Làm sao để dưỡng thành những đứa trẻ tốt
“Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”.
—Mark Twain
Bằng tất cả hy vọng mà chúng ta dành cho con cái mình – rằng chúng có thể trưởng thành trong hạnh phúc, thành công và tự chủ, rằng chúng có những ước mơ vĩ đại, thực hiện những công việc tốt đẹp trên thế giới và sống chân thực với chính mình – thì có lẽ điều quan trọng nhất trong số đó chính là chúng sẽ trở thành một người tốt.
Để khơi dậy tinh thần nhân ái trong con em chúng ta, chúng ta cần phải là tấm gương về lòng nhân ái, tận dụng tốt những khoảnh khắc có thể để dạy dỗ chúng về lòng tốt và coi lòng tốt là ưu tiên hàng đầu trong giáo dục. Dưới đây là 8 cách mà cha mẹ có thể truyền cảm hứng cho con.
Hãy đối xử tốt với con
“Lòng nhân ái là ánh sáng cho hạt mầm nhân đức phát triển.”
—Robert Green Ingersoll
Trong hành trình nuôi dạy con cái, cha mẹ sẽ sớm học được một điều rằng con trẻ sẽ thực hiện theo tất cả những gì cha mẹ làm mà không phải những gì cha mẹ nói. Phương thức đơn giản mà hiệu quả nhất để dạy trẻ về lòng tốt chính là đối xử tốt với chúng.
Điều này bao gồm cả việc bạn thể hiện sự cảm kích mỗi khi con giúp đỡ bạn, xin lỗi con mỗi khi bạn mắc sai lầm, chăm sóc và giúp đỡ con, làm con ngạc nhiên, tôn trọng con, và nói chuyện với con một cách tích cực.
Lòng nhân từ là ưu tiên hàng đầu
“Chúng ta là những thói quen chúng ta lặp lại mỗi ngày. Cuối cùng, sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen.”
—Will Durant, được truyền cảm hứng bởi Aristotle
Chỉ cần tập trung vào lòng nhân ái như một ưu tiên hàng đầu trong gia đình, bạn sẽ giúp trẻ coi lòng tốt là một phần quan trọng trong tính cách. Hãy đề cập đến tầm quan trọng của đức tính này trong các cuộc trò chuyện, và luôn nhắc nhở mỗi khi con rời nhà để đi học, đi chơi và đi làm những việc khác nhau ngoài xã hội.
Để tâm đến lòng nhân ái trong những người khác
“Một ngày trở nên đẹp biết bao khi lòng nhân từ chạm đến.”
—George Elliston
Hãy giữ cho giác quan của bạn thật nhạy bén để nhanh chóng phát hiện điều tốt đẹp ở những người khác; chú tâm đến điều đó, trân trọng nó và tận dụng nó để dạy cho con bạn thực hiện những điều tương tự. Bạn sẽ củng cố thêm tầm quan trọng của lòng tốt và biến cuộc sống này thêm phần thú vị.
Đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu
“Bất kể nơi nào có con người tồn tại, nơi đó sẽ có cơ hội cho lòng nhân từ.”
—Lucius Annaeus Seneca
Chắc chắn rằng, biểu hiện lớn nhất của lòng nhân ái chính là tống khứ sự ích kỷ và luôn luôn nghĩ cho người khác. Là cha mẹ, bạn sẽ có vô số cơ hội để làm gương và truyền dạy tư tưởng này cho con mình.
Dạy trẻ rằng lời nói và hành động có ảnh hưởng đến người khác
“Hãy hành động như thể những gì bạn làm tạo ra sự khác biệt.”
—William James
Trẻ con (và cả người lớn) có thể đánh giá thấp hệ lụy của những điều họ nói và làm với những người khác. Hãy giúp cho trẻ luôn nhớ rằng ngôn từ và hành vi của chúng có thể ảnh hưởng đến những người khác. Điều này sẽ giúp củng cố thêm tầm quan trọng của lòng nhân ái.
Hãy biến việc không tốt thành một bài học
“Là con người thì sẽ có sai lầm, và đó là để tha thứ. Thật thiêng liêng.”
—Alexander Pope
Mỗi khi đứa trẻ bị những người khác đối xử không tốt, chúng sẽ có cơ hội để học hỏi. Chúng có thể cảm nhận những cảm xúc tiêu cực mà chúng phải chịu đựng để hiểu rằng không nên làm điều tương tự với người khác. Chúng sẽ muốn nghĩ xem nguyên nhân gì làm cho người khác phải hành xử như vậy và hãy nhân từ với họ. Những hành động này có thể giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của lòng tốt.
Thực hành lòng biết ơn
“Một người khôn ngoan sẽ không đau buồn vì những gì mình không có nhưng sẽ vui vẻ với những gì mình đạt được.”
—Epictetus
Nuôi dưỡng lòng biết ơn và cảm giác về sự đủ đầy ở trẻ em sẽ giúp chúng có đủ năng lực để bày tỏ lòng tốt với người khác. Hãy để tâm đến cả những điều nhỏ bé, những điều thiện lành mà chúng ta cần biết ơn.
Dạy dỗ và làm gương về những cách cư xử tốt đẹp
“Việc dạy cho trẻ em những phép tắc hành xử tốt đẹp chính là dạy cho chúng về lòng nhân ái, nghĩ cho người khác và sự tôn trọng.”
—Claire Strandberg
Hoàng Long biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times