Lạm phát tăng cao ảnh hưởng mạnh đến các cửa hàng bách hóa ở Mỹ
Với việc giá cả hàng hóa tăng cao do đại dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, và lạm phát đã ảnh hưởng đến các cửa hàng bách hóa trên khắp Hoa Kỳ khi các thương hiệu tăng giá sản phẩm để ngăn chặn lợi nhuận của công ty khỏi việc bị siết chặt.
P&G, công ty kinh doanh các sản phẩm chăm sóc da, dầu gội, tã lót và kem đánh răng, đã tăng giá sản phẩm lên 5% để đạt mức tăng trưởng doanh số 10% trong ba tháng đầu năm 2022. Công ty nước đóng chai và sữa chua Danone đã đạt được mục tiêu tăng trưởng doanh số trong quý đầu tiên bằng cách chuyển một số chi phí cho khách hàng. Việc “định giá quyết đoán” của nhà sản xuất bia Heineken đã giúp công ty này đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần 24.9% trong giai đoạn này, theo tạp chí Fortune.
Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát, đã tăng 1.2% trong tháng Ba, theo dữ liệu (pdf) từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ. Tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng ở mức 8.5%, cao nhất kể từ tháng 12/1981. Chỉ số giá tiêu dùng thực phẩm tăng 10% trong năm qua, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 03/1981.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF), doanh số bán lẻ trong tháng Ba đã khởi sắc. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NRF Matthew Shay cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 14/04, điều này cho thấy rằng khách hàng đã duy trì khả năng chi tiêu của họ bất chấp nhiều vấn đề như lạm phát, bất ổn địa chính trị và những nút thắt khó gỡ trong chuỗi cung ứng.
Ông Shay nói: “Người tiêu dùng đang thích nghi và mua sắm thông minh hơn cho bản thân và gia đình của họ. Chúng tôi tin rằng sức mạnh của người tiêu dùng có thể đưa nền kinh tế vượt qua sự bất ổn kinh tế đáng kể này nếu các nhà hoạch định chính sách thực hiện các chính sách được tính toán và không phản ứng quá mức với các điều kiện hiện tại.”
Lạm phát cao sẽ không sớm lắng xuống. Các nhà phân tích tại Bank of America gần đây đã tuyên bố trong một ghi chú rằng họ dự kiến lạm phát lương thực ở nước này sẽ đạt 9% vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích viết: “Nhìn về phía trước, chúng tôi nghĩ rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục cảm thấy sức ép của lạm phát thực phẩm gia tăng. Trong khi có rất nhiều sự chú ý về những chấn động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, chúng tôi tin rằng vẫn còn quá sớm để thấy tác động tại cửa hàng bách hóa … đúng hơn, nó sẽ dẫn đến việc tăng giá liên tục vào cuối năm nay.”
Một thương hiệu đã tăng giá trước đó và dự định tiếp tục chiến lược này là Nestle, công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới. Trong quý đầu tiên, công ty này đã giải quyết vấn đề chi phí sản xuất tăng cao cho người mua sắm bằng cách tăng giá của các sản phẩm cuối cùng lên hơn 5%. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, những người chứng kiến giá niêm yết tăng 8.5%.
Giám đốc điều hành của công ty này cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 21/04: “Chúng tôi đã tăng cường định giá một cách có trách nhiệm và nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng vẫn ổn định. Lạm phát chi phí tiếp tục tăng mạnh, vốn sẽ đòi hỏi hành động định giá và hành động làm giảm thiểu [lạm phát] hơn nữa xuyên suốt năm nay.”
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: