Làm sao để giúp con gái khám phá giá trị thực của bản thân
“Đừng lo sợ, bạn có thể nuôi dạy con mình trở thành những cô gái tuyệt vời ngay cả trong một nền văn hóa đang không ngừng đầu độc con trẻ với những thông điệp tiêu cực, mang tính hủy diệt”.
Meg Meeker là một bác sĩ nhi khoa với hơn 30 năm kinh nghiệm. Có lẽ chính vì việc thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân nhỏ tuổi mà bác sĩ luôn được các bậc phụ huynh tin tưởng và mong muốn được tư vấn trong lĩnh vực nuôi dạy con.
Bác sĩ Meeker là tác giả của nhiều cuốn sách viết về lĩnh vực giáo dục, tâm lý, nuôi dạy con như: “Cha mạnh mẽ, con gái giỏi giang; Mẹ kiên cường, con trai mạnh mẽ”;… được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn và đón nhận như những món quà.
Trong quá trình chữa trị và tư vấn cho hàng ngàn trẻ em. Bà đã chứng kiến cả một thế hệ trẻ em trưởng thành. Những đứa trẻ đó, giờ đây, đã là những ông bố, bà mẹ, họ lại mang con cái của mình đến khám bệnh và nghe bác sĩ tư vấn. Nhưng mọi thứ đều đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước.
Các bậc cha mẹ ngày nay thường bối rối và nhờ bà tư vấn các vấn đề như:
– Đứa con học lớp 4 của tôi đang ăn kiêng, và tôi không biết phải cư xử thế nào.
– Khi nào tôi nên cho con sử dụng điện thoại di động?
– Trẻ con sử dụng Internet ở mức độ như thế nào là phù hợp?
Các bậc cha mẹ thường tìm đến bác sĩ trong tâm trạng lo âu, rối bời, không biết phải xử sự thế nào với bọn trẻ, như chú nai bất chợt gặp ánh đèn pha.
Bác sĩ Meeker thường giúp cha mẹ, những người chưa có kinh nghiệm ứng xử trước những vấn đề của con cái, bà khuyên cha mẹ nên nhìn thẳng vào vấn đề với một tinh thần mạnh mẽ chứ không phải thái độ lo âu, phiền muộn. Hy vọng luôn ở phía trước.
Khi bác sĩ Meeker hỏi các cô bé tuổi teen về hai mối quan tâm lớn nhất của mình là gì, các em trả lời chẳng chút do dự: “trở nên mảnh mai” và “trông thật quyến rũ.”
Là bác sĩ nhi khoa với 32 kinh nghiệm, mẹ của 4 người con, và là bà của 5 đứa cháu, Meeker luôn giúp cha mẹ bằng những lời động viên tràn đầy sự khích lệ chân thành, hướng đến giải pháp đối với vấn đề họ đang quan tâm. Trong cuốn sách mới nhất của bác sĩ Meeker với tựa đề: “Raising Strong Daughters in a Toxic Culture: 11 Steps to Keep Her Happy, Healthy, and Safe” (tạm dịch: Nuôi dạy con gái giỏi giang trong một nền văn hóa độc hại: 11 bước giúp con gái luôn vui vẻ, khỏe mạnh, an toàn), bác sĩ đã đề cập đến những nội dung như: Thời gian sử dụng mạng xã hội, ăn uống – giữ dáng, giới tính – tình dục, quan hệ bạn bè, niềm tin, hai mặt tốt – xấu của bình đẳng giới, và vai trò của cha mẹ.
Bà muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ: “Đừng lo sợ, bạn có thể nuôi dạy con mình trở thành những cô gái tuyệt vời ngay cả trong một nền văn hóa đang không ngừng đầu độc con trẻ với những thông điệp tiêu cực, mang tính hủy diệt”.
“Sức mạnh tiềm ẩn nằm chính nơi cha mẹ. Từ nhiều năm trước, tôi đã nhận ra rằng, để giúp những đứa trẻ, trước hết, tôi phải giúp chính cha mẹ chúng”.
“Tôi luôn nói với các bậc cha mẹ, mục tiêu của quý vị không phải là nuôi dạy một đứa trẻ 15 tuổi cho tốt, mà là nuôi dạy nên một người trưởng thành 25 tuổi tuyệt vời. Tại sao lại là 25 tuổi? Vì chỉ từ độ tuổi đôi mươi, con người mới phát triển tư duy ở mức trừu tượng và phức tạp”. Bác sĩ Meeker chia sẻ.
Bác sĩ đã gặp nhiều cô bé ở độ tuổi 15-16, tình huống của các em khiến bà nghĩ rằng “không biết rồi kết cục sẽ ra sao”. Nhưng sau 10 năm gặp lại, bà đã thấy các em trưởng thành, trông thật rạng rỡ và tràn đầy năng lượng. Những trải nghiệm trong công việc giúp bà hiểu rằng, với một tinh thần lạc quan, những tình huống tồi tệ đến đầu rồi cũng đều trở nên tốt đẹp.
Thước đo của sự thành công
Hầu hết các bậc cha mẹ đều dành những điều tốt đẹp nhất cho con của mình, mong muốn con khôn lớn và thành công. Vì vậy, cha mẹ nào cũng không tiếc công sức tìm trường tốt nhất, giáo viên tốt nhất cho con. Giáo viên dạy nhạc, giáo viên dạy kèm cũng phải là những người ưu tú nhất trong khả năng. Mục đích sau cùng cũng là để con cái bước chân được vào cổng trường đại học danh tiếng. Bác sĩ Meeker rất hiểu rõ điều này. Bà lớn lên ở Boston và theo học trường cao đẳng Mount Holyoke, học viện nghệ thuật tự do có chất lượng đào tạo xuất sắc nhất tại bang Massachusetts của Mỹ, rồi chuyển sang học đại học Y.
“Thành phố nơi bạn sinh sống càng lớn, áp lực sẽ càng nhiều để nhảy lên cái mà tôi gọi là Chuyến Tàu Điên,” bà nói.
Bác sĩ Meeker đưa ra ví dụ về một vận động viên nữ bị thương và không thể thi vào trường đào tạo vận động viên điền kinh liên thông cấp cao nhất (Division I). Mọi hy vọng đạt được mục tiêu của cô giờ đã tiêu tan, một cú sốc lớn đối với con đường công danh sự nghiệp của cô bé.
“Cú sốc đó khiến cô bé thực sự rơi vào trạng thái chán nản, trầm cảm. Cô không còn nhận biết được mình là ai. Tại sao mình tồn tại.”
Là cha mẹ, chúng ta có thể đã thiếu sót trong việc dạy cho con biết lý do chúng tồn tại. Chúng ta cung cấp cho con trẻ tất cả mọi thứ trên bề mặt khiến chúng cảm thấy dễ chịu, rồi chúng ta tự cho rằng mình là những bậc cha mẹ có trách nhiệm. Thành thật, nếu con bạn được vào trường đại học Yale chứ không phải một trường cao đẳng hay cộng đồng nào đó, bạn vẫn cảm thấy tốt hơn nhiều.
Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ có thể đã bỏ sót các nguyên tắc cơ bản:
- Mình đã dạy con biết cách sống sao cho tốt chưa?
- Làm sao để luôn tạo niềm vui?
- Mình đã rèn luyện cho con sức chịu đựng để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh?
- Con mình có nội tâm sâu sắc không?
Vẻ đẹp đích thực khi là con gái
Cha mẹ nên bắt đầu việc chỉ dạy cho các bé gái bằng cách cho chúng biết vẻ đẹp đích thực của con gái là gì.
“Có những cô gái học tại các trường cao đẳng danh tiếng, các em thích trang điểm và chụp những bức hình chuyên nghiệp đăng lên mạng xã hội để nhận được nhiều lượt thích từ bạn bè và các chàng trai. Và cũng có những cô gái học tại các trường đại học danh tiếng như Harvard, Purdue và Princeton lại mắc chứng rối loạn ăn uống, các em cho rằng các em sẽ đẹp hơn khi trở nên mảnh mai”. Bác sĩ Meeker chia sẻ.
Thay vì khẳng định sự thành công của mình là ở vẻ bề ngoài, cha mẹ cần chỉ dạy cho con gái, thành công và hạnh phúc sẽ chỉ có khi lòng nhân ái và nội tâm sâu sắc trong con được thắp lên và lan tỏa.
Với con gái, đừng tạo quá nhiều áp lực quá lên chúng; hãy giúp các em có được những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống trước, rồi các em sẽ phát triển sức mạnh nội tâm một cách tự nhiên, là kim chỉ nam hướng tới thành công trong tương lai.
4 câu hỏi lớn
Trẻ em luôn khao khát muốn biết tại sao chúng lại có mặt trên đời này. Bằng tất cả trực giác của mình, chúng biết rằng cuộc sống còn có nhiều điều thú vị hơn là những gì trên bề mặt hiện hữu.
“Ngay cả với những đứa trẻ 8 – 10 tuổi, chúng cũng đã có cảm nhận cuộc sống của chúng chưa chưa xác định được mục đích rõ ràng và chúng muốn tìm hiểu”.
“Cha mẹ cần đảm nhiệm tốt vai trò khi định hướng cho con gái của mình rằng con có thể trở thành một cầu thủ bóng đá giỏi, con có thể đạt được điểm số cao. Nhưng các bé gái dường như không thỏa mãn với những điều đó. Chúng muốn được biết “Tại sao con có cuộc sống này?”. Bác sĩ Meeker nói.
Bác sĩ Meeker đã liệt kê 4 câu hỏi lớn mà các em luôn mong chờ được trả lời:
- Con đến từ đâu?
- Con có giá trị và quan trọng (đặc biệt là đối với cha mẹ của con) không?
- Có thước đo về chuẩn mực đạo đức không?
- Con sẽ về đâu?
Nếu bạn có đức tin, việc trả lời những câu hỏi trên sẽ trở nên dễ dàng.
“Nếu là người có đức tin, bạn có thể nhìn vào đôi mắt con và nói: ‘Con không hiện hữu trên cuộc sống này một cách tự nhiên. Hãy đoán xem nào! Con được tạo nên bởi một vị thần đáng kính, Người đã đưa con đến đây với một sứ mệnh.”’
“Những cô gái có đức tin thường ít bị trầm cảm, lo lắng. Các em có sức học tốt hơn, có xu hướng thích ở lại trường lâu hơn, biết sớm tránh xa tất cả những thứ xấu như ma túy, rượu, tình dục”. Bác sĩ Meeker chia sẻ.
Mạng xã hội và trầm cảm
Các kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa thời gian sử dụng mạng xã hội và nguy cơ gây trầm cảm. Cũng không ngạc nhiên khi nhu cầu khao khát tìm hiểu thông tin của các em đều được mạng xã hội đáp ứng. Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng dễ tạo cho các em cảm giác thiếu tự tin, không chắc chắn về khả năng của bản thân.
Một cô gái dù trông xinh đẹp đến đâu trên mạng xã hội thì điều đó vẫn chưa bao giờ là đủ để em cảm thấy vững vàng, tự tin. Chỉ cần ai đó buông ra những lời nhận xét tiêu cực đã đủ khiến em suy sụp. Do vậy, em cứ rơi vào cái vòng luẩn quẩn khi cố gắng kiếm được nhiều lượt “like” trên mạng xã hội để cảm thấy hài lòng về bản thân, rồi nhận được lời nhận xét tiêu cực, và lại suy sụp.
Bác sĩ Meeker chỉ ra vấn đề và cho thấy: Mạng xã hội sẽ không biến mất, cha mẹ có thể ném điện thoại của cô bé ra đường và cho xe cán qua thì cũng chưa giải quyết được vấn đề.
Thay vào đó, hãy hướng dẫn cô bé sử dụng mạng xã hội và điện thoại đúng cách. Nếu cô bé giảm thời gian sử dụng mạng xã hội xuống còn 30 phút một ngày, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của cô bé sẽ giảm đáng kể.
Một ý tưởng khác, khi đến bữa ăn tối, mọi người trong gia đình cùng nhau để điện thoại vào một chỗ và thống nhất không sử dụng trong một giờ. Bản thân bố mẹ có thể giật vì chính mình cũng phải thực hiện việc này. Nhưng cách quản lý và kiểm soát thiết bị như vậy sẽ giúp con gái bạn hiểu rằng chúng vẫn ổn dù cho các ứng dụng liên tục điểm báo từng phút và dần dần giúp chúng giảm thời gian sử dụng thiết bị.
“Và bạn biết không? Ý tưởng này thực sự hiệu quả với những cô con gái của tôi”, bác sĩ Meeker nói.
Không dừng lại ở đây, cha mẹ hãy trò chuyện với con gái mình xem con thực sự mình nghĩ gì về mạng xã hội. Con nhận được những gì hữu ích từ mạng xã hội? Con thích những điều gì từ mạng xã hội? Con có nghĩ rằng “nhận và gửi nội dung liên quan đến tình dục” là một hình thức giao tiếp lành mạnh không?
Bằng cách đưa ra những câu hỏi, đồng thời cũng là những hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, con gái bạn sẽ tự tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Đừng e ngại khi đặt ra đường giới hạn cho con gái của bạn trong việc sử dụng mạng xã hội, hẹn hò hay các vấn đề khác. Trái lại, điều này còn có thể khiến chúng cảm thấy được quan tâm, được yêu thương và được giữa an toàn.
Hướng dẫn những cô gái đáng yêu của chúng ta về đường giới hạn trong cuộc sống, khi trưởng thành, các em sẽ biết tự đặt những đường giới hạn cho chính mình.
Những tổn thương cho cha do phong trào nữ quyền độc hại
Trở lại thời còn trẻ của bác sĩ Meeker, thế hệ bùng nổ trẻ em sau chiến tranh (baby boomers), những phụ nữ tài giỏi ngày ấy như: Betty Friedan, Gloria Steinem,… là mẫu người hùng đối với bác sĩ. Quan điểm của phụ nữ khi đó là: “Đánh bại đàn ông trong mọi trò chơi. Kiếm được nhiều tiền như đàn ông. Và có thể làm được mọi việc của đàn ông”. Những người phụ nữ đã làm việc 60 giờ/tuần và hơn hết là họ vẫn nuôi dạy những nên đứa con khỏe mạnh.
Rồi họ nhận ra rằng điều đó là không thể, nhưng sự đấu tranh giành lại nhân quyền cho phụ nữ vẫn tiếp tục lan rộng. Thời gian đã chứng minh “vai trò của nam và nữ đã dần phân tách và rõ ràng hơn như chúng ta thấy ngày nay”. Bác sĩ Meeker nói.
“Trong mọi cuộc cách mạng, luôn có thương vong. Và những người cha tuyệt vời đã phải hứng chịu vô vàn thương vong do phong trào nữ quyền ngày ấy.”
“Bậc làm cha đã không được tôn trọng và luôn phải nhận những lời nhận xét mang tính chỉ trích. Điều này đã làm tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần của bọn trẻ”.
“Tiếng nói của tôi thay mặt cho những đứa trẻ, muốn truyền đạt thông điệp rằng: Bọn trẻ cần có cha”. Bác sĩ Meeker nói thêm.
Thay vì tham gia, cổ vũ cho “phong trào nữ quyền với tâm thái đầy sự phẫn nộ”, cha mẹ hãy dạy dỗ con gái mình trở thành người phụ nữ giỏi giang, cư xử tự tin, không sợ hãi khi nói những gì họ tin tưởng và đặc biệt không chỉ trích đàn ông.
Trong nhịp sống xã hội phát triển ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, cha và mẹ có thể hoán đổi vị trí cho nhau. Nhưng bác sĩ Meeker luôn nhấn mạnh rằng: Vai trò của cha và mẹ là không thể hoán đổi, mỗi người đều đóng một vai trò quan trọng và luôn bổ khuyết cho nhau.
Con gái là một phiên bản của người mẹ. Mẹ hướng dẫn con gái làm các việc, dạy dỗ con gái trở nên giỏi giang nhưng cần phải khiêm tốn. Mẹ là một tấm gương cả về hình thể cũng như nhân cách, giá trị của mình đối với xã hội để con gái luôn nhìn vào và noi theo. Mẹ là người vun vén, lo toan mọi việc trong gia đình. Tình yêu thương của mẹ là vô bờ bến, hiện hữu một cách tự nhiên và vĩnh viễn như vậy. Như một “tấm chăn bảo vệ”, luôn bao bọc, bảo vệ và giữ ấm cho những đứa con.
Nhưng những bé gái lại được trải nghiệm tình yêu thương của cha theo một cách hoàn toàn khác.
Với các cô gái, cha vĩ đại hơn cả cuộc sống này. Các em luôn hy vọng cha sẽ luôn là người bảo vệ, luôn sẵn sàng che chở cho các em trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cha là trải nghiệm đầu tiên của con gái về tình cảm yêu thương với người khác giới. Cha là người mà các em gái đặt nền móng tiêu chuẩn để cân nhắc, lựa chọn các mối quan hệ với những người bạn trai, những người đàn ông khác trong suốt cuộc đời mình. Dù cho người đó là anh em, giáo viên, người hướng dẫn, hay người lãnh đạo tôn giáo. Nếu một nam thanh niên đối xử với cô không tử tế và tôn trọng, theo cách mà cha cô không bao giờ làm, “cô sẽ loại ra ngay, bởi vì không phù hợp với tiêu chuẩn như cha mà cô đã đặt ra”.
Và nếu cha tin tưởng cô và nói: “Được đấy!”, cô sẽ “đưa vào danh sách chọn lựa”.
Trái tim con gái
Bác sĩ Meeker chia sẻ, các bậc cha mẹ cần biết lắng nghe và thấu hiểu từng nhịp đập của trái tim con gái mình. Tìm hiểu và cả phỏng đoán những cảm nhận và mong muốn của các em. Các em gái luôn có những khao khát sâu sắc, những mong muốn rất tự nhiên và tình yêu thương dành cho mọi người.
Nếu cha mẹ để con gái quá chú trọng vào bản, điều này có thể dẫn đến các kết quả không mong muốn. Thay vào đó, cha mẹ nên hướng dẫn, động viên con tham gia vào các công việc gia đình, bắt đầu từ những việc nhỏ nhỏ trong nhà.
Nhiều lần bác sĩ Meeker nghe bọn trẻ phàn nàn: “Con không ăn, con không làm dơ bẩn chỗ đó!”. Bọn trẻ nên hiểu rằng điều đó không quan trọng, chúng là một thành viên trong gia đình, trong lớp học, trong tập thể. Cuộc sống đâu chỉ có mỗi cá nhân mình. Hơn nữa, quan trọng là cần dạy cho con trẻ biết cách phục vụ.
“Khi chúng tôi hướng dẫn các cô gái cách nhìn vượt ra ngoài bản thân và nghĩ cho người khác, điều đó khiến các em cảm thấy mình có giá trị, không còn quá tập trung vào bản thân. Thêm nữa, còn giúp các em nâng cao sự cảm thông, chia sẻ với mọi người, lấp đầy nhu cầu được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ”. Bác sĩ Meeker chia sẻ.
Động viên
Một câu nói khá phổ biến phản ánh rất thật tâm trạng của nhiều bậc làm cha mẹ chúng ta: “Mong đạo đức trở lại như ngày xưa”. Thực trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội đã ở mức độ nguy hiểm nên việc dạy bảo, hướng dẫn và bảo vệ các bé gái càng thêm khó khăn.
Là cha mẹ của những bé gái, chúng ta hiểu rằng những thứ các em phải tiếp xúc hàng ngày đều có thể gây hại. Trong đó, có nhiều mức độ tiếp xúc mà chúng ta không thể kiểm soát và khiến các bậc cha mẹ rất lo sợ.
“Hôm nay, ngay giây phút này, là cha hay là mẹ, quý vị có được mọi kết nối cần thiết để trở thành những người cha mẹ tuyệt vời, định hướng cho con gái mình vượt qua mọi khó khăn để trở thành người phụ nữ giỏi giang. Cha mẹ luôn có mọi sự kết nối cần thiết – và đó chính là sức mạnh. Quý vị đừng quên điều đó!”. Bác sĩ Meeker nói.