Lạm phát vượt qua virus Trung Cộng trở thành rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư: Bank of America đánh giá
Một cuộc khảo sát mới của Bank of America cho thấy lạm phát đã thay thế virus Trung Cộng để trở thành nỗi lo hàng đầu của các nhà đầu tư, khi Wall Street tìm hiểu xa hơn khỏi phạm vi đại dịch đến những tác động do sóng triều của các gói kích thích và sự bộc phát các nhu cầu đang bị dồn nén khi nền kinh tế phục hồi.
Cuộc khảo sát các giám đốc quản lý quỹ toàn cầu (Global Fund Manager Survey, FMS) gần đây nhất của ngân hàng này chỉ ra rằng mặc dù virus Trung Cộng là “rủi ro lệch đuôi” (tail risk) lớn nhất trong tháng 02/2021, nhưng nó đã được thay thế bằng tỷ lệ lạm phát cao hơn kỳ vọng trong tháng 03/2021.
Các nỗi lo về virus đã rơi xuống hàng thứ ba, xếp sau cái gọi là “cơn thịnh nộ hình nến” trên thị trường trái phiếu. Đây là những đợt bán tháo mạnh được kích hoạt bởi những lo lắng về tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và lạm phát cao hơn, khiến Cục Dự trữ Liên bang phản ứng bằng cách tăng lãi suất.
Ông Jeroen Blokland, giám đốc danh mục đầu tư của quỹ Đa-Tài sản Robeco, viết trong một phân tích hàng ngày rằng, “Điều này ngụ ý rằng các nhà quản lý quỹ toàn cầu cho rằng việc chích ngừa cuối cùng sẽ đưa chúng ta mở cửa trở lại và chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong thời kỳ kinh tế hồi phục không phải là không có rủi ro.”
Trong số 220 nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát, 37% chọn lạm phát, 35% nói sự hoảng loạn của thị trường trái phiếu và dưới 15% cho rằng virus gây ra rủi ro lớn nhất cho các nhà đầu tư. Ít lo lắng hơn nhiều so với ba mối quan tâm hàng đầu nêu trên là những lo ngại về bong bóng Wall Street, mức thuế cao hơn, hoặc quy định chặt chẽ hơn dưới thời chính phủ TT Biden.
Làm trầm trọng thêm mối lo lạm phát là kỳ vọng rằng chính sách mới của Cục Dự trữ Liên bang hướng sang mục tiêu lạm phát trung bình, linh hoạt có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ ngừng tăng lãi suất để cho phép nền kinh tế tăng nóng trong một thời gian và vượt qua mức lạm phát mục tiêu 2%.
Bà Michelle Meyer, lãnh đạo mảng Nghiên cứu kinh tế Hoa Kỳ, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu tại Bank of America, cho biết trong một lưu ý gần đây rằng, “Bảng cân đối của Fed sẽ tiếp tục phình to. Lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp. Và khi làm như vậy, Fed sẽ thực sự giúp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu cuối cùng là tạo ra xu hướng lạm phát cao hơn.”
Bà Meyer cho biết dự báo của Bank of America là tỷ lệ lạm phát chi tiêu cá nhân cốt lõi (PCE)—được loại trừ các danh mục nhiều biến động như thực phẩm và năng lượng—sẽ tăng cao hơn cho cả năm 2021 và thời gian sau đó, nhưng chưa đạt được mục tiêu 2% của Fed.
Bà cho biết trong một ghi chú riêng: “Vì vậy, chúng tôi cho rằng đối với PCE cốt lõi, chúng ta có khả năng kết thúc năm 2021 ở mức khoảng 1.6% so với cùng kỳ năm trước. Có thể sẽ chỉ đạt gần 2% vào cuối năm 2022.”
“Vì vậy, vẫn là một môi trường lạm phát thấp, là nơi mà chúng ta đang đạt được một số tiến bộ từ từ và nó phần lớn sẽ là một hàm số của quỹ đạo tiền lương. Vì vậy, điều quan trọng là phải tập trung vào đường đi của thị trường lao động khi cố gắng tìm hiểu quỹ đạo của lạm phát.”
Các chuyên gia dự đoán lạm phát sẽ tăng nhẹ trong năm nay, nhờ vào kích thích tài khóa lớn và việc mở cửa trở lại của nền kinh tế do sự lây lan của virus Trung Cộng chậm lại. Nhưng sự suy yếu liên tục của thị trường lao động có thể sẽ ngăn áp lực giá vượt ngoài tầm kiểm soát.
Số liệu của Bộ Lao động cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn giảm khoảng 10 triệu việc làm so với trước đại dịch, trong khi tuần trước (08-14/3), 712.000 người dân Hoa Kỳ khác đã nộp đơn xin thất nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 14/3 rằng bất kỳ xu hướng tăng giá nào rất có thể sẽ chỉ là tạm thời.
Bà nói với đài ABC trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Có nguy cơ lạm phát không? Tôi nghĩ rằng có một rủi ro nhỏ. Và tôi nghĩ nó có thể quản lý được. Giá đã giảm rất nhiều vào mùa xuân năm ngoái, khi đại dịch bùng phát. Tôi kỳ vọng một số loại giá sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi vào mùa xuân và mùa hè. Nhưng đó là sự chuyển động tạm thời của giá cả.”
Bà Yellen đã loại bỏ những lo lắng về lạm phát kéo dài.
“Tôi hoàn toàn không nghĩ tới điều đó. Chúng ta đã có kỳ vọng về lạm phát được neo giữ rất tốt và một Cục Dự trữ Liên bang đã biết về cách quản lý lạm phát,” bà nói và cho biết thêm rằng, “Chúng tôi có các công cụ để giải quyết vấn đề này,” có lẽ đề cập đến biện pháp chính sách tăng lãi suất của Fed.
Một phân tích gần đây của Oxford Economics ủng hộ quan điểm rằng áp lực lạm phát tăng sẽ bị kìm hãm bởi sự suy yếu của thị trường lao động.
“Khung chính sách tiền tệ mới của Fed đang được kiểm định bởi kỳ vọng tăng cao về sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và lạm phát. Tuy nhiên, mặc dù các cải thiện về tình trạng y tế, phân phối vaccine và gói kích thích tài chính cao hơn đáng kể, chúng tôi không dự đoán về sự gia tăng ‘lớn và dai dẳng’ của lạm phát hoặc sự phục hồi nhanh chóng trên thị trường lao động. Điều này có nghĩa là Fed sẽ duy trì lập trường chính sách rất phù hợp của mình,” các nhà phân tích của Oxford Economics viết trong một bài đăng về lạm phát.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng cú hích tài khóa khổng lồ đến từ hàng loạt gói cứu trợ chống đại dịch có thể khiến lạm phát tăng cao hơn kỳ vọng.
“Nhiều người tin rằng lạm phát ở Mỹ đã chết, hoặc nếu không phải là chết, thì đang ở trạng thái treo trong tương lai gần. Họ có thể tự sắp xếp cho mình một bất ngờ khó chịu,” Bill Dudley, cựu chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, đã viết trong một bài báo trên Bloomberg vào tháng 12 năm ngoái.
Mô hình “dự báo” lạm phát (nowcast) của Cục Dự trữ Liên bang, nơi theo dõi các dự tính lạm phát theo thời gian thực, cho thấy tỷ lệ lạm phát PCE hàng năm đã tăng lên gần 1.7% vào ngày 17/3 từ khoảng 1.27% vào ngày 25/2.
Các dự báo kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang ước tính rằng lạm phát PCE cốt lõi sẽ tăng từ 1.4% vào năm 2020 lên 2.1% vào năm 2023. Thước đo này theo dõi tỷ lệ lạm phát trong cả năm.
Do Tom Ozimek thực hiện
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: