Lạm phát và giá cả hàng hóa: Nên mua gì bây giờ và tránh những gì
Có vẻ như ở mọi nơi bạn đến, chi phí đều đang tăng lên. Đầu năm nay, Chipotle đã tăng giá thực đơn của mình lên khoảng 4%. Các sản phẩm thực phẩm đắt hơn 2.4% vào tháng Sáu năm 2021 so với tháng Sáu năm 2020. Giá ô tô đã qua sử dụng đang leo dần lên tới mức giá của ô tô mới, và giá thuê ô tô tăng 7.5% trên toàn quốc.
Ông Henrique Aveiro, giám đốc công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo tại Insite AI, nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi hiện đang chứng kiến sự gia tăng giá trên các phân khúc chính ảnh hưởng đến ví tiền của người tiêu dùng.” Insite AI giúp các nhà sản xuất và thương hiệu hàng tiêu dùng quản lý chu kỳ doanh thu và ra quyết định bằng trí tuệ nhân tạo.
Ông Aveiro cho biết, “Danh mục tiểu nhóm thực phẩm duy nhất có giá giảm là ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì.”
Nhìn xa hơn một chút về tương lai cũng có thể làm dấy lên lo lắng. PepsiCo đã báo cáo ý định tăng giá vào năm 2021. Các nhà sản xuất Toymakers Hasbro và Mattel lặp lại các kế hoạch tăng giá trong nửa cuối năm nay. Các thiết bị của Whirlpool sẽ tăng giá niêm yết với mức từ 5% đến 12%.
Ông Aveiro chia sẻ, “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy lạm phát sẽ tăng nhiều hơn trong vài tháng tới khi các doanh nghiệp bù đắp thiệt hại của họ trong đại dịch.”
Trong khi giá cả tăng dường như cho thấy thời kỳ tài chính khó khăn sắp tới, thì kiến thức về các nguyên nhân đằng sau chuyện giá cả tăng có thể là rất hữu ích.
Lạm phát và tăng giá
Theo thời gian, chi phí hàng hóa và dịch vụ hiếm khi duy trì ổn định. Giá cả thường tăng khoảng 2% hoặc 3% từ năm này sang năm khác trong thời kỳ lạm phát thấp. Đã có những thời điểm lạm phát khiến giá cả leo thang nhanh chóng, chẳng hạn như tăng 5% hoặc 10%, từ năm này sang năm khác. Đôi khi giá cả cũng giảm, được gọi là giảm phát.
Các vụ phong tỏa liên quan đến đại dịch đã tạo ra sự gián đoạn trên toàn cầu, làm rung chuyển chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng thiếu lao động, và thúc đẩy chi phí hàng hóa và tiền lương của nhân viên tăng lên. Những đợt phong tỏa cũng đã dẫn đến các xu hướng độc đáo trong cách mọi người đi du lịch, làm việc, mua sắm cũng như chi tiêu thời gian và tiền bạc của họ. Ông Aveiro cho biết rằng, “Không có thời kỳ đương đại nào khác trong lịch sử mà chúng ta chứng kiến nhiều sự thay đổi thói quen tiêu dùng lớn như vậy.”
Ngay cả khi nền kinh tế hướng tới thời kỳ hậu đại dịch, mức độ bất ổn định và khó khăn về nguồn cung vẫn còn. Ông Aveiro nói rằng, “Khí đốt, xe cộ và dịch vụ vận tải hiện đang phục hồi và kéo theo đó là các mức giá cả lớn hơn.” Khi công nhân quay trở lại văn phòng của họ làm việc, nhu cầu về xăng tăng lên có thể đẩy giá cả leo thang; giá vé máy bay cũng có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Mua sắm hay chờ đợi
Các giao dịch mua sắm lớn chẳng hạn như mua nhà có thể gây thêm căng thẳng khi giá nhà tăng.
Cô Nicole Serviss, một nhà môi giới bất động sản ở khu vực Seattle, nói với The Epoch Times rằng, “Một số người mua đang phải đối mặt mức giá đắt hơn ở khu vực họ mong muốn.”
Cô cho biết, “Trong một số trường hợp, tốt hơn là quý vị nên trả nhiều tiền cho một ngôi nhà chỉ để bảo đảm rằng quý vị sẽ mua được một căn nhà hơn là chờ đợi.”
Tuy nhiên, nếu thời gian của quý vị linh hoạt, quý vị có thể quyết định mua sắm tại nhà vào năm tới để xem xét các mức giá cả [khác nhau]. Quý vị cũng sẽ muốn xem xét các mức lãi suất cho các khoản vay thế chấp và các khoản thanh toán hàng tháng để xem liệu số tiền có phù hợp với ngân sách của quý vị hay không.
Đối với các mặt hàng có giá trị lớn khác như ô tô, có thể đáng giá khi so sánh giá của một mẫu xe đã qua sử dụng với một phiên bản mới. Quý vị có thể nhận thấy có những lợi ích khi mua một chiếc xe mới nếu chênh lệch giá cả giữa xe mới và xe cũ là rất nhỏ. Nếu quý vị chưa cần xe ngay thì có thể đợi sang năm sau để nguồn cung xe có thời gian bắt kịp nhu cầu thị trường và có khả năng làm hạ giá xe.
Hàng hóa hàng ngày như tạp phẩm, thực phẩm và đồ gia dụng có thể đòi hỏi một sự thay đổi trong ngân sách của quý vị.
Ông Aveiro nói rằng, “Các loại thịt, gia cầm, cá và trứng đã tăng giá nhanh chóng.” Quý vị có thể thấy mình đang chi tiêu nhiều hơn cho những mặt hàng này và cần cắt giảm trong các lĩnh vực khác. Quý vị có thể xem xét giảm số tiền chi tiêu cho việc đi du lịch hoặc nghỉ mát, hoặc quý vị có thể chọn từ bỏ một dự án nhà để duy trì lối sống hiện tại của mình.
Lập ngân sách cho tương lai
Giá cả có thể dao động trong những tháng tới, và cách chuẩn bị an toàn nhất có thể là việc trù tính sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hóa, thực phẩm, đồ gia dụng và các chi phí sinh hoạt khác.
Ông David V. Lewis, một nhà hoạch định tài chính tại Montlake Capital Management, nói với The Epoch Times rằng, “Chúng ta đang hướng tới lạm phát cao hơn.”
Ông cho biết, “Không chỉ từ sự phục hồi kinh tế sau COVID và việc thiết lập lại các mức tiền lương.” Thâm hụt ngân sách của liên bang cao và các yếu tố khác có thể dẫn đến các mức lãi suất cao hơn và giá cả tăng cao hơn.
Vì sức mua của đồng dollar suy yếu khi lạm phát gia tăng, các tác động của lạm phát có thể ảnh hưởng đến [giá trị] của các tài khoản tiết kiệm. Ông Lewis nói rằng, lạm phát “phá vỡ các giá trị của các khoản lương hưu và kế hoạch lương hưu.” Lúc này có thể là thời điểm tốt để xem lại kế hoạch tiết kiệm dài hạn và danh mục tài sản của quý vị. Giữ cho tài sản đa dạng và không chi tiêu vượt quá thu nhập của quý vị có thể là cách để quý vị vượt qua những tháng tới và xa hơn nữa.
Do Rachel Hartman thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: