan trọng?
Chúng ta sẽ bắt gặp những khoảnh khắc như thế này trong cuộc đời: Chúng ta đã đánh mất những người hoặc những thứ rất quan trọng và có ý nghĩa đối với bản thân. Thậm chí có những lúc rất nhiều sự việc đồng thời xảy đến cùng một lúc. Vào khoảnh khắc đó, cảm giác như thể tất cả những điều đem đến cảm giác an toàn cho chúng ta đều bị cắt đứt, thậm chí ngay cả nơi nương tựa trong cuộc sống cũng không còn nữa.
Một người bạn của tôi vừa mới ly hôn. Cũng như bao nhiêu người khác, cuộc hôn nhân của cô kết thúc trong sự hiểu lầm và đau đớn. Điều khiến cô buồn nhất đó là cô cảm thấy người bạn thân nhất của mình và chồng cũ, một người dường như trở nên xa lạ đối với cô, một người thì căm ghét cô. Điều này khiến cô cảm thấy vừa đau buồn vừa bất lực.
Giờ đây, cô đã trở thành một người phụ nữ độc thân ở tuổi ngoài 50, cô nghĩ rằng cuộc sống không còn điều gì đáng mong đợi nữa. Theo như cô nhìn nhận, đó chính là người chồng mà cô đã thương yêu sâu đậm bao nhiêu năm, hết mực chung thủy với anh, hết lòng đối xử tốt với anh, nhưng đến sau cùng lại rơi vào kết cục hôn nhân tan vỡ. Cô còn có thể mong đợi có được cảm giác an toàn từ thế giới này sao? Cô cảm thấy mình mất đi chỗ dựa, thậm chí còn cảm thấy kinh hãi, như thể bản thân ở trong một khoang tàu đang lơ lửng trong không gian vũ trụ và mất liên lạc với trung tâm chỉ huy của trái đất.
Cô không biết phải làm gì tiếp theo.
Và thế là, cô ấy đã phản ứng giống như cái cách mà nhiều người lựa chọn khi đối mặt với nỗi đau: chuyển sang “mô thức hành động”, bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm người bạn đời khác. Cô tham gia vào hội giao lưu kết bạn, đăng ký tài khoản trên một website hẹn hò, gọi điện cho tất cả những người quen và nhờ họ giới thiệu đối tượng hẹn hò cho mình. Cô đặt mua tạp chí mà trên đó có giới thiệu về các hoạt động xã hội ở thành phố nơi cô đang sinh sống, cô còn đăng ký một số khóa học mới, cố gắng “thoát khỏi” nỗi đau ly hôn bằng nhiều cách khác nhau.
Phản ứng của cô bạn tôi khi đối mặt với nỗi đau và sự sợ hãi là rất bình thường giống như bao người khác. Khi đối mặt với đau khổ, chúng ta thường lao vào mô thức hành động cường độ cao, trong đầu chỉ muốn khiến cảm giác đau khổ biến mất và có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân. Bằng mọi cách để khiến bản thân có thể sống tốt hơn. Bởi vì cảm thấy bất lực nên mới lựa chọn hành động để khiến bản thân mạnh mẽ hơn. Điều này là không sai.
Thành thật đối diện với tình cảm của chính mình
Sau khi trải qua mất mát to lớn hoặc tổn thương về tinh thần, chúng ta thường không biết phải làm gì hoặc làm thế nào để khiến tình huống tồi tệ đó trở nên tốt đẹp hơn.
Đầu tiên, chúng ta phải “cho phép” bản thân cảm nhận sự đau khổ, bất lực và sợ hãi do sự tổn thương đem lại. Còn một điều vô cùng quan trọng nữa là cho phép bản thân cảm nhận cái cảm giác không có câu trả lời – không biết phải làm gì để chữa lành nỗi đau trong lòng, cái cảm giác khó xử đó.
Chúng ta có thể nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc hiện giờ của chúng ta, môi trường mà chúng ta đang ở đều sẽ thay đổi, giống như mọi thứ khác cũng đều sẽ thay đổi. Nhưng bây giờ, vào giây phút này, chúng ta có thể cho phép bản thân không biết phải làm gì.
Đối với nhiều người mà nói, cảm giác “không biết phải làm gì” thật đáng sợ. Tuy nhiên, cho phép bản thân “không biết” thật ra là một cách yêu thương bản thân. Đôi khi chỉ cần nghĩ như vậy thôi cũng có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, mà không cần làm bất kì điều gì khác.
Bước qua nỗi đau cũng khổ sở như chính bản thân nỗi đau đó, nhưng nó chính là người thầy trong cuộc đời chúng ta. Chỉ khi chúng ta cho phép bản thân cảm nhận sự đau khổ thì chúng ta mới có thể từ đó mà rút ra bài học. Đau đớn, sợ hãi và khó xử- tất cả những cảm xúc đau khổ này sau khi trải qua sẽ mang lại cho chúng ta những sự thay đổi. Trớ trêu thay, những thay đổi này lại chính là những gì chúng ta đang cố gắng đạt được để chống lại nỗi đau.
Khi chúng ta cho phép những cảm xúc chân thật của mình tồn tại như chúng vốn có, như thể chúng ta đang dành cho mình một cái ôm ấm áp và sự đồng cảm với bản thân. Chúng ta đã nhận ra sự tồn tại của chính mình và lựa chọn đồng hành với bản thân trong những trải nghiệm thực tế của cuộc sống.
Hãy thành thật đối diện với tình cảm của chính mình. Mặc dù điều này khác với thói quen đối mặt với sự đau khổ của con người hiện nay, nhưng phương pháp này rất đơn giản và chân thành, nó có thể chữa lành vết thương trong lòng chúng ta và khiến chúng ta thay đổi.
Cho phép bản thân đau khổ sẽ giúp chúng ta xoa dịu được nỗi đau khổ. Cho phép bản thân sợ hãi sẽ đưa chúng ta trở lại bình yên từ trong nỗi sợ hãi. Cho phép bản thân khó xử khi đối mặt với nỗi đau sẽ giúp chúng ta xóa bỏ được nỗi lo lắng khi chúng ta buộc bản thân phải giải quyết nỗi đau. Cho phép bản thân được là chính mình như diện mạo vốn có của nó, sẽ khiến chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc rằng chúng ta được yêu thương và được thừa nhận trong cuộc sống của mình, chứ không phải là cô độc một thân một mình.
Khi chúng ta cho phép bản thân cảm nhận sự đau khổ và bất lực của chính mình, như vậy sự tồn tại của bản thân chúng ta sẽ trở thành liều thuốc tốt để chữa lành sự đau khổ.
Nguồn:NancyColier.com
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ
Xem thêm: