Lạm phát tăng vụt do chi tiêu liều lĩnh sẽ làm khó các thành viên Đảng Dân Chủ vào tháng Mười Một
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy chỉ 38% người Mỹ chấp thuận công việc mà Tổng thống Joe Biden đang làm — giảm từ 41% vào tháng Mười Hai và 48% vào tháng Bảy – đây chỉ là thông tin mới nhất trong luồng những tin xấu đối với Đảng Dân Chủ vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần vào tháng Mười Một.
53% người Mỹ trong cuộc thăm dò của CNBC cho biết họ không tán thành đã viện dẫn cách giải quyết của của ông Biden đối với nền kinh tế, cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine, là lý do chính.
Trong các tuyên bố công khai gần đây của mình, ông Biden đã cố gắng nhấn mạnh các tin tốt và thu hút sự chú ý đến những số liệu thất nghiệp giảm đi trong nhiệm kỳ chính phủ của ông, từ 6.4% vào tháng Một năm 2021 xuống còn 3.6% hiện tại. Nhưng những con số này dường như không giúp đánh lạc hướng công chúng khỏi tỷ lệ lạm phát đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 8.5% so với năm ngoái (2021), dẫn đến tỷ lệ cao nhất trong bốn thập niên.
Các chuyên gia cho biết, trong khi xung đột Ukraine có tác động không thể phủ nhận đối với giá, và COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là những chuỗi cung ứng xuất phát từ những nơi như thành phố Thượng Hải bị phong tỏa, bất kỳ nỗ lực nào để đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài này sẽ khó thuyết phục được cử tri và đưa Đảng Dân Chủ thoát được ra khỏi cái hố đã tự đào. Họ cho rằng, trong hai năm qua, đảng của ông Biden đã kiên quyết theo đuổi các chính sách tài khóa làm tăng lạm phát.
Theo ông Ivan Pongracic, giáo sư kinh tế tại Đại học Hillsdale, các thành viên Đảng Dân Chủ đã chi tiêu liều lĩnh vượt xa những gì mà phản ứng đại dịch có thể gây ra, làm trầm trọng thêm các vấn đề từ phía cung ứng với chính sách tiền tệ mở rộng.
Ông Pongracic cho biết, “Các vấn đề về phía nguồn cung mà chúng ta hiện đang gặp phải, cho dù các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch hay việc tăng giá hàng hóa liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, đặc biệt là dầu, là những yếu tố làm trầm trọng thêm, nhưng ‘nguyên tội’ là nguồn cung tiền của Cục Dự trữ Liên bang tăng trong hai năm qua.”
Phương pháp tiếp cận của Fed
Ông Pongracic lưu ý, Cục Dự trữ Liên bang đã bận rộn bơm tiền mới vào nền kinh tế bằng cách mua trái phiếu Kho bạc từ các ngân hàng. Biện pháp này có tác dụng thay thế trái phiếu mà các ngân hàng nắm giữ bằng tiền mới, và tăng đều đặn lượng tiền mặt dự trữ cho các ngân hàng để cho vay. Mục đích ở đây là để bù đắp nhu cầu cao hơn đối với các nguồn vốn có thể cho vay, mà đại dịch phải chịu một phần trách nhiệm, với nguồn cung tiền mặt có thể cho vay lớn hơn, và do đó giữ cho lãi suất được kiểm soát.
Thước đo cung tiền M2 – thước đo tiền có phạm vi rộng nhất trong nền kinh tế của Fed – đã tăng 40% trong hai năm qua, mức tăng mà ông Pongracic gọi là “đáng kinh ngạc.”
Ông Pongracic nói, “Fed đã tiền tệ hóa một lượng lớn khoản nợ đó để giữ cho lãi suất không tăng, vì họ nghĩ rằng họ sẽ có thể xóa sổ tất cả nhanh chóng khi đại dịch lắng xuống. Than ôi, các kế hoạch chi tiêu rất lớn của ông Biden đã khiến ý tưởng đó trở nên bất khả thi, và Fed đã tiếp tục các chính sách mở rộng cung tiền trong thời gian gần như chắc chắn lâu hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.”
Một chương trình chi tiêu rất lớn, thực vô tiền khoáng hậu, chẳng hạn như Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1.9 nghìn tỷ USD, được ông Biden ký thành luật vào tháng Ba năm 2021 không phải là bối cảnh lý tưởng để giảm bớt nhu cầu về các khoản vốn có thể cho vay.
Trên thực tế chính phủ đã tiền tệ hóa khoản nợ của chính phủ, thay thế trái phiếu chính phủ do các ngân hàng đang giữ bằng tiền mới in. Ông Pongracic nói, kết quả cuối cùng của xu hướng này giống hệt kịch bản mà chúng ta sẽ có nếu Quốc hội kiểm soát Fed và đưa ra quyết định tài trợ chi tiêu thâm hụt của chính mình bằng cách in tiền mới thay vì phát hành trái phiếu.
Ông Pongracic nói: “Đây luôn là nguồn gốc chính của lạm phát, đó là lý do tại sao ở toàn bộ thế giới phương Tây, các ngân hàng trung ương đã được độc lập và được thiết kế để tập trung đầu tiên và chú trọng nhất vào mục tiêu ổn định giá cả,” hay lạm phát thấp. Với sự xuất hiện của đại dịch, các ngân hàng trung ương đã quay lưng lại với vai trò truyền thống là người bảo vệ sự ổn định giá cả và quyết định ưu tiên cao hơn việc giúp các chính phủ tài trợ cho các đợt phong tỏa lớn.
Ông Vance Ginn, nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Chính sách Công Texas, người từng là phó giám đốc phụ trách chính sách kinh tế tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Tòa Bạch Ốc từ năm 2019 đến năm 2020, khẳng định rằng in tiền ở mức như vậy dẫn đến một nền kinh tế nơi có quá nhiều tiền mặt cho quá ít hàng hóa và không có khả năng thoát khỏi lạm phát. Hậu quả này là không thể qua mặt được các cử tri.
Ông Ginn nói, “Điều quan trọng nhất trong tâm trí của mọi người là lạm phát, và đặc biệt là mức tăng 8.5% của chỉ số giá tiêu dùng so với năm ngoái. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 1981.”
Ông Ginn lưu ý, một thế hệ người Mỹ chưa đủ lớn để nhớ về những năm 1970 chưa bao giờ chứng kiến lạm phát tăng vụt như thế này trong đời, và những người đủ lớn đã có những phản ứng tiêu cực. Dù cử tri ở độ tuổi nào, thì Đảng Dân Chủ cũng không có triển vọng.
Ông Ginn nói, “Những người chứng kiến kiểu lạm phát [tăng vụt] này hồi đó đang nói, ‘Không phải như vậy nữa chứ!’ Đó là một thách thức để tiếp tục phải trả giá cao hơn cho thực phẩm, giá cao hơn tại trạm xăng. Ở mọi nơi quý vị thấy, giá cả đang tăng lên.”
Ông Ginn nhận xét, bất chấp những tuyên bố lạc quan gần đây của ông Biden, lạm phát tăng vụt càng khó hấp thụ hơn trong một nền kinh tế có ba triệu người vẫn không thuộc lực lượng lao động và số người được tuyển dụng ít hơn so với tháng Hai năm 2020, trong những ngày trước khi phong tỏa và suy thoái.
Ông nói thêm, “Có quá nhiều điều không chắc chắn, mọi người chỉ không chắc chắn về tương lai, và điều đó đi ngược lại với đảng đang giữ quyền. Xếp hạng cuộc thăm dò của Tổng thống Biden tiếp tục ở mức khá thấp, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông ta cho đến nay, và sự xếp hạng này phản ánh nền kinh tế nói chung.”
Ông Ginn nghi ngờ rằng ông Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ sẽ có thể thuyết phục công chúng về quan điểm rằng các xu hướng tiêu cực là kết quả của cuộc xung đột Ukraine và các lực lượng bên ngoài khác, chứ không phải là hậu quả của các chính sách của chính họ. Giá dầu đã tăng nhanh chóng từ lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02. Trong khi đó, ông Ginn quan sát thấy, chính phủ của ông Biden đã cản trở sản xuất trong nước bằng cách đóng cửa đường ống Keystone XL và xu hướng ngày càng tăng của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch về việc dựa trên các quy định tài chính về “ESG” Các nguyên tắc — Môi trường, Xã hội và Quản trị – đã làm giảm dòng vốn đầu tư vào các nhà sản xuất dầu khí trong nước.
“Điều này góp phần làm thiếu nguồn cung, và do đó giá cao hơn nhiều. Hiện tại, chúng ta đang ngập tràn các chính sách thúc đẩy áp lực cho cơ sở hạ tầng hơn là giúp giảm phát.”
Con đường phía trước
Mặc dù triển vọng kinh tế trong vài năm tới không phải là vô vọng, nhưng việc đảo ngược sự suy giảm do các chính sách tiền tệ mở rộng nhất và điều tiết quá mức mang lại sẽ không dễ dàng và có thể liên quan đến một số biện pháp chính trị không được ưa chuộng. Nhưng các thành viên Đảng Dân Chủ có thể xem xét sự phán quyết của các cử tri có thể đưa ra tại các cuộc thăm dò trong một vài tháng nếu họ không muốn hoặc không thể thay đổi lộ trình.
Ông Pongracic cho biết, việc đưa lạm phát vào tầm kiểm soát sẽ yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất nhanh hơn so với những gì các quan chức Fed đã đề nghị tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của họ vào tháng trước. Hành động như vậy sẽ có nguy cơ làm nổ các “bong bóng” đã hình thành trong một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế Hoa Kỳ, cụ thể là các thị trường địa ốc, mà ông Pongracic gọi là được định giá quá cao hiện nay. Một sự thay đổi như vậy cũng có thể dẫn đến một cuộc suy thoái.
Ông nói, “Fed đang hướng tới mục tiêu ‘hạ cánh mềm’ [kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái], như họ đề cập đến, nhưng theo ý kiến của tôi, họ đã đi quá xa để biến mục tiêu đó thành khả thi. Những hành động quyết liệt sẽ là cần thiết, và cá nhân tôi không cảm thấy tự tin lắm rằng ban lãnh đạo hiện tại của Fed có đủ khả năng để đưa ra những quyết định khó khăn đó.”
Theo quan điểm của ông Pongracic, một khả năng có thể xảy ra hơn là các quan chức Fed sẽ đưa ra lời hứa nhưng cuối cùng sẽ tỏ ra không muốn thực hiện sự thắt chặt vốn sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu của Fed là 2%. “Thuế vô hình” của lạm phát cao sẽ đổ lên vai tất cả người dân Mỹ, thúc đẩy tình trạng hỗn loạn và cảnh tượng gợi nhớ đến nền kinh tế trì trệ và hàng dài mua xăng của những năm 1970.
Theo quan điểm của ông Ginn, việc nhà nước kiểm soát quá mức tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017 của chính phủ của ông Trump là một bước đi đúng hướng và báo hiệu sự công nhận, ít nhất là ở một số cấp chính phủ, rằng việc đánh thuế cắt cổ các công ty không phải là một giải pháp vì các công ty không phải là những nơi thay thế để chính phủ có thể đơn giản chuyển gánh nặng thuế sang, mà là được tạo thành từ các nhóm cá nhân. Thuế doanh nghiệp cao đồng nghĩa với việc lương thấp hơn và ít việc làm hơn, và ảnh hưởng đến xã hội nói chung là rõ ràng hơn.
Ông nói: “Chúng ta có thể giữ thuế suất doanh nghiệp càng thấp, chúng ta sẽ càng cạnh tranh hơn trên một sân chơi toàn cầu, để có năng lượng sản xuất trong nước cho phép chúng ta tăng trưởng cạnh tranh hơn.”
Ông theo Ginn, mặc dù lời hùng biện của Đảng Dân Chủ có thể nhấn mạnh đến việc giúp đỡ những thành viên nghèo nhất trong xã hội, nhưng cũng nên xem ai là người chịu nhiều thiệt hại nhất do lạm phát phi mã.
Ông nói, “Những người theo chủ nghĩa cấp tiến nói rằng họ đang cố gắng giúp đỡ những người có thu nhập thấp hơn, nhưng các chính sách của họ làm tổn thương những người đó nhiều nhất. Quá nhiều quy định, những quy định mà những người cấp tiến cho rằng là vì lợi ích của người dân, đã đánh vào những người có thu nhập thấp hơn, đây là một tình huống không công bằng.”
Trong khi giới giàu có sẽ tìm cách lách qua các biện pháp như cái gọi là thuế tỷ phú, cuối cùng việc đánh thuế này sẽ dẫn đến ít vốn đầu tư vào nền kinh tế hơn. Ông Ginn nói, điều này dẫn đến ít việc làm hơn và lương thấp hơn.
Ông nói: “Cần có cơ hội cho tất cả mọi người tiến lên trên bậc thang thu nhập, và rất thông thường là, bằng cách áp đặt nhiều quy định hơn, quý vị thực sự làm giảm cơ hội của những người ở bậc thấp hơn.
Ông Michael Washburn là một ký giả tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: